Được nhiều chuyên gia ví như “của để dành,” hoạt động bảo hiểm tiền gửi đang được đánh giá là công cụ hữu hiệu bảo vệ lợi ích của người gửi tiền, đặc biệt trong bối cảnh ngành ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc.
Hoạt động bảo hiểm tiền gửi được củng cố với nền tảng pháp lý vững chắc bằng sự ra đời của Luật Bảo hiểm tiền gửi áp dụng từ đầu năm 2013. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách này thời gian qua còn bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân, cũng như của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi. Đây là động lực thu hút nguồn tiền gửi của người dân vào các tổ chức tín dụng và là vấn đề tác động đến niềm tin của người gửi tiền. Tuy nhiên, vấn đề này đang bộc lộ nhiều bất cập.
Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thừa nhận, hiện nay tỷ lệ phí bảo hiểm tiền gửi được duy trì ở mức 0,15%, đồng hạng đối với tất cả các tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi và hạn mức trả tiền bảo hiểm được duy trì ở mức 50 triệu đồng từ năm 2005 đến nay. Với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, cùng với đó là thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh trong những năm gần đây, hạn mức này được đánh giá là thấp.
Cùng quan điểm này, theo ông Phạm Văn Tấn, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, hiện nay Bảo hiểm tiền gửi vẫn áp dụng hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là 50 triệu đồng. Hạn mức này đã được áp dụng từ năm 2005, hiện không còn phù hợp với thực tế.
Do vậy, vấn đề đặt ra trong thời gian tới là phải xây dựng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi và phải đảm bảo đủ điều kiện bảo hiểm toàn bộ cho phần lớn người gửi tiền, duy trì niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống. Trong những trường hợp đặc biệt, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi có thể được điều chỉnh cao lên gấp nhiều lần, thậm chí bảo hiểm toàn bộ nhằm trấn an người gửi tiền.
Thực tế cho thấy, mức chi trả bảo hiểm cho tiền gửi vào ngân hàng càng cao thì người gửi tiền càng yên tâm với ngân hàng mình gửi tiền và điều này sẽ càng hạn chế được khả năng đổ vỡ của các ngân hàng. Khi người dân thiếu lòng tin vào hệ thống tài chính-ngân hàng, toàn bộ nền kinh tế của quốc gia cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì vậy, với bảo hiểm tiền gửi, người gửi tiền yên tâm hơn khi phải đối mặt với tình huống ngân hàng mà họ gửi tiền gặp trục trặc.
Đối với tỷ lệ thu phí đồng hạng 0,15%, ông Phạm Văn Tấn cũng cho rằng, phương pháp này mang tính “cào bằng,” không khuyến khích, không thúc đẩy cạnh tranh giữa các tổ chức nhận tiền gửi. Điều đó sẽ dẫn tới hệ quả không đảm bảo công bằng giữa các tổ chức tín dụng và không tạo động lực cho các tổ chức tín dụng cố gắng nỗ lực cải thiện hoạt động, nâng cao tính minh bạch và tăng cường khả năng thích nghi cũng như cạnh tranh trên thị trường…
Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đề xuất, để nâng cao niềm tin của công chúng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh tăng hạn mức chi trả đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, tốc độ tích lũy nguồn vốn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi và các yếu tố khác.
Đồng thời, ông Nguyễn Quang Huy cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước sớm cho phép triển khai hệ thống tính và thu phí trên cơ sở rủi ro theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Ngân hàng Nhà nước nhận định, ngoài hai vấn đề liên quan đến mức phí và hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi, còn một số vấn đề mấu chốt khác cũng cần quan tâm như: hỗ trợ tài chính đối với tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức này không đủ để trả tiền bảo hiểm, chế độ thông tin, báo cáo về bảo hiểm tiền gửi.
Hiện tại, căn cứ theo nhu cầu thực tiễn của hoạt động bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn về hoạt động báo cáo, cung cấp thông tin, đảm bảo kịp thời triển khai thực hiện quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi về thông tin, báo cáo.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, việc nâng cao chất lượng của hoạt động bảo hiểm tiền gửi và tổ chức bảo hiểm tiền gửi có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng nói chung, tổ chức và hoạt động của bảo hiểm tiền gửi nói riêng. Thông qua vai trò bảo vệ người gửi tiền, bảo hiểm tiền gửi góp phần xây dựng và củng cố niềm tin của công chúng đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh cũng nhận định, sự phát triển nhanh về quy mô, loại hình và hình thức sở hữu của các tổ chức tín dụng đã tạo thêm nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng, nhưng rủi ro tiềm ẩn cũng tăng lên.
Ngân hàng Nhà nước với vai trò là cơ quan thuộc Chính phủ, đồng thời là ngân hàng trung ương của các ngân hàng đứng trước trách nhiệm nặng nề phải kiểm soát lạm phát, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và bảo vệ người gửi tiền.
Để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chung của ngành ngân hàng, theo ông Thanh, Ngân hàng Nhà nước cần có những công cụ hỗ trợ hữu hiệu; trong đó bảo hiểm tiền gửi là công cụ không thể thiếu nhằm góp phần duy trì ổn định của các tổ chức tín dụng , sự an toàn lành mạnh của hoạt động ngân hàng, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền./.