Theo tờ The Korea Herald của Hàn Quốc, với vụ phóng tên lửa mới nhất diễn ra vào sáng 5/4, Triều Tiên dường như đang muốn phủ bóng đen lên cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đặt mối quan hệ giữa 2 nhà lãnh đạo này vào một phép thử quan trọng đầu tiên.
Hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc gặp tại Florida từ ngày 6/4, và cách thức đối phó với chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng dự kiến sẽ là trọng tâm của cuộc thảo luận.
Thời điểm mà Bình Nhưỡng tiến hành phóng vụ thử mới nhất này có thể là một trở ngại lớn đối với Chủ tịch Tập, người sẽ không muốn được coi là bảo vệ cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong bối cảnh ngày càng có nhiều sức ép từ phía Washington.
Trước thềm cuộc gặp, Tổng thống Trump đã cảnh báo sử dụng biện pháp thương mại để gây sức ép Bắc Kinh hành động nhiều hơn nhằm ngăn chặn chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, nếu không, Washington sẽ hành động đơn phương để giải quyết vấn đề.
Chính quyền Trump hiện đang trong giai đoạn xem xét lại toàn bộ chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên đồng thời đã phát đi tín hiệu rằng Washington có kế hoạch thực hiện đường lối cứng rắn hơn rất nhiều.
Trong chuyến thăm gần đây đến Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng đã đề cập khả năng hành động quân sự nhằm đối phó với các mối đe dọa của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Bắc Kinh nhấn mạnh Washington cần tham gia đối thoại và thực hiện phần của mình nhằm hóa giải những mối quan ngại an ninh đối với Bình Nhưỡng.
Theo nhận định của giới chức và giới phân tích, ngoài việc làm nản tinh thần cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, vụ phóng tên lửa này dường như sẽ chỉ rõ những khác biệt giữa hai nước.
Một quan chức Hàn Quốc giấu tên nói: "Tôi không kỳ vọng trong suốt cuộc gặp hai nhà lãnh đạo sẽ đi đến một thỏa hiệp bằng bất kỳ phương thức nào, song vấn đề Triều Tiên có thể là phép thử đầu tiên đối với mối quan hệ không chỉ giữa hai nước dưới thời Tổng thống Trump mà còn với mối quan hệ của chính giới lãnh đạo hai bên."
Trong khi đó, một quan chức khác nhận định "Triều Tiên dường như đang cố nhắc nhở thế giới rằng quyết tâm phát triển tên lửa và hạt nhân của nước này vẫn mạnh mẽ và nước này sẽ không thay đổi cho dù hai nhà lãnh đạo thảo luận về bất kỳ điều gì."
Cùng quan điểm này, giáo sư Kim Dong-yub của Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) cho rằng vụ phóng mới nhất thể hiện sự quyết tâm của Bình Nhưỡng "theo đuổi con đường riêng của họ."
Giới phân tích cho rằng Triều Tiên có thể tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân nữa hoặc phóng thêm một tên lửa đạn đạo liên lục địa sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung, một phần là để chào mừng các sự kiện quan trọng sắp tới tại Triều Tiên.
Tuy nhiên, chuyên gia nghiên cứu David Straub tại Viện Sejong, người từng phụ trách vấn đề Hàn Quốc ở Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định rằng ngay cả một hành động gây hấn ở quy mô lớn hơn dường như sẽ không thể dẫn đến sự mặc cả mới giữa Washington và Bắc Kinh, cũng như khó có thể tạo ra một sự thay đổi hoàn toàn trong chính sách của hai cường quốc này./.