Tình trạng béo phì ở thanh thiếu niên Mỹ đã lên đến mức báo động, chiếm tới 21% số người trong độ tuổi từ 12-18, ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe cũng như làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì và các bệnh liên quan khi trưởng thành.
Đây là kết luận được đưa ra trong nghiên cứu vừa được Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) công bố ngày 5/8.
Theo nghiên cứu, thanh thiếu niên được xác định là béo phì khi có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn hoặc bằng 95 percentile (bách phân vị) theo tuổi và giới.
Nghiên cứu nhấn mạnh tình trạng béo phì nghiêm trọng đang ngày một gia tăng tại Mỹ, ảnh hưởng đến 7,6% số thanh thiếu niên nước này.
Nghiên cứu chỉ ra các yếu tố chính góp phần gây ra tình trạng này là di truyền, môi trường và lối sống. Yếu tố di truyền chiếm 40-70% nguy cơ béo phì, còn những người có lối sống, như sử dụng các thiết bị có màn hình quá nhiều (hơn 2 giờ/ngày) và ngủ ít, có nguy cơ thừa cân hoặc béo phì tăng tới 67%.
Theo nghiên cứu, béo phì là bệnh lý phức tạp, liên quan đến sự mất cân bằng giữa lượng năng lượng nạp vào và lượng năng lượng tiêu hao, chịu ảnh hưởng của các hormone tín hiệu (Leptin) có vai trò điều chỉnh cảm giác đói và no.
Béo phì ở tuổi thanh thiếu niên liên quan đến nhiều biến chứng sức khỏe như kháng insulin, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, rối loạn giấc ngủ và trầm cảm.
Điều đáng báo động là béo phì ở thanh thiếu niên có liên quan đến tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch và tiểu đường type 2 ở người lớn.
Nghiên cứu nêu rõ hiện có nhiều phác đồ điều trị bệnh béo phì nhưng yếu tố cốt lõi là điều chỉnh lối sống, trong đó có thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường hoạt động thể chất và tư vấn hành vi./.
Trẻ em sử dụng điện thoại thông minh trong bữa ăn sẽ tăng nguy cơ béo phì
Vừa ăn vừa xem các thiết bị điện tử có thể làm trẻ xao lãng và não chúng không nhận được “tín hiệu báo no,” do đó chúng sẽ ăn nhiều hơn so với nhu cầu, dẫn đến tăng cân mất kiểm soát, gây ra béo phì.