Bảo hiểm tai nạn lao động: Đề xuất không cào bằng mức đóng

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất phân chia các mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động khác nhau giữa các doanh nghiệp, càng tuân thủ an toàn lao động tốt thì mức đóng sẽ càng thấp.
Bảo hiểm tai nạn lao động: Đề xuất không cào bằng mức đóng ảnh 1(Ảnh minh họa: Hồ Cầu/TTXVN)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo dự thảo, mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ được điều chỉnh.

Giảm 4.500 tỷ đồng vào quỹ tai nạn lao động

Trước đây, Luật An toàn vệ sinh lao động quy định Người sử dụng lao động hàng tháng đóng mức 1% trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Từ ngày 1/6/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2017/NĐ-CP, trong đó quy định người sử dụng lao động hàng tháng đóng 0,5% trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Mức đóng được giảm từ 1% xuống chỉ còn 0,5%.

[Cần nhiều phía chung tay để xây dựng môi trường lao động an toàn]

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016-2018 cho thấy, với mức đóng hiện hành (hằng tháng đóng 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động) thì số tiền giảm so với mức 1% trước đó là 4.500 tỷ đồng.

Trong khi đó, số tiền chi cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang ngày càng tăng, trung bình mỗi năm tăng thêm khoảng 70 tỷ đồng/năm. Đồng thời, chưa kể đến việc thực hiện chi 10% từ quỹ phòng ngừa và chi hỗ trợ đào tạo nghề cho người bị tai nạn lao động.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự báo nếu giữ nguyên mức đóng như quy định hiện nay thì 21-33 năm nữa, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ bắt đầu phải sử dụng quỹ dự phòng.

Ở hầu hết các quốc gia thành viên EU, Australia, Canada và Hoa Kỳ, bảo hiểm tai nạn lao động là một biện pháp cơ bản để kiểm soát các rủi ro nghề nghiệp và hậu quả tài chính của họ cũng như làm giảm sự đau khổ của những người bị tai nạn. Tỷ lệ đóng có thể là tỷ lệ duy nhất áp dụng cho tất cả doanh nghiệp hoặc có thể thay đổi tùy theo loại hình kinh doanh, rủi ro của doanh nghiệp hoặc số lượng khiếu nại liên quan đến người sử dụng lao động.

Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động. Cách tính mức đóng căn cứ vào tần suất tai nạn lao động theo ngành, lĩnh vực.

Bảo hiểm tai nạn lao động: Đề xuất không cào bằng mức đóng ảnh 2Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất có tới ba mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Để bảo đảm việc cân đối quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và nhằm tạo sự công bằng, khuyến khích các doanh nghiệp giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động việc, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng, lấy ý kiến ban hành nghị định thay thế Nghị định số 44/2017/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động.

Không còn đánh đồng mức đóng

Dự thảo nghị định quy định sức có ba mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động khác nhau tùy theo các điều kiện tương ứng là 0,7%, 0,5 % và 0,3%.

Mức đóng bình thường bằng 0,7% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (thay thế so với mức đóng 0,5% hiện nay).

Các mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường (0,5%, 03% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội) được xây dựng dựa trên các tiêu chí: Chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động; quan tâm cải thiện điều kiện lao động (chi phí cho công tác an toàn, vệ sinh lao động…) và hiệu quả quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động (giảm tần suất tai nạn lao động hoặc không có tần suất tai nạn lao động; đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động theo ISO 45001:2018).

Bảo hiểm tai nạn lao động: Đề xuất không cào bằng mức đóng ảnh 3Giải quyết chế độ bảo hiểm cho người lao động. (Ảnh minh họa:PV/Vietnam+)

Không chỉ có quy định giảm mức đóng cho doanh nghiệp tuân thủ an toàn vệ sinh lao động tốt, đối với những trường hợp phát hiện việc giả mạo hồ sơ để hưởng mức đóng thấp, dự  thảo quy định người sử dụng lao động sẽ phải bồi hoàn phần hưởng chênh lệch do hành vi gian lận này và áp dụng mức đóng cao nhất (bằng 1% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội) trong thời gian 36 tháng.

Các trường hợp sai phạm khác chỉ quy định áp dụng trở lại mức đóng bình thường (bằng 0,7 % quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội) kể từ khi Quyết định điều chỉnh, áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bị bãi bỏ, hết hiệu lực.

Dự thảo quy định, nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục