Báo Jungewelt (Thế giới trẻ) của Đức vừa có bài viết về việc thủ đô Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm chủng đại trà cho người dân trong nỗ lực nhanh chóng đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong bài viết, tác giả Stefan Kühner cho biết chính quyền thành phố Hà Nội đã bắt đầu triển khai tiêm chủng đại trà vaccine phòng COVID-19 cho người dân thủ đô.
Tại quận Hoàn Kiếm, nơi thường xuyên đón rất đông khách du lịch trước đại dịch, mỗi ngày sẽ có khoảng 4.000 liều vaccine được tiêm cho người dân tại 7 trung tâm tiêm chủng.
[Infographics] Trên 5,3 triệu liều vaccine được tiêm tại Việt Nam
Đối tượng được ưu tiên đầu tiên là những người làm việc trong các cơ quan, công sở có nguy cơ lây nhiễm cao và người lao động tại các khu công nghiệp.
Chiến dịch tiêm chủng kéo dài từ tháng Bảy năm nay đến tháng Tư năm sau và dự kiến khoảng 5,1 triệu người trong độ tuổi từ 18 đến 65 tuổi sẽ được tiêm chủng.
Hiện tại, Việt Nam chủ yếu đang sử dụng vaccine của các hãng AstraZeneca, Moderna.
Theo tác giả bài báo, Việt Nam đã kiểm soát thành công đại dịch trong một thời gian dài. Tới đầu tháng Năm vừa qua, tổng số ca COVID-19 được ghi nhận chỉ khoảng 3.000 ca.
Tuy nhiên từ tháng Sáu, số lượng các ca lây nhiễm mới tăng nhanh và hiện đã vượt mốc 100.000 ca.
Chính quyền thành phố Hà Nội đã triển khai các biện pháp phòng dịch rất quyết liệt để ngăn chặn đà lây nhiễm của virus gây bệnh.
Người dân trở về thủ đô từ các điểm nóng dịch bệnh phải cách ly tập trung trong 14 ngày và phải qua ít nhất 3 lần xét nghiệm bằng phương pháp PCR.
Nếu cả ba lần đều âm tính, người dân sẽ tiếp tục cách ly bảy ngày tại nhà và xét nghiệm lại vào ngày cách ly cuối cùng (cũng bằng phương pháp PCR).
Hà Nội cũng đã lập nhiều chốt kiểm tra trên các tuyến đường vào thành phố do các lực lượng công an, quân đội, y tế túc trực thường xuyên để kiểm soát các phương tiện ra vào thành phố.
Tác giả cho biết các tỉnh phía Nam đang bị ảnh hưởng đại dịch nặng nề, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo nhà báo Stefan Kühner, vấn đề quan trọng nhất trong việc tiêm chủng đại trà là có đủ vaccine cho người dân. Tuy nhiên, việc đàm phán các hợp đồng cung cấp vaccine với các nhà sản xuất gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, cơ chế phân phối vaccine COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa đáp ứng đủ nhu cầu của phần lớn các quốc gia./.