Bảo hiểm y tế cho người có HIV: Những bài toán khó, cần lời giải hay

Trong bối cảnh sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS vẫn còn nặng nề, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nhiễm HIV/AIDS.
Bác sỹ tư vấn cho thai phụ nhiễm HIV/AIDS điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Khuôn mặt đầy đặn, ánh mắt hiền từ, nước da trắng với phong thái hoạt bát, nụ cười luôn thường trực trên gương mặt, nhìn chị Ngô Thị Liên không ai nghĩ rằng chị là người đang mang trong mình “căn bệnh thế kỷ” đã chục năm nay.

Cái phong thái tự tin, đĩnh đạc của người phụ nữ đến từ vùng đất Yên Bái ấy làm người lần đầu tiếp xúc không chỉ nể phục mà còn ngưỡng mộ chị.

Chị Ngô Thị Liên - Trưởng ban điều phối mạng lưới Hoa Hướng Dương Việt Nam, đại diện mạng lưới những người có HIV cho hay, chị đã phát hiện và chung sống mạnh khỏe với bệnh HIV từ 12 năm nay nhờ nguồn thuốc ARV.

Những phận người không giấy tờ

Là một người vươn lên từ những tuyệt vọng khi biết mình mắc bệnh HIV, giờ đây chị Liên đã là một “diễn giả” khá nổi tiếng trong công tác phòng chống HIV.

Chị Liên cho hay, 12 năm qua, chị được dùng thuốc ARV từ nguồn thuốc viện trợ, nên cuộc sống và sức khỏe của chị khá tốt. Tuy nhiên, thời gian tới, nếu như nguồn thuốc viện trợ bị cắt giảm thì không chỉ chị mà hơn 100.000 người có HIV đang điều trị bằng ARV sẽ phải nhờ cậy vào nguồn thuốc từ bảo hiểm y tế. Song, với những người có HIV, để mua được thẻ bảo hiểm y tế hiện nay vẫn còn nhiều trở ngại, mà cộng đồng người có H luôn mong được tháo gỡ.

Chị Ngô Thị Liên trình bày trong một cuộc hội thảo về công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Hiện nay, theo thống kê của Bộ Y tế, số người có HIV mua thẻ bảo hiểm y tế vẫn chỉ dừng lại ở một mức khá khiêm tốn, chưa đến 30%.

​Hiện có rất nhiều rào cản ​khiến những người có HIV khó tiếp cận bảo hiểm y tế ​như không có đủ tiền, không có đăng ký thường trú, thiếu giấy tờ hành chính (chứng minh thư), không thể mua đủ tiền để mua bảo hiểm y tế cho tất cả thành viên trong hộ gia đình…

Phân tích về những khó khăn này, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS Trịnh Thị Lê Trâm nhấn mạnh, việc quy định mua thẻ bảo hiểm y tế hiện nay nhiều địa phương vẫn bắt phải mua theo hộ gia đình. Do vậy, những gia đình có người nhiễm HIV thì đây là một điều quá khó khăn khi họ không thể mua thẻ bảo hiểm y tế cho cả hộ gia đình được. Vì vậy, theo bà Trâm, với những trường hợp là người có HIV chúng ta nên có giải pháp như thế nào, cho phép các tỉnh có lộ trình chung hay không?

Theo bà Trâm, về vấn đề thủ tục, đây là một điều vô cùng khó khăn, bởi rất nhiều người có HIV khi ra khỏi các Trung tâm giáo dục chữa bệnh họ không dám về quê vì sợ bị kỳ thị, hoặc đi làm việc ở nơi khác. Họ không đăng ký tạm trú hoặc thường trú. Bên cạnh đó, họ thường thay đổi chỗ ở, sống lang bạt nhiều nơi nên nhiều khi không có cả chứng minh thư, vì vậy họ không đủ giấy tờ xác nhận để được tham gia bảo hiểm y tế.

Một đại diện người có HIV cho hay, rất nhiều người nhiễm HIV gặp khó khăn trong việc nhập hộ khẩu khi hết hạn chấp hành án, hoặc thời gian cai nghiện tại trung tâm, vì rất nhiều lý do như có người từ nhỏ không có giấy khai sinh vì bố mẹ không đi khai sinh, không còn chỗ ở gia đình vì bán nhà chuyển đi nơi khác, hoặc mất nhà do vỡ nợ. Nhìn chung, họ không còn nơi cư trú hoặc mất hết các giấy tờ liên quan đến việc nhập hộ khẩu. Do vậy họ không đủ điều kiện để tham gia bảo hiểm y tế.

Còn một trường hợp khác khó có thể mua được bảo hiểm y tế, đó là nhiều trẻ nhiễm HIV sinh ra ở nước ngoài vì mẹ bị nạn buôn bán phụ nữ qua biên giới, hoặc lấy chồng nước ngoài nay trở về Việt Nam không làm thủ tục khai sinh được vì không có giấy chứng sinh. Trẻ em đó cũng khó có thể tham gia được bảo hiểm y tế.

Nhiều chị em bị bán qua biên giới hoặc lấy chồng ở nước ngoài khi trở về Việt Nam mất hết giấy tờ nên không có giấy tờ tùy thân, Họ cũng không thể tham gia bảo hiểm y tế. Thêm vào đó, con của các chị em trên khi về nước, không làm thủ tục khai sinh vì không có giấy chứng sinh hoặc mẹ không có giấy tờ tùy thân họ cũng không thể tham gia bảo hiểm y tế.

Ở một góc độ khác, hiện nay có rất nhiều người có HIV chưa vượt qua được chính nỗi sợ người khác biết mình có HIV nên âm thầm chữa trị. Tuy nhiên, thời gian tới nếu chuyển bệnh nhân điều trị ARV sang cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc khi tham gia bảo hiểm y tế họ phải lấy thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh nơi đăng ký ban đầu, họ rất dễ gặp những người quen đến khám chữa bệnh, rất dễ lộ thông tin họ bị nhiễm HIV, dẫn đến tâm lý lo lắng, e ngại khi tham gia bảo hiểm y tế.

Theo thống kê của Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, rất nhiều người nhiễm HIV do sợ lộ thông tin bị nhiễm HIV nên khi làm hồ sơ điều trị ARV họ thường thay đổi họ tên (mang tên giả). Khi tham gia bảo hiểm y tế họ phải làm lại hồ sơ bằng tên thật của mình, hồ sơ cũ không được công nhận. Để được điều trị ARV họ phải làm lại tất cả các xét nghiệm và các thủ tục mới gây tốn kém cho người nhiễm HIV và rất dễ xảy ra tình trạng gián đoạn điều trị ARV.


Nguồn thu nhập ít ỏi

Chị Ngô Thị Liên - Trưởng ban điều phối mạng lưới Hoa Hướng Dương Việt Nam cho hay, mạng lưới đã tiến hành khảo sát khả năng tiếp cận bảo hiểm y tế của cộng đồng người dễ bị tồn thương. Kết quả cho thấy, có 84% số người được hỏi có mức thu nhập trung bình dưới 3 triệu đồng một tháng và 82% trong số người được hỏi trong độ tuổi từ 24-50 tuổi.

Chị Ngô Thị Liên, Trưởng ban điều phối mạng lưới Hoa Hướng Dương Việt Nam chia sẻ lợi ích về dùng thuốc ARV.

Chia sẻ những khó khăn về kinh tế khi thực hiện quy định Thông tư 40 về danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi tham toán của Bảo hiểm y tế, một bệnh nhân có HIV tâm sự, anh bị ung thư phổi sau khi chuyển sang giai đoạn AIDS nên buộc phải dùng thuốc để ngăn ngừa các tế bào ung thư phát triển. Song loại thuốc anh đang dùng có giá tới 1.350.000 đồng/viên, mỗi ngày anh phải uống 1 viên và không được bảo hiểm y tế chi trả 100% như trước mà anh phải cùng chi trả 50%, tương đưỡng mỗi ngày gần 700.000 đồng tiền thuốc.

Sau đó, anh đã phải bỏ điều trị về nhà vì cả hai vợ chồng đều bị nhiễm HIV và không có thu nhập ổn định, họ đang phải nuôi con ăn học. Đây là khó khăn rất lớn cho anh và gia đình khi chưa có nguồn thu nhập ổn định.

Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết điều trị ARV sớm mang lại nhiều lợi ích. thuốc ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS là một trong những giải pháp giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ, giảm tử vong và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục. Nhiều người nhiễm HIV được điều trị ARV vẫn sống bình thường hàng chục năm.

Hiện nay, sắp đến thời điểm các tổ chức quốc tế ngừng viện trợ điều trị bệnh nhân HIV/AIDS cũng đồng nghĩa người bệnh phải tham gia bảo hiểm y tế mới được cấp thuốc.

Chính vì vậy, nhiều nhà hoạt động chính sách và những người có HIV đều mong mỏi trong bối cảnh sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS vẫn còn nặng nề, việc điều trị ARV cho người nhiễm HIV vẫn nên để lại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS của địa phương.

Trưởng đại diện Mạng lưới quốc gia những người sống với HIV/AIDS của Việt Nam (VNP+) Đỗ Đăng Đông bày tỏ, nên có chính sách miễn giảm cho những người nhiễm HIV khi họ bị mắc bệnh nhiễm trùng cơ hội, đặc biệt là khi họ bị bệnh ung thư.

Theo anh Đông, với những gia đình có nhiều người nhiễm HIV, nên chăng nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ họ khi họ tham gia bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh để giảm bớt gánh nặng chi phí. Bên cạnh đó là việc tháo lỏng quy định về nơi cư trú trên thẻ bảo hiểm y tế vì nhiều người có HIV không có nơi cư trú ổn định; Vận động để bỏ cơ chế mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình đối với người có HIV.

Bảo hiểm y tế được xem là “phao cứu sinh” giúp bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS giảm bớt chi phí trong điều trị, duy trì sự sống, đặc biệt là khi các nguồn lực hỗ trợ điều trị HIV/AIDS đều dựa vào nguồn tài trợ từ các dự án quốc tế, nhưng sắp tới đây các nguồn hỗ trợ này sẽ chấm dứt. Nếu bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS không được bảo hiểm y tế chi trả sẽ là một điều vô cùng khó khăn.

Những nỗi lòng của người có HIV mong nhận được sự chia sẻ của cộng đồng và những nhà hoạch định chính sách. Bởi không phải người có HIV nào cũng vượt qua được chính mình để đứng hiên ngang bước ra ngoài xã hội công khai bản thân với căn bệnh HIV đang hiện hữu trong cơ thể. Có rất rất nhiều người lặng lẽ, thậm chí không muốn để người khác biết bệnh của mình…

Trong bối cảnh sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS vẫn còn nặng nề, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nhiễm HIV/AIDS, để không có đối tượng nào bị bỏ rơi trong giai đoạn chuyển giao thực hiện quy định của pháp luật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục