Bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam: Vẫn chưa tạo dựng được niềm tin

Hầu hết ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân... đã mua bảo hiểm tiền gửi, nhưng theo nhiều chuyên gia, hiệu quả hoạt động của ngành bảo hiểm tiền gửi vẫn chưa lan tỏa.
Bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam: Vẫn chưa tạo dựng được niềm tin ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bảo hiểm tiền gửi là công cụ góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, nhất là trong các trường hợp ngân hàng nhận tiền gửi lâm vào tình trạng phá sản hoặc mất khả năng chi trả.

Tuy nhiên, xét trên nhiều góc độ, hoạt động bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam hiện chưa tạo dựng được niềm tin, góp phần giữ sự ổn định cho hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tính đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, chi nhánh các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và các tổ chức tài chính vi mô đều đã mua bảo hiểm cho 100% lượng tiền gửi.

Nhưng theo nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng, qua gần 3 năm thực hiện, Luật Bảo hiểm tiền gửi tới nay đã bộc lộ nhiều bất cập như: thời hạn trả tiền bảo hiểm 60 ngày là tương đối dài; hạn mức chi trả bảo hiểm là 50 triệu đồng/người/khoản tiền gửi còn thấp, không phù hợp với mức độ lạm phát và thu nhập bình quân của xã hội; phí bảo hiểm tiền gửi áp dụng đồng hạng đối với tất cả các tổ chức tín dụng là 0,15%/năm tính trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm bình quân tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi... Điều đó cho thấy, hiệu quả hoạt động của ngành bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam chưa tạo được sức lan tỏa như mong đợi.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, người dân ở Hải Phòng cho rằng “hạn mức chi trả tiền gửi được bảo hiểm tối đa là 50 triệu đồng bao gồm cả gốc và lãi. Như vậy là không phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội như hiện nay và là một trong những nguyên nhân làm giảm tính hiệu quả trong việc kích thích nguồn vốn huy động trong dân.”

Theo phân tích của tiến sỹ Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thì hoạt động của ngành bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam còn khá mờ nhạt và chưa đúng tầm. Nguyên nhân có thể là do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam với các cơ quan thanh tra, giám sát để giải quyết những khó khăn của ngành ngân hàng.

Thêm nữa, cơ chế tính phí bảo hiểm tiền gửi vẫn quy định theo kiểu cào bằng đối với mọi tổ chức tín dụng, mà chưa có sự phân hạng theo mức độ rủi ro, hoạt động của các ngân hàng.

Hay như Luật Bảo hiểm tiền gửi, dù đã được ban hành và có hiệu lực gần 3 năm qua, nhưng cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về mức độ bồi thường, quy định về cơ sở tính toán mức bồi thường sẽ dựa vào thu nhập của người dân, hay lượng tiền gửi bình quân của người gửi tiền ở mỗi tổ chức tín dụng..., ông Lực nhấn mạnh.

Theo thạc sỹ Hồ Thanh Xuân, Phòng Nghiệp vụ 1 (Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chi nhánh Hà Nội), do các văn bản pháp lý còn chồng chéo và chưa đồng bộ nên luôn gặp vướng mắc trong việc phối hợp giữa tổ chức bảo hiểm tiền gửi với các đơn vị khác khi chi trả bảo hiểm cho người dân.

Hay trong công tác thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi bị phá sản, quá trình rà soát, phân tích các khoản nợ và làm việc với các bên liên quan để tìm biện pháp thu hồi tiền cho các chủ nợ (gồm cả tiền chi trả bảo hiểm của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam) cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Việc gia hạn hay kết thúc thanh lý một tổ chức tín dụng cũng chưa có quy định, tiêu chuẩn cụ thể, dẫn tới mất nhiều thời gian và hiệu quả thu tiền thấp.

Một hạn chế lớn đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hiện nay được thạc sỹ Hồ Thanh Xuân nhấn mạnh đó là thời hạn chi trả bảo hiểm tiền gửi. Theo quy định là 60 ngày kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền. Song do số dư tiền gửi của ngân hàng thương mại thường lớn hơn nhiều so với quỹ tín dụng, nên tổ chức Bảo hiểm tiền gửi cần quy trình, công nghệ nhanh gọn, chính xác và đơn giản để có thể chi trả kịp thời bảo hiểm cho khách gửi tiền.

Đồng tình với quan điểm này, tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng cần tăng cường năng lực của các cán bộ bảo hiểm tiền gửi, nhất là trong công tác thẩm định, đánh giá, giám sát các tổ chức nhận bảo hiểm tiền gửi. Yêu cầu hiện đại hóa công nghệ thông tin và hệ thống cơ sở dữ liệu cũng cần phải được quan tâm nhiều hơn. Đi đôi với việc tích cực đào tạo, cần truyền thông nhằm nâng cao kiến thức về tài chính ngân hàng nói chung và bảo hiểm tiền gửi nói riêng để người dân và các tổ chức, doanh nghiệp nhận thức tốt về tầm quan trọng khi tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Trước những nhận định về thực trạng hoạt động của ngành bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, ông Đào Quốc Tính, Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thẳng thắn cho biết dù có thể nói là hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam vẫn đang duy trì tốt. Song có một thực tế là người dân vẫn chưa biết nhiều và chưa hiểu rõ về bảo hiểm tiền gửi. Cũng như các tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi hay những đối tác có liên quan cũng chưa thực sự cố gắng, nỗ lực để đẩy mạnh hoạt động của lĩnh vực này. Do đó, yêu cầu đổi mới các chính sách bảo hiểm tiền gửi đang được đặt ra hết sức bức thiết.

Rõ ràng, đối mặt và vượt qua những thách thức nội tại, đồng thời tận dụng tốt các cơ hội để củng cố niềm tin của dân chúng sẽ là cách giúp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nâng cao được vai trò của chính mình trong hệ thống ngân hàng, góp phần duy trì sự ổn định và hoạt động an toàn, lành mạnh của các tổ chức tín dụng. Đây chính là mục đích mà Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hướng tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục