Có chung mong muốn áp dụng tiếp mô hình bảo hiểm nông nghiệp sau khi hết thời gian thí điểm nhưng nhiều đại điện địa phương cũng như doanh nghiệp vẫn bày tỏ không ít thắc mắc, lúng túng với chương trình này.
Là đại diện địa phương đầu tiên đưa ra ý kiến tại hội nghị tổng kết thí điểm bảo hiểm nông nghiệp vừa tổ chức sáng nay (27/6), ông Phạm Văn Ca, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình khẳng định, đây là chủ trương mang tính nhân văn của Chính phủ để giúp đỡ người nông dân.
Ông Ca lấy ví dụ về cơn bão số 8 đổ bộ vào các tình miền Bắc vào năm 2012 khiến nhiều bà con nông dân ở tỉnh Thái Bình mắt trắng mùa màng. Tuy nhiên, với chương trình bảo hiểm nông nghiệp áp dụng thí điểm ở một số huyện trong tỉnh, những người dân ở đây đã được đền bù số tiền lên tới 26 tỷ đồng. Số tiền này theo vị lãnh đạo tỉnh Thái Bình là "hết sức ý nghĩa" trong hoàn cảnh khó khăn lúc ấy.
Ý kiến này của ông Phạm Văn Ca đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại diện các địa phương khác như: Nghệ An, Sóc Trăng, Bình Định,... và của cả những doanh nghiệp bảo hiểm cùng tham gia đợt thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
Tuy nhiên, cũng chính ông Ca lại tỏ ra băn khoăn khi nói rõ hơn về những quy định, điều kiện bảo hiểm. Theo ông, hiện điều kiện bồi thường cho người nông dân vẫn chỉ giới hạn ở những dịch bệnh, thiên tai cụ thể như bệnh vàng lùn, bạc lá, dịch rầy nâu, sâu đục thân,... tuy nhiên dịch bệnh mới không có trong danh sách được bảo hiểm có thể xuất hiện liên tục trong vài năm.
Cán bộ kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm
Bởi vậy, ông Ca cho rằng, cần linh hoạt trong điều kiện bồi thường và gói gọn những dịch bệnh hay thiên tai là "tác nhân khách quan" để bồi thường sớm cho người nông dân.
Nói thêm về thời gian bồi thường cho bà con nông dân, ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho rằng, việc bồi thường còn chậm là một trong những điểm hạn chế trong thời gian thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
Theo ông, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hiểm thường là kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm và khả năng tư vấn còn hạn chế. Ngoài ra, nguồn nhân lực để thực hiện kiểm tra, xác minh tại thực địa vẫn còn thiếu cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc bồi thường trong thời gian qua vẫn chưa như mong muốn.
Vấn đề đại diện tỉnh Sóc Trăng nêu ra này cũng được chính ông Hoàng Xuân Điều, Trưởng ban Bảo hiểm nông nghiệp, Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt thẳng thắn thừa nhận. Tuy vậy, ông Điều cũng cho rằng, khi xảy ra những tổn thất lớn như thiên tai, dịch bệnh thì chính doanh nghiệp cũng lúng túng vì chưa có quy trình giải quyết rõ ràng.
Giải thích thêm ý kiến này, ông Phạm Xuân Phong, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty bảo hiểm Bảo Minh cho rằng, văn bản pháp quy đã hướng dẫn bà con cách trồng lúa, chăm sóc vật nuôi nhưng thực tế người dân không làm đúng như vậy.
"Doanh nghiệp bảo hiểm nếu cứ căn cứ vào những quy định này để bồi thường thì ứng xử với bà con ra sao," ông Phong nói.
Bởi vậy, ông Phong cho rằng, bài học cần rút ra là cần đồng bộ hóa các quy định và quan trọng nhất là người tham gia bảo hiểm phải thực hiện đúng những quy định này để tránh gây ra những mâu thuẫn.
Cũng theo ông Phong, sau thời gian thí điểm, nếu bảo hiểm nông nghiệp tiếp tục được triển khai thì nên tiếp tục xem xét hỗ trợ phí bảo hiểm cho người dân.
"Đề án này, nguồn hỗ trợ từ ngân sách có vai trò cực kỳ quan trọng, nếu không có thì rất khó triển khai," đại điện Tổng công ty bảo hiểm Bảo Minh nêu ý kiến.
Cũng để thu hút bà con tham gia, ông Phạm Văn Ca, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình, đưa ra đề nghị cần cải cách thêm về quy trình, nhân lực cũng như tài chính để làm sao chậm nhất khoảng một tháng phải có tiền bồi thường cho người dân khi có thiệt hại.
Ghi nhận những ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, cơ quan chức năng sẽ nỗ lực triển khai nốt những công việc còn lại bao gồm cả việc thanh toán, bồi thường cho những hợp đồng trước đó. Cũng theo ông, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện báo cáo để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo về những vấn đề này trong thời gian tới./.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bảo hiểm nông nghiệp chính thức được áo dụng từ 1/7/2011. Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo và hỗ trợ 80% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Mức hỗ trợ với hộ cận nghèo sau đó đã được nâng lên tỷ lệ 90%. Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc hai diện trên và hỗ trợ 20% phí bảo hiểm cho tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
Theo báo cáo tại 20 tỉnh, thành phố thí điểm, trong 3 năm triển khai đã có hơn 304.000 hộ nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp trong đó có trên 233.000 hộ nghèo (chiếm 76,8% tổng số hộ tham gia bảo hiểm) tham gia. Tổng số tiền đã giải quyết bồi thường bảo hiểm đến thời điểm 20/6 là 701,8 tỷ đồng.