Từ ngày 1/1/2017, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ chính thức đưa vào vận hành hệ thống “Một cửa điện tử tập trung”.
Chiều 28/12, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã trực tiếp kiểm tra việc vận hành hệ thống.
Hiện nay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vẫn đang chỉ đạo các địa phương thực hiện ba hình thức giao dịch với người lao động và đơn vị sử dụng lao động gồm: Giao dịch trực tiếp tại cơ quan Bảo hiểm Xã hội; giao dịch qua dịch vụ bưu chính và giao dịch trực tuyến thông qua phần mềm giao dịch điện tử.
Các dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính của Bảo hiểm Xã hội các địa phương qua ba kênh giao dịch trên vẫn đang được thống kê, tổng hợp theo hình thức thủ công. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo, theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính.
Ông Lương Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết sau quá trình thử nghiệm, đến nay, các địa phương đã thực hiện kết nối dữ liệu phần mềm quản lý tiếp nhận hồ sơ 2.0. Tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng đã thực hiện xong việc lắp đặt thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin.
Hệ thống phần mềm “Một cửa điện tử tập trung” sẽ giúp theo dõi công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính của ngành bảo hiểm xã hội trong phạm vi cả nước. Hệ thống sẽ cung cấp công cụ theo dõi đường đi của hồ sơ; kiểm soát được tiến độ giải quyết hồ sơ của các phòng nghiệp vụ. Qua đó, đảm bảo việc thực hiện thủ tục hành chính tại các địa phương được công khai, minh bạch, chuyên nghiệp.
Trong thời gian tới, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ tiếp nhận trực tuyến các báo cáo, thống kê, tổng hợp kết quả tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính, thay vì các địa phương phải gửi báo cáo qua đường Bưu điện hoặc qua thư điện tử như hiện nay.
Với hệ thống này, các phòng, bộ phận “Một cửa” của Bảo hiểm Xã hội cấp tỉnh, cấp huyện sẽ quản lý được toàn bộ quy trình nghiệp vụ từ việc tiếp nhận hồ sơ đến chuyển hồ sơ dữ liệu, thụ lý giải quyết, trả kết quả, tổng hợp báo cáo kết quả giải quyết. Trong đó, quản lý chi tiết đến ngày, giờ giải quyết hồ sơ, cán bộ thụ lý hồ sơ; cảnh báo tình trạng hồ sơ sắp đến hạn, chậm muộn.
Cơ quan Bảo hiểm Xã hội địa phương cũng quản lý được lượng hồ sơ cần giải quyết, tiến độ giải quyết, tình trạng hồ sơ để có phương án xử lý kịp thời.
Tại buổi kiểm tra trước khi chính thức vận hành hệ thống, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã ghi nhận và đánh giá cao việc triển khai xây dựng hệ thống. Bà Minh cũng yêu cầu bổ sung tiện ích của hệ thống nhắc nhở, cảnh báo khi cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết chậm, để nhiều hồ sơ quá hạn./.