Hình ảnh những đĩa cơm thừa, bát canh ăn dở được đổ ngược lại vào thùng và tiếp tục quay vòng múc cho các sinh viên khác ăn ở nhà ăn Đại học Bách khoa Hà Nội từng gây bức xúc dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc quản lý lỏng lẻo, những vụ việc như vậy còn cho thấy thực trạng đáng báo động về vấn đề đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn học đường.
Liên tiếp các vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm
Theo phản ánh của các tân sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội, trong bữa trưa tại nhà ăn A15, nhà bếp đã dồn cơm, canh thừa để tiếp tục cho các sinh viên đến sau ăn. Bên cạnh đó, các sinh viên còn phát hiện các dị vật trong đồ ăn như ruồi, phân chuột… Ngay sau khi sự việc được sinh viên phản ánh và báo chí vào cuộc, Đại học Bách khoa Hà Nội đã kiểm tra và dừng hoạt động nhà ăn A15.
Đây không phải lần đầu tiên việc sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong cơ sở giáo dục bị phanh phui. Đã có hàng loạt vụ việc diễn ra gây bức xúc trong dư luận, thậm chí nhiều vụ việc khiến học sinh bị ngộ độc thực phẩm, gây nguy hiểm tính mạng.
Mới đây, ngày 10/10, 6 học sinh Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (thành phố Hồ Chí Minh) bị đau bụng, trong đó hai em có biểu hiện nôn ói sau khi ăn bữa trưa bán trú tại trường.
Cuối tháng 9 vừa qua, 23 học sinh Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang) bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện điều trị với các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn sau khi ăn tại cantine trường. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Kiên Giang điều tra, xử lý vụ việc và hỗ trợ học sinh trong điều trị.
Ngày 16/6, 19 học sinh Trường Trung học phổ thông Chi Lăng (phường Chi Lăng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) bị đau bụng phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn tại bếp ăn tập thể của trường.
Ngày 4/5, các cơ sở y tế ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận các học sinh ở hai trường là Tiểu học Đặng Trần Côn và Tiểu học Linh Chiểu sau khi ăn trưa với mì Ý sốt cà chua ở trường.
Trong năm 2023 cũng đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm ở các nhà trường gây bức xúc dư luận như vụ hơn 80 học sinh Trường Tiểu học Trần Văn Ơn và Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi (tỉnh Kiên Giang) bị đau bụng, nôn ói phải nhập viện; 72 học sinh Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhập viện vì ngộ độc do vi khuẩn tụ cầu vàng có trong món thịt gà trong suất ăn ở trường.
Không chỉ mất an toàn thực phẩm, các bữa ăn bán trú còn bị phụ huynh phát hiện bị bớt xén khẩu phần, không đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh. Trong đó điển hình phải kể đến vụ việc 11 học sinh ăn chung hai gói mì tôm chan cơm xảy ra tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phó, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai cuối năm 2023.
Mất cân bằng dinh dưỡng
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng ở tuổi học đường ở cả vùng nông thôn và thành thị, đó là tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu vi chất và thừa cân béo phì.
Đây cũng là nhận định của Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Thanh Dương, Viện Dinh Dưỡng. Đưa ra số liệu cụ thể, Phó giáo sư Trần Thanh Dương cho hay kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng của Bộ Y tế (năm 2020) cho thấy chiều cao trung bình của người Việt Nam đã tăng hơn 2 cm sau 10 năm (nam 168,1 cm; nữ 156,2 cm), vượt so với mục tiêu đề ra (nam 167 cm; nữ 156 cm) nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực (Thái Lan là 170,3 cm với nam, 159 cm với nữ; Singapore là 170 cm với nam và 160 cm với nữ…)
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi trên toàn quốc dù đã chuyển từ mức cao sang mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ 19,6%. Tỷ lệ này có sự chênh lệch giữa các vùng, miền, trong đó ở vùng nông thôn và miền núi tỷ lệ này còn cao. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi độ tuổi (5 - 19 tuổi) ở mức 14,8%.
Điều tra năm 2023 cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi là 18,2% và vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực. Tỷ lệ này ở khu vực Tây Nguyên là 25,9%; khu vực Trung du và miền núi phía Bắc là 24,8%; khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 20,8%; thấp nhất là khu vực Đông Nam Bộ với 14,3%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng gầy còm ở trẻ dưới 5 tuổi của cả nước là 4,4%, trong đó khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ cao nhất (7,1%), tiếp đó là khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (5,9%), khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (5,8%).
Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân béo phì trung bình trên cả nước là 9,5%. Trong đó khu vực Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ cao nhất, 13,9%; khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ 10,2%. Ở lứa tuổi từ 5-19 tuổi, tình trạng trẻ em béo phì cũng gia tăng trong những năm gần đây, gây nguy cơ các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng gia tăng.
Không chỉ thừa cân, béo phì, trẻ em còn thiếu vi chất dinh dưỡng. Số liệu điều tra năm 2020 cho thấy tỷ lệ thiếu máu ở trẻ dưới 5 tuổi là 19,6%; tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 9,5%; tỷ lệ thiếu kẽm rất cao, lên đến 58%.
Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Thanh Dương, trong bối cảnh tình trạng trên, bữa ăn học đường lại chưa được tổ chức tốt, chưa đáp ứng được nhu cầu trong khi đây là một trong hai bữa ăn chính của trẻ.
Chưa có chuẩn bữa ăn học đường
Là phụ huynh có ba con đang học ở cả ba cấp, từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và đều ăn bán trú ở trường, chị Nguyễn Thị Thanh Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay vấn đề an toàn thực phẩm, chất lượng dinh dưỡng bữa trưa của con là điều chị rất quan tâm. Các phụ huynh ngoài việc phối hợp kiểm tra, giám sát trong khâu giao nhận thực phẩm đầu giờ sáng với đơn vị cung cấp thực phẩm thì chỉ biết đặt niềm tin nơi lãnh đạo các trường về sự trung thực và sát sao với đối tác nấu ăn bán trú.
“Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng loạt vụ việc học sinh bị ngộ độc thực phẩm, nhà trường bớt xén suất ăn cũng khiến tôi thấy lo lắng. Bên cạnh đó, trường cũng không cung cấp rõ về thực đơn ăn của con, định lượng ăn như thế nào để phụ huynh có thể giám sát thông qua hỏi han con về bữa ăn ở trường,” chị Hương chia sẻ.
Đây cũng là vấn đề băn khoăn của anh Phạm Trung Kiên (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Theo anh Kiên, sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người, đặc biệt giai đoạn 0-12 tuổi được các chuyên gia y tế đánh giá là giai đoạn vàng cho sự phát triển toàn diện của trẻ về thể chất – tinh thần. Trong đó, chiều cao của trẻ phát triển nhanh trong giai đoạn dậy thì, từ 10-12 tuổi với bé gái và 12-14 tuổi với bé trai, sau đó tốc độ tăng giảm dần.
“Đây được coi là “giai đoạn vàng” quyết định chiều cao của trẻ khi trưởng thành. Trong giai đoạn này, hầu hết trẻ em đều ăn trưa và ăn cả bữa phụ ở trường nên vấn đề đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ trong bữa ăn bán trú có vai trò quan trọng trong sự phát triển thể chất, trí tuệ cho học sinh, nhất là khi chiều cao của người Việt Nam trong những năm qua dù có cải thiện nhưng vẫn chỉ xếp thứ 15 từ dưới lên so với các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, là một phụ huynh, tôi nhận thấy vấn đề dinh dưỡng học đường chưa được quan tâm đúng mức, chưa có quy chuẩn nào cho bữa ăn bán trú để các trường buộc phải tuân thủ, từ đó đảm bảo được về nguồn gốc thực phẩm, định lượng thực phẩm cho học sinh,” anh Kiên nói.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức mới đây, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề đảm bảo bữa ăn bán trú cho học sinh. Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, bằng mọi trách nhiệm, tình cảm, phương pháp có thể, phải cho học sinh ăn sạch, ăn đủ số lượng, chất lượng. Các trường học phải sát sao với đơn vị đấu thầu bếp ăn, đảm bảo đúng, đủ khẩu phần của học sinh, tuyệt đối không bớt xén. “Bữa ăn bán trú nếu không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến thể trạng của cả một thế hệ,” Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói.
Luật hóa dinh dưỡng học đường để phát triển thể chất, tầm vóc người Việt
Theo các chuyên gia, cần có luật riêng về dinh dưỡng học đường để chuẩn hóa bữa ăn học đường, nhằm tận dụng giai đoạn vàng để cải thiện thể trạng, tầm vóc, trí lực người Việt.
Chia sẻ về vấn đề bữa ăn bán trú, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh trong các nhà trường còn nhiều vướng mắc. Đó là khó khăn về cơ sở vật chất, đặc biệt là các trường, điểm trường vùng sâu, vùng xa. Nhân lực tổ chức bữa ăn bán trú trong trường học còn thiếu về số lượng và chất lượng, là nhân viên hợp đồng thời vụ, nhiều nơi chưa được tập huấn, đào tạo, năng lực tổ chức bữa ăn học đường còn hạn chế. Việc xây dựng thực đơn, chất lượng bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, đủ thành phần chưa được thực hiện tốt, chưa dựa trên nhu cầu năng lượng của lứa tuổi.
“Bữa ăn học đường là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, chất lượng học tập của học sinh. Tuy nhiên hiện nay chưa có các tiêu chuẩn cho bữa ăn học đường nên chưa có sự kiểm soát đồng bộ bằng các văn bản quy phạm pháp luật,” ông Đề nói.
Cũng theo ông Đề, bên cạnh vấn đề dinh dưỡng, các hoạt động vận động thể thao để phát triển thể chất cho học sinh cũng còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến sự phát triển tối đa thể trạng của trẻ./.