Cứ 8 trẻ em trên thế giới có 1 trẻ - tương đương hơn 300 triệu trẻ em - sống ở các vùng xung đột và có nguy cơ bị tuyển mộ tham chiến.
Tổ chức nhân đạo Save the Children đưa ra con số này trong báo cáo công bố ngày 29/11, theo đó nhấn mạnh cho trẻ em đi học là hết sức cần thiết để ngăn chặn việc tuyển mộ trẻ em tham chiến.
Năm 2020, Liên hợp quốc đã kêu gọi ngừng bắn trên toàn cầu để hỗ trợ cuộc chiến chống COVID-19, tuy nhiên, các nhóm vũ trang vẫn tiếp tục tấn công ở nhiều nước, trong đó có Afghanistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria và Yemen.
[Palestine cáo buộc binh sỹ Israel sát hại trẻ em ở Bờ Tây]
Tổ chức Save the Children ước tính trong năm 2020, khoảng 337 triệu trẻ em có nguy cơ bị tuyển mộ cầm súng tham gia các cuộc xung đột.
Báo cáo lưu ý gần 200 triệu trẻ sống tại các khu vực chiến tranh ác liệt nhất thế giới, tăng khoảng 20% so với năm 2019.
Theo Giám đốc điều hành của Save the Children, bà Inger Ashing, bất chấp tình hình dịch COVID-19 phức tạp trên thế giới và lời kêu gọi của Liên hợp quốc về ngừng bắn trên toàn cầu, song số trẻ em đang mắc kẹt ở các khu vực xung đột ác liệt nhất và đang phải đối mặt với nguy cơ bị tuyển mộ, bị thương hoặc thiệt mạng đang ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Bà Inger Ashing cảnh báo hậu quả khôn lường đối với số trẻ này về sức khỏe tinh thần, khả năng tiếp cận giáo dục hoặc các dịch vụ bảo trợ.
Hiện chưa có thống kê chính thức về số trẻ em bị tuyển mộ tham chiến, song trong năm 2020, hơn 8.500 trẻ em đã bị tuyển mộ cầm súng hoặc tham gia các hoạt động trong các nhóm vũ trang phi nhà nước, tăng 10% so với năm trước đó.
Báo cáo của Save the Children lưu ý con số này chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm."
Trong khi đó, Tổ chức Lao động quốc tế của Liên hợp quốc (ILO) cho rằng cùng với lạm dụng, buôn người, việc tuyển mộ trẻ em tham gia các cuộc xung đột là một trong những hình thức bóc lột trẻ em tồi tệ nhất.
Trước tình hình trên, báo cáo của Save the Children đưa ra các khuyến nghị nhằm ngăn chặn "cuộc chiến mà trẻ em phải hứng chịu," trong đó có việc nghiêm trị các đối tượng gây tội ác với trẻ cũng như đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục của trẻ.
Trong thông báo chung đưa ra hồi đầu tháng, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về trẻ em và xung đột vũ trang, bà Virginia Gamba, ILO và quỹ từ thiện War Child cho rằng các nước cần đặt nhu cầu của trẻ làm trọng tâm trong các kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, bà Gamba cũng nhấn mạnh sự cấp thiết của việc đưa ra các chương trình giúp trẻ em tái hòa nhập, đồng thời kêu gọi hỗ trợ các sáng kiến của cộng đồng và các tổ chức hoạt động ở tuyến đầu.
Tuy nhiên, theo cố vấn tái hòa nhập tại War Child, bà Sandra Olsson, việc gây quỹ hỗ trợ trẻ em vẫn là một thách thức lớn. Một số chương trình tái hòa nhập hiện nay chỉ nhận được tài trợ trong 12 tháng hoặc thậm chí ngắn hơn. Điều này gây khó khăn đối với việc đạt được mục tiêu phục hồi và xây dựng hành động chung của cộng đồng./.