Báo động tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên

Tại các nước đang phát triển, mỗi ngày có 20.000 trẻ em gái dưới 18 tuổi sinh con, số trẻ em gái sinh con lên tới 7,3 triệu mỗi năm.

"Mang thai ở tuổi vị thành niên đang là một vấn đề lớn trên toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển,” đó là nhận định của ông Arthur Erken, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tại buổi công bố Báo cáo tình trạng dân số thế giới 2013 với tựa đề "Làm mẹ khi chưa trưởng thành: Thách thức mang thai ở tuổi vị thành niên.”

Buổi công bố diễn ra chiều nay, ngày 4/11/2013, tại Hà Nội, do Quỹ dân số Liên hợp quốc phối hợp với Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương tổ chức.

Đưa ra con số cụ thể, ông Arthur Erken cho biết, tại các nước đang phát triển, mỗi ngày có 20.000 trẻ em gái dưới 18 tuổi sinh con, số trẻ em gái sinh con lên tới 7,3 triệu người mỗi năm. Nếu tính cả các lần mang thai nhưng không sinh thì con số này còn lớn hơn rất nhiều.

Việc làm mẹ khi chưa trưởng thành gây thiệt hại tới sức khỏe, giáo dục và quyền của trẻ em gái. Mang thai ở tuổi vị thành niên cũng làm cho các em không nhận thức được những nguy cơ tiềm tàng và ảnh hưởng bất lợi tới đứa trẻ được sinh ra. Không chỉ các bà mẹ và em bé phải gánh chịu hậu quả mà vấn đề này còn tạo ra những ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế của cộng đồng và quốc gia với những thiệt hại về sản xuất kinh tế khi các bà mẹ ở tuổi vị thành niên phải bỏ học và thôi việc để sinh con.

Báo cáo cũng chỉ ra việc mang thai ở tuổi vị thành niên thường nằm ngoài mong muốn của các em. Điều này là hệ quả của việc các em không được hoặc ít được tiếp cận đến giáo dục, việc làm, thông tin và việc chăm sóc sức khỏe có chất lượng, vai trò và hành động chưa đảm bảo của gia đình, cộng đồng và chính quyền.

Tại Việt Nam, theo bác sĩ Nguyễn Đức Vinh, Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em, Bộ Y tế, năm 2011, tỷ lệ có con trong nhóm dân số vị thành niên là 46/1.000 người. Tỷ lệ này cao hơn ở các nhóm dân số có trình độ học vấn thấp, mức sống thấp, các nhóm dân tộc thiểu số.

Tỷ lệ vị thành niên có thai trên tổng số người có thai trong các năm từ 2010 đến 2012 tăng dần đều, năm 2010 là 2,9%, năm 2011 là 3,1% và năm 2012 là 3,2%.

Tương tự, tỷ lệ vị thành niên phá thai trên tổng số ca phá thai trong giai đoạn này cũng tăng dần, từ 2,2% năm 2010 lên 2,4% năm 2011, năm 2012 có sự giảm nhẹ với tỷ lệ là 2,3%. Tỷ lệ này cao hơn ở các thành phố lớn.

Cụ thể, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tỷ lệ phá thai vị thành niên chiếm khoảng 5% tổng số ca phá thai. Tại 3 cơ sở y tế ở Thành phố Hồ Chí Minh (gồm Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản), tỷ lệ này là 5,81%.

Theo ông Minh, để cải thiện tình trạng này cần có sự vào cuộc của nhiều tổ chức, ban ngành, đoàn thể và chính quyền thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ… Môi trường hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cần được cải thiện. “Đặc biệt, sự quan tâm hỗ trợ của cha mẹ, thầy cô giáo và bản thân vị thành niên trong việc tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe là vô cùng quan trọng,” ông Minh nói./.

Tin cùng chuyên mục