Bạo động tôn giáo xảy ra tại thánh địa Jerusalem

Hàng trăm người Palestine sáng 16/3 đã đụng độ với lực lượng an ninh Israel tại một số địa điểm ven bờ Đông thánh địa Jerusalem.
Hàng trăm người Palestine sáng 16/3 đã đụng độ với lực lượng an ninh Israel tại một số địa điểm ven bờ Đông thánh địa Jerusalem, một ngày sau khi Israel cho mở cửa trở lại một giáo đường Do Thái ở đây.

Vụ bạo động mới nhất này khiến tình hình tại Trung Đông thêm căng thẳng sau khi Israel quyết định thông qua kế hoạch xây dựng thêm khu định cư ở Đông Jerusalem bất chấp phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Cảnh sát Israel đã buộc phải bắn đạn cao su và lựu đạn cay để giải tán đám đông. Tuy không rõ con số thương vong của người Palestine nhưng theo nguồn tin cảnh sát thì có hai nhân viên an ninh bị thương và một số đối tượng bị bắt giữ.

Khoảng 3.000 cảnh sát đã được triển khai tại thành phố thánh địa này. Các vụ bạo động lẻ tẻ cũng nổ ra ở các nơi khác ở Đông Jerusalem. Trước đó vài giờ, bảy người Palestine và một binh sĩ Israel bị thương trong vụ đụng độ tại trạm kiểm soát trên đường dẫn đến thành phố miền Bắc Ramalah ở khu Bờ Tây.

Việc Israel mở cửa trở lại giáo đường Do Thái ở Jerusalem hôm 15/3 đã khiến người Arập ở đây phẫn nộ vì đa số người Palestine coi các dự án của Israel gần khu vực điểm nóng xung quanh thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa là xâm hại nơi tôn nghiêm và mở đường cho Tel Aviv xây dựng thêm một giáo đường Do Thái thứ ba ở đây.

Quan chức phụ trách các vấn đề Jerusalem thuộc Phong trào Fahta, ông Hatem Abdel Qader, cho rằng vấn đề giáo đường Do Thái này sẽ là "khúc dạo đầu" cho bạo lực và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Ngày 16/3, phong trào Hồi giáo Hamas hiện đang kiểm soát Dải Gaza tuyên bố ghi dấu "một ngày thịnh nộ và lo ngại". Trái với phản ứng của người Arập, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Phillip Crowley lại cho rằng một số tuyên bố của các quan chức Palestine là "mang tính kích động" đồng thời yêu cầu "chấm dứt những lời lẽ đó."

Trong khi đó, cùng ngày, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Trung Đông Goerge Mitchell đã hoãn chuyến công du đến Israel. Lý do mà Washington đưa ra là có sự thay đổi trong lịch trình. Một quan chức ở Washington khẳng định nhiều khả năng, Đặc phái viên Mitchell sẽ trở lại khu vực này sau cuộc gặp của Nhóm Bộ tứ - bao gồm Liên minh châu Âu, Nga, Liên hợp quốc và Mỹ - bàn về tiến trình hòa bình Trung Đông ở Mátxcơva ngày 19/3 tới.

Bất chấp phản ứng của cộng đồng quốc tế, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 15/3 tuyên bố việc xây dựng khu định cư ở Đông Jerusalem sẽ vẫn tiếp tục vì "đây là vấn đề của 42 năm trước" trong khi Ngoại trưởng nước này, ông Avigdor Lieberman khẳng định những lời kêu gọi ngừng xây dựng khu định cư của cộng đồng quốc tế là "vô căn cứ".

Những tuyên bố trên được đưa ra chưa đầy một ngày sau khi ông Netanyahu bày tỏ "sự tiếc nuối" về cuộc khủng hoảng ngoại giao với Mỹ xung quanh kế hoạch xây dựng thêm 1.600 căn nhà tại Đông Jerusalem.

Vấn đề Đông Jerusalem là trở ngại lớn nhất đối với nỗ lực giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine. Israel chiếm đóng vùng lãnh thổ này trong cuộc chiến tranh năm 1967 và sau đó sáp nhập vào lãnh thổ nước này bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế, trong khi Palestine khẳng định Đông Jerusalem sẽ là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục