Báo động trẻ béo phì

Báo động trẻ thừa cân, béo phì ở TP Hồ Chí Minh

Tại TP.HCM, trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em giảm xuống mức độ thấp nhất cả nước thì tỷ lệ thừa cân, béo phì lại gia tăng.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em giảm xuống mức độ thấp nhất trong cả nước thì tỷ lệ thừa cân, béo phì lại có chiều hướng gia tăng.

Những tác nhân

Mỗi ngày có rất nhiều bệnh nhi đến khám bệnh liên quan đến thừa cân, béo phì tại các trung tâm dinh dưỡng và khoa dinh dưỡng của 2 Bệnh viện Nhi Đồng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Bác sĩ Lê Thị Kim Quý, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh sự cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, tỷ lệ thừa cân, béo phì bắt đầu gia tăng nhanh, đặc biệt là ở trẻ em.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi tại thành phố tăng từ 2,2% lên 8,8%. Trẻ sống tại các thành phố lớn, trong các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả được cha mẹ bồi bổ bằng những loại thức ăn ngon và bổ, giàu chất béo, chất ngọt... là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng béo phì.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, thời điểm trẻ tăng cân nhanh nhất từ 6-12 tuổi, chiếm 40%, vì ở lứa tuổi này trẻ phát triển về thể chất và có giai đoạn tích lũy mỡ để chuẩn bị cho giai đoạn dậy thì. Ngoài ra, thời gian ăn quá nhanh cũng làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.

Vì khi trẻ ăn nhanh thường không kiểm soát kịp cảm giác no, do đó trẻ thường có khuynh hướng ăn nhiều hơn nhu cầu. Cụ thể, theo điều tra, các trẻ bị bệnh béo phì ăn dưới 30 phút chiếm 97%.

Tuy nhiên, góp phần làm tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì phải kể đến một nguyên nhân là do ít hoạt động thể lực của học sinh. Học sinh tiểu học nội thành thường ít đi bộ đến trường mà được cha mẹ đưa đi học.

Ngoài giờ học ít sử dụng xe đạp, ít chơi thể thao, mà thay bằng các trò chơi thiếu sự vận động như game, đọc sách, xem tivi..., điều này sẽ làm cho trẻ không giảm bớt được năng lượng khi hấp thụ cho nên dù có được hạn chế trong ăn uống nhưng trẻ vẫn có nguy cơ béo phì. Theo nghiên cứu, trẻ mắc bệnh thừa cân, béo phì từ nguyên nhân trên chiếm khoảng 61%.

Ngoài ra, bệnh béo phì còn do tính chất gia đình, bố mẹ và nhiều người trong gia đình béo phì cũng làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ.

Béo phì dễ bị các bệnh mãn tính


Béo phì ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe, khi cân nặng hơn 200% so với cân nặng líýtưởng sẽ có nguy cơ tử vong cao gấp 12 lần. Béo phì là nguy cơ của bệnh đái tháo đường, bệnh lý tim mạch. Ngoài ra, những biến chứng khác của bệnh béo phì như tăng công hô hấp, tăng thông khí, ngừng thở lúc ngủ do tắc nghẽn, bệnh lý sỏi mật, ung thư, xương khớp và da.

Trẻ bị béo phì thường có tâm lý mặc cảm, tự ti. Nhất là ở lứa tuổi đi học bị bạn bè xa lánh, trêu chọc, có cái nhìn thiếu thiện cảm, lâu ngày khiến trẻ dễ mắc các bệnh trầm cảm. Khi đó, trẻ sẽ không giao thiệp với bạn bè, kém tự tin, giảm khả năng học tập...

Theo các bác sĩ về dinh dưỡng khuyến cáo, để ngăn chặn chứng béo phì ở trẻ cần phải thay đổi về hành vi, thói quen ăn uống và tăng cường hoạt động thể lực. Theo đó, chế độ ăn phải phù hợp với trẻ, không bỏ đói trẻ, cung cấp đầy đủ chất đạm, vitamin và các khoáng chất.

Cho trẻ ăn nhiều hơn vào bữa sáng và giảm vào các bữa ăn tối. Lựa chọn các loại thức ăn ít năng lượng như cá, đậu hũ, khoai củ, thịt nạc... tránh các loại thức ăn giàu năng lượng như chè, bánh kem, nước ngọt. Tùy vào từng độ tuổi và mức độ béo phì của trẻ mà các bậc cha mẹ chọn cho trẻ uống sữa toàn phần, sữa tách bơ một phần hay sữa tách bơ toàn phần.

Về mặt thể chất, khuyến khích và tạo thói quen cho trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao, thay vì chở trẻ tới trường thì để cho trẻ tự đi bộ tới trường nếu trường học không quá xa; tập cho trẻ làm các công việc nhà như dọn dẹp, quét nhà, các hoạt động liên quan đến thể lực, chân tay tối thiểu 1 giờ/ngày.

Bên cạnh đó, không nên bắt trẻ ngồi học cả ngày, hạn chế các hoạt động giải trí không có sự vận động như chơi điện tử, xem tivi.

Theo bác sĩ Lê Thị Kim Quý, để ngăn chặn sự gia tăng về tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ cần phải nâng cao nhận thức của người dân về béo phì. Đồng thời, phải khuyến khích và hỗ trợ trẻ béo phì đến tái khám thường xuyên tại các trung tâm dinh dưỡng./.

Đan Phương (Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục