Báo động tình hình tài chính các chương trình an sinh ở Mỹ

Tình hình tài chính của chương trình Medicare và An sinh xã hội - hai chương trình chủ chốt của hệ thống an sinh xã hội Mỹ, đã trở nên xấu đi trong năm 2017 và có nguy cơ cạn kiệt.
Báo động tình hình tài chính các chương trình an sinh ở Mỹ ảnh 1Bệnh nhân được điều trị tại trung tâm y tế Esperanza ở Philadelphia, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tình hình tài chính của chương trình Medicare và An sinh xã hội - hai chương trình chủ chốt của hệ thống an sinh xã hội Mỹ, đã trở nên xấu đi trong năm 2017 và có nguy cơ cạn kiệt.

Đây là kết quả dự báo chính thức được công bố ngày 5/6.

Báo cáo của giới chức Mỹ cho thấy khả năng thanh toán của quỹ tín thác Medicare - chương trình bảo hiểm y tế công chủ chốt của Mỹ, đã giảm mạnh trong năm 2017 và có khả năng sẽ cạn kiệt vào năm 2026, sớm hơn hai năm so với ước tính trước đó.

Trong khi đó, năm 2018 này dự báo sẽ là năm đầu tiên kể từ năm 1982, chi phí cho hệ thống hưu trí an sinh xã hội sẽ vượt quá tổng nguồn thu.

Theo xu hướng này, ước tính đến năm 2034, quỹ An sinh xã hội Mỹ cũng sẽ cạn kiệt, phù hợp với dự báo đưa ra hồi năm ngoái.

Tuy thừa nhận còn tồn tại một số "vấn đề dài hạn," Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin vẫn khẳng định cả hai chương trình trên vẫn được đảm bảo.

[Nhà Trắng đề xuất cắt giảm phúc lợi xã hội để cân bằng ngân sách]

Trong một tuyên bố, ông Mnuchin nêu rõ: "Chương trình kinh tế của chính quyền - gồm giảm thuế, cải cách quy chế và cải thiện các thỏa thuận thương mại - sẽ tạo ra sự tăng trưởng trong dài hạn cần thiết cho việc bảo đảm những chương trình này và hướng chúng đến một con đường ổn định hơn."

Đây là lần công khai dự báo đầu tiên về hai chương trình an sinh xã hội lớn nhất của Mỹ từ sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định giảm thuế hồi tháng 12/2017.

Nhà Trắng khẳng định việc giảm thuế sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng, bù lại những thiệt hại về thuế. Tuy nhiên, giới kinh tế hoài nghi về những tác dụng này khi mà nền kinh tế Mỹ vẫn chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% mà Tổng thống Trump đặt ra.

Trong một cuộc họp báo ngày 5/6, giới chức Mỹ cũng đã thừa nhận rằng việc giảm thuế làm giảm ngân sách cho Medicare và An sinh xã hội.

Ước tính, chi tiêu của Medicare sẽ tăng từ mức tương đương 3,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2017 lên mức tương đương 5,8% GDP trong năm 2038.

Tốc độ tăng này cao hơn so với ước tính của năm 2017, vốn dự báo đến năm 2041, chi phí cho Medicare mới đạt mức tương đương 5,6% GDP.

Trong khi đó, chi phí cho chương trình An sinh xã hội sẽ leo lên mức tương đương 6,1% GDP vào năm 2038 từ mức tương đương 4,9% GDP hiện nay.

Khoảng 58,4 triệu người Mỹ phụ thuộc vào chương trình Medicare để được chăm sóc y tế trong khi chương trình An sinh xã hội cung cấp các khoản hỗ trợ cho khoảng 62 triệu người Mỹ, trong đó có 45 triệu người hưởng lương hưu, 6 triệu người thuộc diện sống phụ thuộc và 10 triệu người khuyết tật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục