Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ triển khai toàn diện việc chuyển đổi số

Bảo hiểm xã hội Việt Nam phấn đấu thực hiện cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của ngành và triển khai đầy đủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Lễ công bố ứng dụng "VssID - Bảo hiểm xã hội số" của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Lễ công bố ứng dụng "VssID - Bảo hiểm xã hội số" của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 196/KH-BHXH, với 4 mục tiêu, 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, mục tiêu chung là tập trung hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của ngành tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.

Nâng xếp hạng chỉ số “nộp thuế và bảo hiểm xã hội”

Bảo hiểm xã hội Việt Nam phấn đấu hoàn thiện việc tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ, góp phần thực hiện mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số “nộp thuế và bảo hiểm xã hội;” thực hiện cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của ngành và triển khai đầy đủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam với các tổ chức, đơn vị liên quan.

Ngành cũng phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch theo lộ trình liên quan đến việc chuyển đổi số trong triển khai Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính.

Cùng với đó, ngành đẩy mạnh thanh toán điện tử, phấn đấu đến hết năm 2021 đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, mai táng phí, tử tuất… sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu các đơn vị trong ngành quán triệt Nghị quyết số 02/NQ-CP tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động; cụ thể hóa thành các đề án, dự án, nhiệm vụ, kế hoạch triển khai thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Xác định rõ trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các đơn vị trực thuộc, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và việc phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài ngành, nhằm đảm bảo thời gian, chất lượng, hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Việc phân công, phân nhiệm phải đảm bảo nguyên tắc: rõ người, rõ việc, rõ quy trình tổ chức thực hiện; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị, doanh nghiệp và người dân.

[Phấn đấu 35,2% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội năm 2021]

Để đạt được các mục tiêu trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính; đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ của ngành (đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025).

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai toàn diện việc chuyển đổi số; hoàn thiện hệ thống phần mềm nghiệp vụ, cơ sở dữ liệu tập trung; thực hiện liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.

Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục mở rộng triển khai thanh toán điện tử song phương với các ngân hàng thương mại; thực hiện tuyên truyền, vận động, khuyến khích người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngành cũng phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh truyên truyền những biện pháp, giải pháp chủ yếu để tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch thực hiện của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch COVID.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ triển khai toàn diện việc chuyển đổi số ảnh 1Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cắt giảm nhiều thủ tục hành chính để phục vụ người lao động, doanh nghiệp tốt hơn. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức triển khai, thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.

Sẽ giảm số giờ thực hiện thủ tục hành chính còn 129 giờ/năm

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, năm 2014 Chính phủ ban hành Nghị quyết đầu tiên (Nghị quyết 19/NQ-CP) về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo hiểm xã hội-thuế và điện lực được chọn là hai khâu đột phá.

Sau một thời gian rất ngắn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã vượt qua rất nhiều khó khăn để có những bước tiến mạnh mẽ, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của ngành, mang lại sự thuận lợi, tiện ích cho người dân, góp phần tạo niềm tin, quyết tâm thực hiện đổi mới, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Điểm nổi bật là Bảo hiểm xã hội Việt Nam chú trọng cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ; quyết liệt chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, tác phong làm việc chuyển từ hành chính sang phục vụ.

Trong đó, bộ thủ tục hành chính của ngành được cắt giảm từ 114 thủ tục (năm 2015) đến nay còn 27 thủ tục; số giờ thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp giảm từ 335 giờ/năm (năm 2015) xuống còn 147 giờ (năm 2019) và hiện đã hoàn thiện các thủ tục báo cáo Ngân hàng Thế giới (WB) để công nhận còn 129 giờ/năm.

Hết năm 2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công mức độ 4 đối với tất cả các thủ tục hành chính của ngành; thực hiện chi trả cho khoảng 48% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân ở khu vực đô thị…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục