Báo động về số ca mắc ung thư vú ở phụ nữ trẻ người Mỹ gốc Á

Cứ 100.000 phụ nữ người Mỹ gốc Á và gốc đảo Thái Bình Dương dưới 50 tuổi thì có 55 người được chẩn đoán mắc ung thư vú vào năm 2021, vượt quá tỷ lệ của phụ nữ da màu và người gốc Tây Ban Nha.

Tầm soát ung thư vú cho bệnh nhân. (Nguồn: CBS News)
Tầm soát ung thư vú cho bệnh nhân. (Nguồn: CBS News)

Khoảng 11.000 phụ nữ người Mỹ gốc Á và gốc đảo Thái Bình Dương (AAPI) được chẩn đoán mắc ung thư vú vào năm 2021 và khoảng 1.500 người tử vong.

Số liệu trên được công bố trong báo cáo mới nhất của Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), phản ánh tỷ lệ chẩn đoán ung thư vú mới ở nhóm đối tượng này, từng có tỷ lệ chẩn đoán tương đối thấp, đang tăng nhanh hơn so với nhiều nhóm chủng tộc và dân tộc khác.

Theo báo cáo, cứ 100.000 phụ nữ nhóm AAPI dưới 50 tuổi thì có 55 người được chẩn đoán mắc ung thư vú vào năm 2021, vượt quá tỷ lệ của phụ nữ da màu và người gốc Tây Ban Nha, trong khi ngang bằng với tỷ lệ của phụ nữ da trắng.

Tỷ lệ ca ung thư vú mới trong số phụ nữ AAPI dưới 50 tuổi đã tăng khoảng 52% từ năm 2000-2021.

Tỷ lệ mắc ung thư vú của phụ nữ AAPI từ 50-64 tuổi tăng 33%, còn ở nhóm từ 65 tuổi trở lên tăng 43% trong cùng thời gian này.

Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rõ xu hướng này và đang nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân. Nhiều lý do đã được đưa ra, như việc dậy thì sớm hơn, sinh con muộn hơn, không cho con bú... nằm trong số những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Dữ liệu của NIH cho biết thêm tỷ lệ ung thư tuyến tụy, tuyến giáp, đại tràng và nội mạc tử cung cũng đã tăng đáng kể gần đây ở nhóm phụ nữ AAPI dưới 50 tuổi, tuy nhiên ung thư vú vẫn là căn bệnh phổ biến nhất và có nguy cơ diễn tiến rất nhanh ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục