Báo động vấn nạn tảo hôn và hủ tục trong đại dịch COVID-19

Theo báo cáo của UNFPA, trong thập kỷ tới, thế giới sẽ có thêm 13 triệu trẻ em gái trở thành nạn nhân của nạn tảo hôn và 2 triệu trẻ em gái phải trải qua hủ tục cắt âm vật, cao hơn ước tính trước đó.
Trẻ em đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Abidjan, Bờ Biển Ngà, ngày 25/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trẻ em đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Abidjan, Bờ Biển Ngà, ngày 25/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có nguy cơ đảo ngược những thành quả đạt được trong nỗ lực chấm dứt nạn tảo hôn và hủ tục cắt âm vật (FGM) đang đe dọa tương lai của hàng triệu trẻ em gái trên thế giới.

Đây là cảnh báo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đưa ra ngày 30/6.

Theo báo cáo của UNFPA, trong thập kỷ tới, thế giới sẽ có thêm 13 triệu trẻ em gái trở thành nạn nhân của nạn tảo hôn và 2 triệu trẻ em gái phải trải qua hủ tục FGM, cao hơn con số ước tính đưa ra trước đó.

Nguyên nhân là do đại dịch COVID-19 sẽ cản trở các nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt các vấn nạn này.

Tình trạng đói nghèo do dịch COVID-19 cũng là lý do khiến nhiều cha mẹ phải gả chồng sớm cho con.

[Cam kết mạnh mẽ trong Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ]

UNFPA cho biết mỗi ngày trên thế giới có khoảng 33.000 trẻ em gái bị cưỡng ép kết hôn sớm, thường là với đàn ông hơn tuổi. Trong khi đó, ước tính 4,1 triệu trẻ em gái có nguy cơ phải hứng chịu FGM trong năm nay.

Báo cáo cũng cho thấy hơn 140 triệu phụ nữ trên thế giới không có cơ hội tận hưởng cuộc sống tươi đẹp do tình trạng lựa chọn giới tính trước khi sinh, hoặc cha mẹ bỏ bê, không chăm sóc con gái, do thiên vị con trai, dẫn đến nhiều ca tử vong ở trẻ em gái.

Cũng theo UNFPA, có ít nhất 19 hành vi gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ em gái vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có nghi thức tình dục đầy bạo lực, cáo buộc phù thủy, làm nhục, bạo lực liên quan đến tranh chấp của hồi môn, ép ăn theo chế độ tăng cân khắc nghiệt và tập tục kéo dài cổ để làm đẹp...

Các hành vi này thường gây ra tác hại lâu dài đối với sức khỏe của trẻ em gái, cản trở khả năng tiếp cận giáo dục và triệt tiêu cơ hội của các em trong tương lai.

Tác động của các hành vi này thậm chí còn lớn hơn đối với xã hội nói chung cũng như với các thế hệ tương lai.

Bên cạnh đó, tình trạng mất cân bằng giới tính do xu hướng thích có con trai có thể khiến nhiều nam giới khó kiếm bạn đời, làm tăng nguy cơ phụ nữ bị cưỡng hiếp, bóc lột tình dục, buôn bán và tảo hôn.

UNFPA đề xuất giáo dục có thể là một công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy sự bình đẳng, trong khi các biện pháp kích thích kinh tế cũng có thể được thực hiện để giúp chấm dứt các vấn nạn đe dọa tương lai của trẻ em gái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục