Hà Nội đang trên đà phát triển, nhiều công trình, con đường được mở ra, giúp đời sống người dân Thủ đô được nâng lên. Nhưng có một thực tế, sau giải phóng mặt bằng, lại xuất hiện những ngôi nhà méo, mỏng, kỳ dị và gây mất mỹ quan đô thị.
Ngay tại tuyến đường vành đai 2, đoạn Nhật Tân-Xuân La-Bưởi-Cầu Giấy, vừa đưa vào sử dụng cách đây bốn tháng đã xuất hiện những ngôi nhà có hình thức méo mó, không đẹp mắt. Qua đây, đòi hỏi, thành phố cần một giải pháp tổng thể để chặn đứng việc xây dựng nhà méo, mỏng, không đúng quy định, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị.
Tại đoạn đầu đường Võ Chí Công, gần điểm giao với đường Hoàng Quốc Việt, một ngôi nhà vừa mỏng, vừa méo được xây dựng để kinh doanh dược phẩm. Ngôi nhà bốn tầng, có chiều rộng chỉ khoảng 1,5-2m trông rất chật chội, bức bối, mỏng đến khó tin.
Đặc biệt, phía dưới chân ngôi nhà kể trên là một “ngôi nhà” khác có hình dáng kỳ dị, mái lợp tôn, một mặt phía Tây xây gạch, còn xung quanh quây bạt. Ngôi nhà này bám theo trục đường nhỏ phía trong, mỏng như một bức tường có hình dáng “đầu voi đuôi chuột” với một đầu rộng khoảng 80cm, đầu còn lại khoảng 1,5m. Ngôi nhà này được được kinh doanh rau quả, thịt cá.
Nhận xét về ngôi nhà kỳ dị, anh Lê Văn Sơn (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) lắc đầu ngán ngẩm: “Trước đây đã có những ngôi nhà xấu xí như thế này rồi, nhưng từ khi làm đường mới, giải tỏa mặt bằng, người ta xây nhà mỏng, nhà méo càng nhiều hơn, tận dụng đất mặt đường để kinh doanh. Cả một đoạn đường đẹp mà nhà cửa xiêu vẹo, lồi lõm, có chỗ giải tỏa chưa xong còn chất đầy vật liệu hay tập kết rác thải, nhìn rất mất mỹ quan. Không biết cơ quan chức năng ở đâu mà để người dân xây dựng tùy tiện như vậy."
Xuôi về phía cuối đường Võ Chí Công, những ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo” càng xuất hiện dày hơn. Không chỉ có hình dáng kỳ dị, nghiêng lệch, chủ nhân của những ngôi nhà này còn tận dụng từng tấc đất, xây thêm những cái chòi hình tam giác phía dưới, nhỏ chỉ chừng 5m2, nơi dùng làm cửa hàng may vá, nơi sửa xe, cũng có những chiếc chòi... khóa cửa im ỉm, chẳng biết phục vụ mục đích gì.
Bên cạnh đó, nhiều người còn dựng tạm những căn nhà cấp bốn bên đường để lấy chỗ kinh doanh, vỉa hè bị chiếm dụng, rác thải vứt la liệt...
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy, trên tuyến đường vành đai 2 có tổng số 26 trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Trong đó, để kịp thời ngăn chặn nhà siêu méo, siêu mỏng, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người dân, Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy đã tiến hành hợp khối 19 trường hợp. Những trường hợp sau khi hợp khối, đều được quận Cầu Giấy cấp phép xây dựng, với cao độ, cốt nền đảm bảo quy định.
Còn lại bốn trường hợp đất trống có khả năng hợp thửa với thửa đất của nhà liền kề, sẽ được Ủy ban Nhân dân quận tiếp tục vận động, hướng dẫn các gia đình hợp thửa trong thời gian tới. Đối với ba trường hợp không thể hợp thửa, hợp khối, Ủy ban Nhân dân quận đang giao Ủy ban Nhân dân phường Nghĩa Đô thu hồi theo quy định.
Trao đổi về những ngôi nhà kỳ dị, tạm bợ được dựng lên cạnh đường vành đai 2, ông Lê Trung Kiên, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị Cầu Giấy, cho biết sau khi giải phóng mặt bằng, một số người dân còn lại vài mét vuông nên đã tận dụng diện tích này để kinh doanh, cũng như giữ đất trước khi hợp khối hoặc thu hồi.
"Ở tuyến đường quan trọng, lại là tiếp giáp với mặt đường, những trường hợp xây dựng sai, xây dựng không phép theo quy định, sẽ bị quận xử lý ngay" - Phó trưởng phòng Quản lý đô thị Cầu Giấy quả quyết.
Ông Vũ Trung Kiên cho biết thêm, thời gian này, Ủy ban Nhân dân quận chỉ đạo ủy ban nhân dân các phường, đội Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy giám sát chặt chẽ, kiểm tra hàng ngày các công trình xây dựng ngay từ khi khởi công xây móng, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý ngay các vi phạm trật tự xây dựng.
Theo quy định của thành phố Hà Nội, những diện tích dưới 15m2 sẽ không được xây dựng công trình. Chiếu theo quy định này, Hà Nội còn có hơn 600 căn nhà xây dựng siêu méo, siêu mỏng. Các quận như Cầu Giấy, Hai Bà Trưng và Tây Hồ đang là những địa phương còn tồn tại nhiều nhà siêu méo, siêu mỏng.
Ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, cho biết khó khăn lớn nhất trong việc xử lý các công trình “siêu mỏng, siêu méo” là nguồn vốn. Vì nếu giải phóng mặt bằng, thu hồi hết đất của người dân sẽ đội nguồn kinh phí lên rất nhiều.
Mặt khác, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, chính quyền một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội còn chưa chủ động trong tham mưu cũng như thiếu kiên quyết trong xử lý nhà siêu méo, siêu mỏng. Họ có tư tưởng trông chờ, ỷ lại cho thành phố giải quyết nhà siêu méo, siêu mỏng./.