Báo động nạn phân biệt giới tính trong luật pháp nhiều quốc gia

Báo cáo của tổ chức nhân quyền quốc tế Equality Now cho hay hơn một phần tư các quốc gia trên thế giới có sự phân biệt giới tính trong luật quốc tịch, tước đi nhiều quyền lợi của phụ nữ.
Báo động nạn phân biệt giới tính trong luật pháp nhiều quốc gia ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: theguardian.com)

Hơn một phần tư các quốc gia trên thế giới có sự phân biệt giới tính trong luật quốc tịch, tước đi nhiều quyền lợi của phụ nữ về việc làm, giáo dục và các quyền lợi khác.

Báo cáo công bố ngày 25/1 của tổ chức nhân quyền quốc tế Equality Now cho hay sự phân biệt đối xử xảy ra dưới nhiều hình thức, từ buộc phụ nữ phải bỏ quốc tịch của chồng trong trường hợp ly hôn hoặc góa chồng hoặc không cho phép con cái nhận quốc tịch của mẹ.

Không có quốc tịch đồng nghĩa với nhiều khó khăn trong xin hộ chiếu hoặc giấy phép lao động, không có khả năng theo học các trường công lập hay đối mặt với nguy cơ bị trục xuất.

Báo cáo nêu rõ phân biệt giới tính vẫn tồn tại trong luật quốc tịch và quyền công dân tại hơn 50 quốc gia trên thế giới, bó buộc phụ nữ và gia đình của họ, khiến phụ nữ bị mắc kẹt trong các cuộc hôn nhân bạo hành hoặc không thể giành quyền nuôi con.

Theo báo cáo, hiện có 53 quốc gia có luật quốc tịch phân biệt đối xử, trong đó 20 quốc gia thuộc vùng hạ Sahara ở châu Phi và 16 ở Trung Đông và Bắc Phi. Ví dụ, ở Bahamas, Barbados và Mauritius, phụ nữ không thể truyền lại quyền công dân cho con nuôi như nam giới.

Tại Bahrain, Togo, Tunisia và Yemen, phụ nữ người nước ngoài nhập quốc tịch của chồng sẽ mất đi quốc tịch này nếu ly hôn.

Báo cáo cũng trích dẫn tiến bộ gần đây tại một số quốc gia, bao gồm Senegal và Suriname - hai nước đã thay đổi luật pháp để phụ nữ có quyền như nam giới trong chuyển quốc tịch cho con cái và bạn đời, và Vanuatu - nơi phụ nữ kết hôn với người nước ngoài giờ có thể chuyển quốc tịch cho chồng họ.

Equality Now, có văn phòng tại Nairobi, Amman, London và New York, tiến hành nghiên cứu với sự hỗ trợ của TrustLaw, một bộ phận của Quỹ Thomson Reuters./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục