Cơn bão số 14 (có tên quốc tế Haiyan) quét qua các tỉnh ven biển miền Bắc đêm 10, rạng sáng 11/11 đã gây ra những thiệt hại nặng nề.
Tại Nam Định, từ chiều 10/11 đến 5 giờ sáng11/11, bão số 14 ảnh hưởng đến tỉnh này với sức gió cấp 7, cấp 8 giật cấp 9 và gây mưa diện rộng trên toàn địa bàn tỉnh, mưa lớn cục bộ ở nhiều nơi. Tính đến 8 giờ sáng 11/11, Nam Định không có thiệt hại về người, một số đoạn đê, kè bị hư hại nhẹ.
Lượng mưa bình quân toàn tỉnh Nam Định là 42,6mm; trong đó nơi cao nhất là huyện Nghĩa Hưng 82mm và thấp nhất là tại huyện Xuân Trường 27 mm. Do bão ảnh hưởng đến Nam Định trong thời điểm triều thấp (triều kiệt về đêm) do đó ảnh hưởng không lớn đến đê điều.
Tại huyện Hải Hậu, khu vực mỏ số 4, kè Mỏ Hải Thịnh 2 thềm cơ bị lún võng, thềm cơ cánh mỏ phía trong bị sập dài 5m, mái đầu cánh mỏ phía đông bị sập khoảng 18m2; khu vực mỏ số 5 hai bên thềm cơ thân mỏ cũng bị lún võng, sập mỗi bên dài 35m, mái đầu cánh mỏ bị sập khoảng 10m2, mặt cánh mỏ sập dài 35m, đồng thời một số cấu kiện bị mất.
Khu vực bãi Cồn Tròn Hải Hòa do hiện tượng biển tiến bãi thoái và triều cường đã làm mất phần lớn lượng cây chắn song ở bãi này, sơ bộ ban đầu ước khoảng 2.000ha cây bị chết và bị mất. Đến thời điểm 7 giờ sáng 11/11, bãi tắm Thịnh Long (huyện Hải Hậu) vẫn có những con sóng dâng cao tầm 3m, gió khá mạnh.
Hiện trên địa bàn toàn tỉnh Nam Định có hơn 20.000 cây rau màu vụ đông chủ yếu là khoai tây, cà chua, dưa, bí, đậu tương…; khoảng 600ha diện tích lúa Tám thơm và lúa đặc sản sắp đến vụ thu hoạch, hàng nghìn hécta nuôi trồng thủy sản ước tính sẽ bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 14.
Từ hôm qua 10/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các công ty khai thác công trình thủy lợi chủ động tiêu rút nước đệm, sẵn sàng máy móc, phương tiện bơm tiêu chống úng bảo vệ lúa mùa đặc sản và cây vụ Đông.
Ngày 11/11, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định yêu cầu toàn bộ các trường học và trung tâm trên địa bàn tỉnh cho học sinh nghỉ học tránh bão và chủ động có kế hoạch dạy bù sau.
Trước đó, chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 14, Nam Định đã thành lập 3 đoàn kiểm tra do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đi trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống lụt bão và thị sát thực tế tại đê biển huyện Giao Thủy. Hai Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp tại hai huyện ven biển khác là Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Tính đến 17 giờ chiều 10/11, Nam Định đã vận động toàn bộ hơn 2.000 tàu thuyền của tỉnh về nơi neo đậu tránh bão, di dời 121.400 người dân tại các xã, huyện ven biển đến nơi tránh trú bão an toàn.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình, đến 8 giờ ngày 11/11, do ảnh hưởng của bão số 14, Thái Bình đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, lượng mưa bình quân là 23mm, chưa có người chết và bị thương do bão gây ra. Không có tầu thuyền bị đắm. Các công trình đê điều của tỉnh đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, còn một vài vị trí đê, kè bị sạt lở hư hỏng cục bộ như đê Nam Hà (đê cửa sông Hồng, huyện Tiền Hải); đê, kè Vũ Lăng, Tây Lương (đề cửa sông Trà Lý, huyện Tiền Hải); đê, kè Vũ Bình (đê Hồng Hà II, huyện Kiến Xương); đê Thụy Dũng (đê cửa sông Hóa, huyện Thái Thụy); kè Nhân Thanh, kè Vũ Đông (đê Hữu Trà Lý, thành phố Thái Bình).
Về nông nghiệp, 34.126ha cây màu đã trồng bị thiệt hại trên 70%, gồm ngô 6.705ha; rau và các loại khác 11.471ha... Ngoài ra, một số diện tích đầm nuôi cá, tôm, cua phía ngoài đê biển bị ngập, sạt lở, hư hỏng bờ bao tại các huyện Tiền Hải và Thái Thụy đang thống kê thiệt hại.
Cho đến lúc này, tại Thái Bình chỉ còn mưa nhỏ. Các lực lượng phòng chống lụt bão của tỉnh tiếp tục giúp người dân khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 14.
Theo tin từ Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, tính đến đầu giờ sáng 11/11, bão số 14 không gây thiệt hại về người nhưng gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản của người dân với gần 500 nhà tốc mái và bị sập, nhiều tài sản khác bị hư hỏng, tập trung ở các huyện Vân Đồn, Hải Hà, Tiên Yên và Hoành Bồ.
Hiện nay, huyện Tiên Yên đang đối mặt với nguy cơ lũ lớn. Dù mưa không lớn, song do triều cường ngoài biển dâng cao khiến nước sông Tiên Yên đang dâng cao khoảng 4 mét, đã lên gần sát mặt đường giao thông thị trấn Tiên Yên, hàng trăm hộ dân đã bị ngập nước. Trước nguy cơ này, huyện đã tổ chức cho hơn 1.000 hộ dân tại vùng trũng, đặc biệt ở thị trấn di dời đến nơi an toàn. Toàn huyện Tiên Yên có 15 nhà sập, 129 nhà tốc mái, 1 cột phát sóng di động ở xã Đồng Rui bị đổ.
Tại thành phố Hạ Long, bão khiến đường điện 110Kv ở chạy qua khu vực phường Hà Lầm bị đứt, khiến toàn bộ thành phố Hạ Long bị ngắt điện từ 23 giờ tối 10/11. Hiện ngành điện đang nỗ lực khắc phục hậu quả, nhưng đến 8 giờ 30 phút vẫn chưa thể cấp điện trở lại. Gió cấp 7-8, giật cấp 10 đã gây một số thiệt hại như lán trại của công nhân xây dựng ga tàu cảng Cái Lân bị tốc mái, một nhà ở phường Hà Trung bị sụt lún, hai nhà bè bị đắm, bị vỡ, ba nhà bè bị tốc mái ở phường Hùng Thắng. Cây xanh bị đổ nhiều./.