Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 1.516 khu tập thể có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954. Hầu hết những khu tập thể này đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm tới cuộc sống của người dân.
Nguy cơ hỏa hoạn luôn “rình rập”
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, bên trong các khu tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng tại khu vực quân Hai bà Trưng, Hoàng Mai, Đống Đa thiếu các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy.
Điển hình tại khu tập thể trên phố Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng, Hà Nội), được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, hiện nay có hơn 700 hộ dân đang sinh sống trong điều kiện cở sở vật chất đã xuống cấp.
Hệ thống điện chằng chịt, có nguy cơ xảy ra chập cháy cao là một trong những mối nguy treo lơ lửng trên đầu những người dân sống tại đây. Mặc dù hệ thống báo cháy đã cũ kỹ, thậm chí không còn hoạt động nhưng tại khu vực hành lang của khu tập thể không hề thấy sự xuất hiện của phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình cứu hỏa, hộp cứu hỏa và vòi nước.
Ở đầu cầu thang, những bảng biển tuyên truyền, hướng dẫn khi có hỏa hoạn chỉ mang tính chất minh họa đã bám bụi. Không những thế, ngay phía dưới những tấm biển đó lại trở thành nơi người dân đốt vàng, mã.
Trong khi đó, thời gian gần đây, trên địa bàn Thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy nổ gây ra hậu quả nghiêm trọng về người và của. Điều này cũng khiến cho người dân không khỏi lo lắng.
Trao đổi với phóng viên, anh Trung sống tại khu tập thể H4 trên đường Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Hiện tại nơi ở của chúng tôi có nhận được sự tuyên truyền từ chính quyền địa phương về đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ tuy nhiên về thực tế thì chưa có các hành động cụ thể." Anh cho biết thêm, gia đình mình tự mua bình cứu hỏa phòng trường hợp có hỏa hoạn trong nhà, và sửa lại chuồng cọp để lấy lối thoát hiểm.
Cô Thanh- 60 tuổi sống tại tòa H5 khu tập thể trên đường Nguyễn Công Trứ cho biết tại khu vực này điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, trời mưa tường nhà rất ẩm bên cạnh những đường điện chằng chịt. Cô e ngại nếu xảy ra chập cháy điện sẽ không biết xử lý như thế nào vì duy nhất chỉ có một lối thoát hiểm là cầu thang chung và chưa được tập huấn khi có hỏa hoạn.
Tương tự, khu tập thể trên phố Phương Mai (Đống Đa Hà Nội) đã qua hơn 60 năm sử dụng, tại đây tình trạng mất an toàn về phòng cháy chữa cháy cũng không mấy khá hơn khi người dân “hồn nhiên” sử dụng khu vực cầu thang làm nơi đốt vàng mặc dù không có bất kì sự xuất hiện của phương tiện chữa cháy tại chỗ nào.
Hơn 200 hộ dân sống tại khu tập thể 4 dãy nhà 3 tầng trên đường Lê Hồng Phong được xây dựng từ những năm 1970 (Phường Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội) cũng ngay ngáy nỗi lo mỗi khi trời mưa xuống. Tường của khu tập thể luôn ngấm nước khi trời mưa, ngay dưới đó là hệ thống dây điện, hộp điện có nguy cơ chập cháy bất cứ lúc nào.
Theo số liệu của Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội, trên địa bàn thành phố có gần 2500 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực, trong đó có hơn 1500 chung cư, nhà tập thể cũ. Nhằm khắc phục các hạn chế, trong thời gian qua nhiều quận, huyện, cơ sở đã bố trí kinh phí, trang bị phương tiện báo cháy, chữa cháy... nhưng vẫn còn khoảng 85% cơ sở, phần lớn là chung cư, tập thể cũ chưa xây dựng kế hoạch, phương án khắc phục.
Những khu nhà tập thể, chung cư cũ thường tập trung trong các con ngõ nhỏ, chỉ rộng từ 1.5 - 3 mét không đủ để xe cứu hỏa vào chữa cháy khi có sự cố cháy nổ. Hơn nữa, cấu trúc nhà tập thể cũ không có lối thoát hiểm vì bị người dân tự bịt kín, hạn chế cứu hộ cứu nạn. Nguyên nhân dẫn đến cháy nổ đa phần được xác định là nổ khí ga do nấu nướng, hệ thống đường dây điện chằng chịt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy rất cao.
Cần chủ động trong công tác phòng ngừa cháy, nổ
Bài học từ các vụ hỏa hoạn tại các khu tập thể cũ thời gian gần đây tiếp tục báo động đối với người dân về tình trạng mất an toàn phòng cháy chữa cháy bởi hệ thống "chuồng cọp" chằng chịt, càng kiên cố bao nhiêu thì càng rủi ro cho các hộ dân bấy nhiêu. Khi có sự cố, người dân chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất là cầu thang chung của khu tập thể.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Đoàn Việt Bắc- Đội trưởng Đội cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Thời gian để ứng cứu các nạn nhân trông một vụ hỏa hoạn chỉ được tính bằng giây, hệ thống "chuồng cọp" cản trở rất nhiều đến công tác cứu nạn nếu có hỏa hoạn xảy ra." Các khu "chuồng cọp" này thường ở trên cao nên việc tiếp cận vừa khó khăn vừa tốn thời gian để cưa song sắt để đưa người bị nạn ra ngoài.
Chính vì vậy, theo ông Bắc, để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ tại các khu tập thể cũ, mỗi căn hộ cần dự kiến các tình huống thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; chủ động trang bị các dụng cụ trữ nước như xô thùng, vòi mềm dẫn nước để vừa phục vụ sinh hoạt hàng ngày vừa phục vụ chữa cháy khi cần thiết.
Mặt khác, các gia đình nên trang bị thêm các bình chữa cháy xách tay để nơi cố định, dễ thấy, dễ lấy và tập luyện cho người trong gia đình biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã trang bị; thực hiện việc bảo quản, sắp xếp đồ dùng ngăn nắp, đúng quy định, không lấn chiếm lối thoát nạn.
Đối với nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp.
Về hệ thống điện và thiết bị điện, người dân cũng cần lưu ý các giải pháp tính toán, thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống điện trong nhà bảo đảm tiêu chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật; lựa chọn dây dẫn điện có chất lượng cao, tiết diện phù hợp với khả năng chịu tải của thiết bị tiêu thụ điện…
Và trên hết, với tình trạng hỏa hoạn xảy ra trong thời gian qua, các hộ gia đình và các cấp chính quyền địa phương cần phải bắt tay ngay vào việc đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng cháy chữa cháy, nhất là tại các khu tập thể, chung cư cũ./