Báo động ô nhiễm trên sông Nậm Tôn: Để dòng sông hồi sinh

Việc sông Nậm Tôn ở Quỳ Hợp, Nghệ An, bị bức tử làm đảo lộn cuộc sống của hàng nghìn hộ dân đang đặt ra câu hỏi về trách nhiệm trong công tác quản lý.
Báo động ô nhiễm trên sông Nậm Tôn: Để dòng sông hồi sinh ảnh 1Khu vực hợp lưu giữa sông Nậm Huống và sông Nậm Tôn thuộc thị trấn Quỳ Hợp. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Chính quyền huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An nhiều lần khẳng định tình trạng ô nhiễm sông Nậm Tôn có nguyên nhân từ hoạt động khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên công tác kiểm tra, phát hiện gặp nhiều khó khăn, do năng lực cũng như phương tiện không đầy đủ.

Việc sông Nậm Tôn bị bức tử làm đảo lộn cuộc sống của hàng nghìn hộ dân đang đặt ra câu hỏi về trách nhiệm trong công tác quản lý.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Quỳ Hợp, để làm rõ nguyên nhân và xử lý tình trạng gây nước đục ra sông Nậm Tôn, Ủy ban Nhân dân huyện đã nhiều lần làm việc với Ủy ban Nhân dân các xã Châu Hồng, Châu Tiến, Châu Thành, Liên Hợp.

Tuy nhiên qua kiểm tra các tổ chức, cá nhân khai thác quặng thiếc theo hình thức lộ thiên không phát hiện tình trạng xả nước thải đục ra sông.

[Bộ TN-MT ‘tăng tốc’ xử lý các điểm nóng ô nhiễm trong năm 2022]

Riêng đối với các đơn vị khai thác quặng thiếc theo hình thức hầm lò, báo cáo đánh giá tác động môi trường có nhiều nội dung phức tạp, Ủy ban Nhân dân huyện không có đủ phương tiện kỹ thuật và chuyên môn để kiểm tra các tổ chức khai thác quặng thiếc hầm lò.

Mặt khác, các vị trí khai thác thiếc hầm lò có các hang caster chảy xuyên qua nhiều dãy núi đá sau đó mới chảy ra sông Nậm Tôn nên rất khó khăn trong việc xác định nguồn thải gây ô nhiễm.

Ông Trần Đức Lợi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quỳ Hợp, cho biết hiện nay trên địa bàn xã Châu Tiến, Châu Hồng, một số doanh nghiệm được cấp phép khai thác quặng thiếc có tình trạng xả nước thải gây đục sông Nậm Tôn. Ủy ban Nhân dân huyện đã nhiều lần kiểm tra nhưng chưa xác định được tổ chức, cá nhân gây ra.

Vừa qua, Ủy ban Nhân dân huyện đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường của các mỏ khai thác quặng thiếc (đặc biệt là khai thác hầm lò) tại khu vực Thung Lùn, Thung Xén, Thung Hung Nọi của xã Châu Hồng, Châu Tiến để tìm ra nguyên nhân nước đục, đồng thời thực hiện quan trắc đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước của sông Nậm Tôn.

Liên quan đến khu vực xã Châu Hồng, Châu Tiến nơi được cho là xuất phát của dòng nước khiến sông Nậm Tôn đục ngầu, theo rà soát của Ủy ban Nhân dân xã Châu Hồng, từ cuối năm 2020 đến nay, hàng trăm giếng nước sinh hoạt bị cạn trơ đáy; có 13 hố sụt lún, trong đó có những hố xuất hiện ngay trong khu vực dân cư hàng trăm nhà dân bị rạn, nứt...

Ủy ban Nhân dân huyện Quỳ Hợp đã thuê Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ kiểm tra, khảo sát tìm nguyên nhân cũng như hướng khắc phục. Tuy nhiên, đến nay đơn vị này cũng chưa xác định được nguyên nhân của các hiện tượng trên.

Để phục vụ công tác kiểm tra, khảo sát, Ủy ban Nhân dân huyện Quỳ Hợp đã ra thông báo yêu cầu tất cả các tổ chức, cá nhân tạm dừng việc khai thác nguồn nước ngầm ở cả khu vực bản Na Hiêng, bản Công, bản Na Noong, bản Poong, xã Châu Hồng từ ngày 11/5 cho đến khi có thông báo mới.

Theo nguồn tin của phóng viên, quá trình kiểm tra, Ủy ban Nhân dân huyện Quỳ Hợp phát hiện 2 đơn vị thực hiện không đúng với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Do vượt quá thẩm quyền nên Ủy ban Nhân dân huyện Quỳ Hợp đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng.

Trước đó, tại buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trưởng về tình hình thực hiện nhiệm vụ 4 tháng đầu năm 2022, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cũng nhấn mạnh quan điểm của tỉnh là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế và phải đảm bảo phát triển bền vững.

Người dân địa phương mong muốn với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Nghệ An, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng tình trạng ô nhiễm sông Nậm Tôn kéo dài hàng chục năm sẽ được giải quyết dứt điểm để cuộc sống sớm trở lại bình thường./.

[Báo động ô nhiễm sông Nậm Tôn: Dòng sông “chết”]

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục