Báo Hàn: Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông đe dọa hòa bình khu vực

Tác giả đi sâu phân tích quá trình Trung Quốc leo thang gây hấn, sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực để chiếm đóng, cải tạo, bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên quy mô lớn ở Biển Đông.
Báo Hàn: Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông đe dọa hòa bình khu vực ảnh 1Hoạt động bồi lấp trái phép của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa thuộc Việt Nam, hồi tháng 2/2015. (Nguồn: EPA)

Thời báo Công nghệ thông tin Hàn Quốc (Korea IT Times) ngày 21/3 dẫn bài viết của Phó Tổng biên tập Choe Nam-suk chỉ rõ việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa ở Biển Đông là đe dọa mới đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.

Tác giả đi sâu phân tích quá trình Trung Quốc leo thang gây hấn, sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực để chiếm đóng, cải tạo, bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên quy mô lớn ở Biển Đông.

Ông cho rằng mục đích của Trung Quốc không hề thay đổi đó là từng bước khống chế, tiến tới độc chiếm Biển Đông, thông qua Biển Đông để vươn lên tranh giành ngôi vị siêu cường quốc tế của Mỹ.

Tác giả nhấn mạnh những hành động gần đây của Trung Quốc như triển khai trái phép tên lửa HQ-9 tại đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa và lắp đặt radar cao tần ở Đá Châu Viên (Trường Sa) của Việt Nam… là bước leo thang quân sự mới cực kỳ nguy hiểm, bộc lộ rõ chủ trương quân sự hóa khu vực Biển Đông mà Bắc Kinh lâu nay cố tình che đậy.

Đây là hành động đe dọa hết sức nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích của các quốc gia xung quanh Biển Đông, trong đó có Việt Nam, coi thường luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hiệp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Theo tác giả, nếu để Trung Quốc tiếp tục lộng hành ở Biển Đông, đe dọa các nước khác, bất chấp luật pháp quốc tế vốn được xây dựng để giữ gìn hòa bình thế giới thì những nguyên tắc cơ bản và giá trị phổ quát của nhân loại, như Hiến chương Liên hợp quốc, có nguy cơ bị Bắc Kinh “ném vào sọt rác."

Đã đến lúc Liên hợp quốc cần vào cuộc để bảo vệ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế ở Biển Đông vì chưa bao giờ những giá trị này bị Bắc Kinh ngang nhiên thách thức, chà đạp như hiện nay trên Biển Đông, bất chấp phản đối của các bên liên quan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục