Báo Granma của Cuba ca ngợi thành tựu đổi mới của Việt Nam

Báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, số ra mới đây đã dành một trang quốc tế để đăng bài và ảnh giới thiệu những thành tựu trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Hoạt động bốc dỡ, vận chuyển container hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN)

Báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, số ra mới đây đã dành một trang quốc tế để đăng bài và ảnh giới thiệu những thành tựu trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế ở Việt Nam.

Dưới đầu đề “Một người bạn ở phía bên kia Trái Đất,” nữ nhà báo Karina Marron Gonzalez, thành viên trong đoàn đại biểu báo Granma thăm Việt Nam mới đây, nhận xét: “Ấn tượng nổi bật đầu tiên đối với chúng tôi là bước tiến mà đất nước này đạt được sau những sự tàn phá của chiến tranh trước đây và tiếp đó là những biểu hiện tình cảm thân thiết của nhân dân Việt Nam đối với Cuba.”

Nhà báo Gonzalez viết: “Đến Việt Nam, chúng tôi nhận thấy một đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với những khu nhà mới hiện đại được xây dựng ở khắp nơi, những con đường lớn đang được mở rộng nối liền sân bay với thành phố. Dọc hai bên đường là những cánh đồng lúa, khoai, cây trái và hoa, và điều rất đáng chú ý là không ở đâu có một mảnh đất hoang.”

Tác giả bài báo ghi nhận rằng từ thủ đô Hà Nội đến Đà Nẵng ở miền Trung và Thành phố Hồ Chí Minh…, khắp nơi xe máy vẫn đang ngự trị, nhưng người ta cũng dễ dàng quan sát thấy nhiều loại ôtô của các hãng nổi tiếng thế giới được lắp ráp ở Việt Nam đang lưu thông trên các nẻo đường.

Điều đó một phần là do kết quả của công cuộc đổi mới bắt đầu từ năm 1986 đã đưa đến nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam coi là mô hình phát triển hiện nay của đất nước.

Bài báo cũng giới thiệu kinh nghiệm phát triển nền kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, các hợp tác xã, các công ty tư nhân, kể cả các công ty liên doanh có vốn nước ngoài hay công ty cổ phần có sự tham gia của nhà nước…

Tất cả đều nhằm mục tiêu chung là nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ áp dụng các biện pháp khuyến khích và thúc đẩy sản xuất trên mọi lĩnh vực.

Bài báo nhấn mạnh “Việt Nam đã chú trọng phát triển một nền kinh tế đa dạng. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất lúa gạo và càphê (những ngành mà Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu), Việt Nam còn ra sức nâng cao năng lực sản xuất sữa, hàng dệt may, giầy dép, phát triển du lịch và công nghiệp.”

Tác giả cho biết: “Trong các cuộc gặp gỡ và trao đổi, các bạn Việt Nam đặc biệt quan tâm về việc triển khai thực hiện các chủ trương và những cải cách đối với mô hình kinh tế Cuba. Chúng tôi biết các bạn Việt Nam hỏi điều đó với tấm lòng của những người anh em mong muốn Cuba tiến lên, bởi vì họ luôn luôn bày tỏ sự biết ơn đối với sự ủng hộ và tình đoàn kết của Cuba trong thời kỳ chiến tranh trước đây với tinh thần 'Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình'.”

Theo tác giả, chuyến thăm trong vòng một tuần đã giúp các bạn Cuba chứng kiến tận mắt những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong nỗ lực phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, cũng như Cuba, Việt Nam nhận thức được rằng vẫn đang còn nhiều thách thức phải vượt qua.

Bài báo kết luận có thể thấy rằng giữa hai nước không có sự xa cách lớn và cũng không có nhiều khác biệt, và điều đáng quý là trên những con đường phát triển Cuba và Việt Nam tiếp tục sát vai nhau cùng tiến tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục