Với tiêu đề "Sắp hoàn tất Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)," báo Làn sóng Đức (DW) vừa có bài viết nhận định về những cơ hội của Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam khi hiệp định có hiệu lực.
Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn bài báo cho biết vào ngày 21/1 tới, hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất mà EU ký với một nước đang phát triển sẽ được đưa ra thảo luận để phê chuẩn ở châu Âu.
Phiên họp mang tính quyết định cho thỏa thuận sẽ diễn ra tại Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu (EP) và sau đó sẽ tiếp tục được trình lên phiên họp toàn thể của EP để thông qua vào tháng 2, hoàn tất tiến trình đàm phán kéo dài gần 8 năm giữa EU và Việt Nam.
EU coi EVFTA là một trong những thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất mà châu Âu ký với một nước đang phát triển, trong đó sẽ dỡ bỏ tới 99% hàng rào thuế quan của hai bên; giảm rào cản thương mại phi thuế quan và tạo thuận lợi để các doanh nghiệp EU và Việt Nam tiếp cận thị trường của nhau.
Bài báo dẫn lời cựu Trưởng đại diện Quỹ Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) ở Việt Nam, ông Erwin Schweisshelm cho biết với EVFTA, EU muốn theo đuổi các lợi ích kinh tế rộng lớn hơn, với triển vọng có thể là một ASEAN-EU-FTA.
[Việt Nam hợp tác chặt chẽ với EP thực thi các cam kết EVFTA-EVIPA]
Sau Singapore, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thứ hai mà EU ký với một nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), khu vực có 10 quốc gia và trên 600 triệu dân.
Ngoài ra, EU cũng đang đàm phán giai đoạn đầu với Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Bài báo dẫn lời ông Schweisshelm và Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ cùng cho rằng EVFTA không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng cả về địa chiến lược.
Theo Đại sứ Nguyễn Minh Vũ, trong bối cảnh căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng thì EVFTA là một thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam và EU về toàn cầu hóa và cam kết kiên định về một hệ thống thương mại tự do dựa trên luật pháp.
Ông cũng cho rằng EVFTA sẽ giúp tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và Việt Nam về kinh tế và chính trị.
Theo bài báo, từ nhiều năm nay, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam đã hướng tới thương mại tự do.
Không một quốc gia nào trong ASEAN ngoài Singapore ký nhiều FTA như Việt Nam, với 11 FTA đã ký và 5 FTA đang đàm phán.
Chiến lược đã đạt hiệu quả khi kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng trung bình 6,5% trong 5 năm qua, trong đó có một phần lớn là từ Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mang lại.
Báo Đức cho rằng sau khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ còn hấp dẫn hơn nữa với các nhà đầu tư, đặc biệt từ EU.
Đại sứ Nguyễn Minh Vũ cho biết EU hiện là nhà đầu tư lớn thứ 5 của Việt Nam và có lý do để tin đầu tư sẽ tiếp tục tăng, bởi có tới 2/3 số nhà đầu tư được hỏi bày tỏ hai lòng hoặc rất hài lòng khi kinh doanh ở Việt Nam.
Bài báo cũng cho biết đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 6/8 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động thế giới (ILO).
Dẫn lời ông Schweisshelm, bài báo cũng đánh giá cao việc Việt Nam thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó có quy định thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Trong khi đó, theo Đại sứ Nguyễn Minh Vũ, EVFTA - một phần quan trọng trong thỏa thuận hợp tác Việt Nam-EU, cũng sẽ giúp mở ra cơ hội đối thoại về những vấn đề cùng quan tâm, từ chính trị, xã hội tới môi trường./.