Bão Freddy làm hàng chục người chết ở Malawi, Mozambique và Madagascar

Hàng chục người đã thiệt mạng và mất tích tại Malawi, Mozambique và Madagascar sau khi bão nhiệt đới Freddy gây mưa lớn, làm ngập lụt, lở đất và sập nhà cửa ở nhiều nơi.
Bão Freddy làm hàng chục người chết ở Malawi, Mozambique và Madagascar ảnh 1(Nguồn: Reuters/Ảnh chụp màn hình)

Cảnh sát Malawi cho biết ít nhất 11 người thiệt mạng và 16 người khác mất tích xung quanh thành phố Blantyre, thành phố lớn thứ hai của Malawi, sau khi bão nhiệt đới Freddy gây mưa lớn, làm ngập lụt và lở đất tại nhiều nơi.

Người phát ngôn cảnh sát Malawi, Peter Kalaya cho biết số người thiệt mạng và mất tích do bão Freddy có thể tăng do nó ảnh hưởng đến 10 tỉnh và cho đến nay con số mới chỉ được thống kê ở thành phố Blantyre.

Hiện các đội cứu hộ đang tìm kiểm người mất tích tại Chilobew và Ndirande, hai trong số những khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất ở Blantyre, nơi trời vẫn mưa trong suốt ngày 13/3 và phần lớn người dân không có điện.

Ông Kalaya cho biết một số người mất tích có thể nằm dưới đống đổ nát và các đội cứu hộ đang phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy nhanh việc tìm kiếm.

[Các cơn bão lớn tiếp tục tấn công Mozambique, Mỹ và Peru]

Bão Freddy quét qua Mozambique lần thứ hai trong vòng một tháng vào cuối tuần qua trước khi suy yếu khi đổ bộ vào Malawi.

Toàn bộ quy mô thiệt hại vật chất và sinh mạng tại Mozambique vẫn chưa được thống kê đầy đủ trong khi nguồn cung điện và tín hiệu điện thoại bị mất tại các khu vực bị ảnh hưởng.

Đài phát thanh truyền hình Mozambique TVM đưa tin một người thiệt mạng gần cảng Quelimane khi nhà của người này bị sập, đưa số người thiệt mạng lên ít nhất 28 tại Mozambique và Madagascar do bão Freddy.

Theo Tổ chức khí tượng thế giới, bão Freddy, một trong những cơn bão mạnh nhất ghi nhận tại Nam bán cầu, cũng được cho là cơn bão kéo dài nhất vượt qua kỷ lục trước đây thuộc về một cơn bão kéo dài 31 ngày xảy ra năm 1994.

Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu đang khiến các cơn bão nhiệt đới mạnh hơn trong bối cảnh các đại dương hấp thụ phần lớn nhiệt từ phát thải khí CO2 và khi nước biển ấm bốc hơi, nhiệt năng truyền vào bầu khí quyển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục