So với năm 1980, số người hút thuốc lá trên toàn thế giới hiện đã tăng mạnh, chủ yếu tập trung tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.
Kết quả nghiên cứu này do Viện Đánh giá và nghiên cứu sức khỏe của trường Đại học Washington đưa ra sau khi tiến hành khảo sát tại 187 nước.
Theo báo cáo công bố ngày 7/1, số người hút thuốc trên phạm vi toàn cầu đã tăng từ 721 triệu người hồi năm 1980 lên 967 triệu người trong năm 2012, tăng khoảng 26%.
Tuy nhiên, lượng nam giới hút thuốc lại đang giảm đi. Nếu như năm 1980, tỷ lệ nam giới hút thuốc trên toàn cầu là 41%, đến năm 2012, con số này đã giảm xuống còn 31%.
Những nước đứng đầu về tỷ lệ nam giới hút thuốc là Timor Leste (61%), Indonesia (57%), Armenia (51,5%), Nga (51%) và Cyprus (48%).
Trong khi đó, những nước có tỷ lệ phụ nữ nghiện thuốc lá cao lại là Hy Lạp (34,7%), Bulgaria (31,5%), Áo (28,3%), Pháp (27,7)%, Bỉ (26,1%).
Theo báo cáo, dù đã từng giảm mạnh trong những năm giữa thập niên 1990 của thế kỷ trước, tuy nhiên, thói quen hút thuốc đã tăng mạnh trở lại từ năm 2010, đặc biệt ở các nước Bangladesh, Trung Quốc, Indonesia và Nga.
Tại Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai và đông dân nhất thế giới, số người hút thuốc là gần 282 triệu người (năm 2012), tăng hơn 100 triệu người so với năm 1980.
Tiếp đến là Nga (khoảng 50 triệu người - tương đương 1/3 dân số) và Ấn Độ (35 triệu người).
Báo cáo cũng cho biết những nguy cơ rủi ro về sức khỏe dường như xuất hiện tại các nước có tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá cao như Trung Quốc, Hy Lạp, Ireland, Italy, Nhật Bản, Kuwait, Hàn Quốc, Philippines, Uruguay, Thụy Điển và Nga.
Theo kết quả khảo sát, Mauritania là nước tiêu thụ nhiều thuốc lá nhất trong ngày, trung bình mỗi người hút thuốc "đốt" khoảng 41 điếu. Sau đó là người dân Saudi Arabia (35 điếu/người/ngày) và Đài Loan (Trung Quốc) là 32 điếu./.