Ở Việt Nam, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá đã quy định cụ thể các chế tài, nhưng đến nay, tình trạng vi phạm hút thuốc lá tại nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến, trong đó phụ nữ và trẻ em luôn là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Thống kê của ngành y tế cho thấy tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá trong nhà lên tới 67% và tại gia đình là 49%. Do đó, để hạn chế tình trạng này cần tiếp tục siết chặt những quy định hút thuốc lá ở nơi công cộng, tiến tới giảm hút thuốc thụ động tại mỗi gia đình.
Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo xin ý kiến dự thảo Thông tư quy định viện thực hiện địa điểm cấm hút thuốc lá và xét tặng Giải thưởng Môi trường không khói thuốc, diễn ra ngày 11/1 tại Hà Nội.
[Infographics] Tỷ lệ người hút thuốc lá trên toàn cầu có xu hướng giảm
Bà Trần Thị Trang cho hay những năm qua, cùng với việc thực thi Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, tình trạng hút thuốc lá thụ động ở các địa điểm công cộng đã giảm một cách rõ rệt, từ 6-13%, tuy nhiên tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động vẫn còn cao.
Hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi tại Việt Nam. Hút thuốc thụ động là hít phải (hay còn gọi là phơi nhiễm) khói thuốc từ đầu điếu đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra. Khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn các hóa chất, độc hại. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên sống, làm việc trong môi trường có khói thuốc lá cũng mắc các bệnh như người hút thuốc.
“Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Khói thuốc có thể tồn tại ở khắp mọi nơi và đặc biệt không có ngưỡng an toàn khi phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động, gây ảnh hưởng đến cộng đồng mà nạn nhân chủ yếu đa phần là phụ nữ và trẻ em. Phụ nữ phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động chiếm tỷ lệ tới 80%, còn trẻ em là 50%,” Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh.
Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đưa ra cảnh báo nhiều bệnh do thuốc lá thụ động gây ra ở người lớn như: Đột quỵ, ung thư xoang mũi, ung thư vú, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Còn với trẻ em là các bệnh như: Hen suyễn, ung thư hạch, các triệu chứng hô hấp giảm chức năng phổi, bệnh viêm tai giữa…
“Trên thế giới mỗi năm có 890.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động, trong đó 64% số ca tử vong do hút thuốc thụ động là nữ. Các nghiên cứu đã tiến hành tại châu Âu, Mỹ, Canada cho thấy môi trường không khói thuốc làm giảm trung bình 17% số ca nhồi máu cơ tim. Ước tính toàn nước Mỹ tránh được 195.000 ca nhồi máu cơ tim mỗi năm nhờ quy định môi trường không khói thuốc,” tiến sỹ Nguyễn Tuấn Lâm phân tích.
Vì vậy, vị chuyên gia của WHO cho rằng Việt Nam cần theo điều 8 Công ước khung về kiểm soát thuốc lá yêu cầu thực thi môi trường 100% không khói thuốc lá, bởi không có một mức phơi nhiễm nào là an toàn. Việc thực thi này nên được thực hiện toàn diện tại: nơi làm việc trong nhà, nơi công cộng trong nhà, trên các phương tiện giao thông công cộng… và cần có quy định bắt buộc bởi việc để tự nguyện sẽ không hiệu quả, có sự giám sát và đánh giá thực hiện.
Tại hội thảo, Bộ Y tế dự kiến tăng cường đẩy mạnh các chính sách thực thi luật phòng chống tác hại của thuốc lá. Đó là chính sách đề xuất xây dựng thông tư về quy định địa điểm cấm hút thuốc lá và các yêu cầu về mặt kỹ thuật, tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó là quy định về giải thưởng, tiêu chuẩn đề nhân rộng mô hình, điểm sáng về không khói thuốc. Hiện nay thông tư trên đang được đưa ra để lấy ý kiến các bộ ngành.
Quá trình xây dựng Thông tư quy định việc thực hiện địa điểm cấm hút thuốc lá của Bộ Y tế đã nhận được sự hỗ trợ của WHO Việt Nam, các tổ chức y tế công cộng với mong muốn trước khi hoàn thiện Thông tư nhận được sự đóng góp ý kiến của các ban ngành để thảo luận thống nhất./.