Sáng 7/12, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) diễn ra phiên khai mạc Hội nghị Các Cơ quan Quản lý Bảo hiểm ASEAN lần thứ 26 (AIRM26) và Hội nghị Hội đồng Bảo hiểm ASEAN lần thứ 49 (AIC49) với sự tham dự của khoảng 200 đại biểu là đại diện Ban Thư ký ASEAN, đại diện các cơ quan quản lý bảo hiểm, đại diện Hiệp hội Bảo hiểm của 10 nước thành viên ASEAN.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm là một trong những nội dung hợp tác tài chính quan trọng của các nước ASEAN.
Trong nhiều năm qua, tiến trình hợp tác tài chính nói chung và bảo hiểm nói riêng trong khu vực đã đạt được những kết quả quan trọng, hướng tới một cộng đồng chung theo cam kết của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo dự báo của SwissRe, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 1,1% năm 2023 và 1,7% năm 2024. Bảo hiểm trong ASEAN tiếp tục khẳng định là khu vực phát triển năng động so với thị trường quốc tế.
Thứ trưởng cho hay Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 10 diễn ra ở Indonesia, các Bộ trưởng đã ghi nhận sự đóng góp của Hội nghị Cơ quan Quản lý Bảo hiểm ASEAN (AIRM) trong việc tăng cường hợp tác bảo hiểm ASEAN bằng cách trao đổi kiến thức và cập nhật về những phát triển gần đây, đặc biệt là về bảo hiểm bền vững và nâng cao vai trò của ngành bảo hiểm trong việc hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của ASEAN.
Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh tiến bộ đạt được trong Giai đoạn 2 của Chương trình Tài trợ và Bảo hiểm Rủi ro Thiên tai ASEAN (ADRFI).
Do đó, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn đánh giá cao đề xuất của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Việt Nam và Ban Thư ký ASEAN về việc đưa chủ đề thảo luận chuyên sâu về Quản lý đại lý nhằm phát triển bền vững thị trường bảo hiểm bên cạnh các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm bền vững.
“Chủ đề này sẽ hữu ích trong bối cảnh tài chính toàn diện, có nhiều đan xen về dịch vụ tài chính và sự phát triển của các kênh phân phối, đặc biệt là sự đa dạng của hệ thống đại lý bảo hiểm," Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về thị trường bảo hiểm Việt Nam, theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng so với một số nước trong khu vực thì quy mô thị trường bảo hiểm Việt Nam còn hạn chế.
Việt Nam chủ trương mở cửa thị trường bảo hiểm theo các cam kết quốc tế, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động, nới lỏng quy định về phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nhưng cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, chú trọng chất lượng dịch vụ và quản trị rủi ro.
“Nhu cầu bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân ngày càng cao, đây là cơ hội để thị trường bảo hiểm phát triển.
Với sự hợp tác chặt chẽ trong nội khối, trong đó có tiến trình hợp tác tài chính, tôi hy vọng rằng lĩnh vực bảo hiểm sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, góp phần tích cực trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội mỗi nước cũng như trong toàn khu vực," Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nêu rõ.
Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Giám sát, Quản lý Bảo hiểm (Bộ Tài chính) chia sẻ chủ đề của Hội nghị lần này là Bền vững, Toàn diện và Kết nối” được xây dựng trên cơ sở bám sát các mục tiêu, định hướng hợp tác chung và hợp tác đặc thù trong tiến trình hợp tác ASEAN, cùng hướng tới mục tiêu thúc đẩy, tăng cường tính bền vững, toàn diện và khả năng chống chịu của thị trường bảo hiểm ASEAN nói chung và thị trường bảo hiểm của từng nước thành viên nói riêng.
Ngay sau lễ khai mạc đã diễn ra các phiên họp của AIRM và AIC. Tại các cuộc họp, lãnh đạo các Cơ quan Quản lý Bảo hiểm ASEAN đã tập trung thảo luận các vấn đề chính.
Hội nghị AIRM trao đổi về Chương trình Tài chính và Bảo hiểm Rủi ro Thiên tai ASEAN (ADRFI); hoạt động của Hội đồng Phân loại Bền vững ASEAN (ATB) trong Chương trình Nghị sự về Phát triển Bền vững; Kế hoạch triển khai Khung Kinh tế Tuần hoàn cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Các cơ quan quản lý bảo hiểm của 10 nước thành viên ASEAN trao đổi, cập nhật thông tin về hợp tác bảo hiểm ASEAN, bao gồm: báo cáo kết quả tự đánh giá mức độ tuân thủ của các thành viên đối với bộ Nguyên tắc cơ bản về bảo hiểm của Hiệp hội Cơ quan Quản lý Bảo hiểm Quốc tế (IAIS); báo cáo Giám sát Bảo hiểm ASEAN (AISR) 2023; hoạt động Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm ASEAN; chia sẻ thông tin cập nhật về phát triển của từng nước trong lĩnh vực giám sát bảo hiểm ASEAN; tiến độ và hợp tác giữa các nước ASEAN có chung đường biên giới và có xe quá cảnh, thực hiện các Nghị định thư trong Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh (AFAFGIT).
Top 10 công ty uy tín ngành Ngân hàng-Bảo hiểm-Công nghệ năm 2023
Tại Hội nghị AIC49, đại diện AIC trình bày kết quả hoạt động, bao gồm kết quả cuộc họp Nhóm công tác của Ủy ban giáo dục bảo hiểm ASEAN (AIEC); cuộc họp Nhóm công tác Hội đồng các Cơ quan Quốc gia ASEAN về việc thực hiện Nghị định thư số 5 (COB); cuộc họp nhóm nghiên cứu về thảm họa thiên nhiên ASEAN (ANDREWS); bầu chọn giải thưởng Lãnh đạo Điều hành Trẻ ngành bảo hiểm ASEAN (YAMA) và một số nhóm công tác khác.
Các thành viên AIC cùng nhau trao đổi về cơ chế hợp tác phát triển cùng có lợi và các vấn đề quan tâm chung. Các chuyên gia quốc tế là khách mời đã trình bày một số vấn đề về lĩnh vực bảo hiểm mà các nước thành viên quan tâm.
Trên cơ sở các nội dung của Hội nghị, Phiên họp toàn thể giữa khối cơ quan quản lý bảo hiểm và khối doanh nghiệp bảo hiểm sẽ diễn ra vào ngày 8/12. Tại phiên họp này Chủ tịch AIRM và Chủ tịch AIC sẽ thông báo kết quả của Hội nghị AIRM 26 và Hội nghị AIC 49.
Cơ quan quản lý bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ cùng nhau trao đổi về định hướng phát triển ngành bảo hiểm của mỗi nước và khu vực ASEAN. Kết quả, nội dung hợp tác sẽ được báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN để tổng hợp, đánh giá./.