Báo động tình trạng dầu nhớt thải không được tái chế đúng cách

Hiện nay, toàn thị trường Việt Nam sử dụng khoảng hơn 400.000 tấn dầu nhớt/năm, tương ứng sẽ có 300.000 tấn dầu nhớt thải/năm, con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong những năm tới.

Hiện nay, toàn thị trường Việt Nam sử dụng khoảng hơn 400.000 tấn dầu nhớt/năm, tương ứng sẽ có 300.000 tấn dầu nhớt thải/năm, con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong những năm tới.

Đây là một lượng chất thải độc hại tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn đối với sức khỏe con người, môi trường sống.

Trước tình hình trên, Nhà nước đã ra những quy định mới với nhiều ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xử lý dầu nhớt thải.

Chậm hơn thế giới 30 năm

Theo tìm hiểu của phóng viên TTXVN, việc thu hồi dầu nhớt thải để tái chế thành dầu nhớt gốc được nước Mỹ tiến hành vào những năm 30 thế kỷ 20.

Để tạo ra dầu nhờt gốc đạt chuẩn tại Mỹ đã có nhà máy xử lý dầu nhớt thải đầu tiên đi vào hoạt động khoảng năm 1986. Trong khi đó, Indonesia đã áp công nghệ xử lý dầu nhớt của Mỹ trước Việt Nam 20 năm khi xây nhà máy xử lý dầu nhớt thải từ năm 1995.

Hiện nay nhiều cơ sở thu gom, xử lý dầu nhớt thải tại Việt Nam đang sử dụng công nghệ đốt thu gom dầu của Trung Quốc hoặc bắt chước công nghệ Trung Quốc.

Các cơ sở này đang có nguy cơ cao rơi vào trường hợp phạm luật bởi theo nghị định 50/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu hồi xử lý sản phẩm thải bỏ cho thấy các đơn vị cung cấp phải có trách nhiệm thu hồi dầu nhớt thải có sự giám sát của các cơ quan chức năng theo quy định.

Đã có khá nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh Hải Phòng, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh... bị lập biên bản vì mua bán, tái chế dầu nhớt thải trái phép.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Tiến sỹ Nguyễn Văn Hưng, Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng Cục Môi trường cho biết xử lý dầu nhớt thải và sản phẩm trước đó là dầu nhớt gốc cần quy định về trách nhiệm rõ ràng của các bên liên quan như mua, bán, phân phối, thu gom, xử lý, tái chế sao cho phù hợp với Luật Môi trường.

Từ ngày 1/7 tới đây, dầu nhớt thải và các quy định liên quan sẽ được áp dụng cụ thể kết hợp với tuyên truyền để cho người dân, doanh nghiệp thích ứng, chuẩn bị địa điểm thu gom, xử lý.

Áp lực lớn cho môi trường

Dầu nhớt thải hiện nay sở dĩ vẫn được mua bán trái phép bởi nó là một mặt hàng có giá trị sau khi tái chế.

Như đã nói ở trên, các phương thức tái chế dầu nhớt thải theo công nghệ Trung Quốc hay bắt chước công nghệ Trung Quốc khá thô sơ. Phương pháp phổ biến nhất hiện nay là đốt để tích cặn và lấy dầu bay hơi.

Với quy trình chỉ mất 20 phút, "công nghệ" này có thể biến dầu nhớt thải để trở thành dầu tái chế và được đóng chai giả mạo các thương hiệu dầu nhớt lớn và tung ra thị trường.

Theo các nhà sản xuất dầu nhớt, mắt thường không phân biệt được chất lượng các loại dầu nhớt tái chế này vì chúng không khác gì về hình thức so với dầu nhớt gốc nhưng chất lượng thì kém xa.

Khi sử dụng các loại dầu nhớt tái chế kiểu này gây hại rất lớn cho động cơ, máy móc bởi tính bôi trơn thấp hơn, gây giảm tuổi thọ động cơ.

Ngoài ra, nếu dầu nhớt thải bị đổ ra môi trường hay đốt nóng không có quy trình chặt chẽ về môi trường thì lượng kim loại trong dầu nhớt có thể phát tán gây ra những hậu quả nặng nề về ô nhiễm môi trường song và sức khỏe con người thông qua đường tiêu hóa hay tiếp xúc trên bề mặt da.

Ông Nguyễn Cao Nhã, chuyên viên của Công ty VN Oil nhận định nếu các cơ sở không đủ kỹ thuật xử lý tái chế dầu nhớt thải thì khi dùng dầu thải tái chế, đốt thành nhiên liệu sẽ khiến nhiều độc chất bay ra không khí, tan vào gió hoặc khuyếch tán qua mưa gây hại trực tiếp lẫn gián tiếp đối với con người và môi trường.

Ngoài ra, nếu dầu nhớt thải bị đổ ra môi trường thì lượng kim loại trong dầu nhớt có thể thấm vào đất, lan trong nước gây ra hiện tượng “vùng nước chết,” “vùng đất chết.”

Có nhiều cơ chế ưu đãi thu hút doanh nghiệp

Số liệu của VN Oil cung cấp cho thấy Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc thu gom dầu nhớt thải, ít nhất là dầu nhớt thải từ động cơ.

Ông Nguyễn Cao Nhã cho biết: “Ở Mỹ thì gần như 50% trường hợp thay dầu nhớt cho xe là do người dân tự làm và Chính phủ Mỹ thậm chí phải vận động các hộ dân đem dầu nhớt thải đến nộp tại các điểm thu gom. Ở Việt Nam thì khác, người sử dụng xe máy, xe hơi, xe tải thường nhờ các tiệm sửa xe, trung tâm bảo trì xe thay nhớt nên hoạt động thu gom cũng sẽ dễ dàng hơn.”

Tiến sỹ Nguyễn Văn Hưng cũng cho rằng việc xây dựng các điểm thu gom dầu nhớt thải là quan trọng nhất. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những hoạt động cụ thể như liên hệ với các làng nghề, các nhà sản xuất xe máy, ôtô và các đơn vị thu gom khác như dịch vụ sữa chữa để kết nối thu hồi sản phẩm dầu nhớt thải.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành hoạch định hệ thống thu gom dầu nhớt thải để đi vào hhoạt động ổn định và phân phối theo cơ chế thị trường và thông báo minh bạch trên website của cơ quan nhà nước lẫn doanh nghiệp,” tiến sỹ Nguyễn Văn Hưng.

Đón đầu nhu cầu này, trong năm 2015, Công ty VN Oil sẽ đưa vào hoạt động một nhà máy xử lý dầu nhớt thải công nghệ của Mỹ tại huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, với công suất 62.000 tấn/năm, nhà máy này chưa thể đáp ứng nhu cầu xử lý dầu nhớt thải của khu vực Đông Nam Bộ với mức thải bỏ khoảng 250.000 tấn/năm.

Công ty VN Oil cho biết đang có kế hoạch nâng công suất của nhà máy xử lý dầu nhớt thải tại Nhà Bè lên mức 124.000 tấn/năm và khảo sát xây dựng nhà máy tại Đà N ẵng và Hà Nội vào năm 2017 song cũng khó đáp ứng nhu cầu xử lý dầu nhớt thải của toàn thị trường Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết sẽ có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp xử lý tái chế dầu nhớt thải, nhằm thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Tuy vậy, trước mắt việc triển khai cụ thể cần được cán bộ công tác trong lĩnh vực môi trường có lộ trình và hướng dẫn cho doanh nghiệp, người dân nắm bắt việc thu gom dầu nhớt thải để giảm thiểu sức ép về môi trường.

Đối với các sản phẩm cần thu gom xử lý và tái chế nói chung và dầu nhớt thải nói riêng thì các đơn vị tham gia sẽ được nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về việc hướng dẫn quy trình xanh, cấp đất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục