Báo động gia tăng nạn buôn lậu, ném đá lên toa tàu

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nạn buôn lậu, ném đá lên toa tàu và ăn trộm thiết bị, kết cấu hạ tầng có xu hướng gia tăng.
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nạn buôn lậu trên toa tàu năm 2012 gia tăng và vẫn diễn biến phức tạp nhất là dịp cuối năm, tình hình an ninh trật tự trên tàu, dưới ga sẽ khó đảm bảo nếu nạn ném đất đá, chất bẩn lên tàu vẫn diễn ra hàng ngày, khiến hành khách bức xúc, lo lắng.

“An toàn chạy tàu còn đứng trước nguy cơ báo động khi kẻ gian vẫn trộm cắp vật tư thiết bị toa xe hay cố tình xâm hại kết cấu hạ tầng đường sắt như: Phụ kiện liên kết ray với tà vẹt và vật tư phụ kiện thông tin tín hiệu đường sắt…,” đại diện Tổng Công ty Đường sắt đánh giá.

Thông tin trên được đưa ra trong Hội nghị giao ban thực hiện quy chế phối hợp năm 2012 giữa Tổng cục An ninh, Tổng Cục Cảnh sát Phòng, chống Tội phạm (Tổng Cục VI), Tổng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII) và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tại Hà Nội ngày hôm 25/12.

Gia tăng buôn lậu trên 3 tuyến

Theo ông Ngô Việt Cường, Trưởng Ban An ninh quốc phòng (Tổng Công ty đường sắt Việt Nam), trong năm 2012, các lực lượng chức năng gồm đường sắt, công an đã phối hợp quy chế tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường sắt nên tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đã được ngăn chặn phần nào.

Tuy nhiên, ông Cường cũng thẳng thắn thừa nhận, số vụ buôn lậu qua ngành đường sắt có xu hướng gia tăng so với năm ngoái.

Cụ thể, trong năm 2012, các lực lượng trên cả nước đã phát hiện 18 vụ, tăng 6 vụ so cùng kỳ năm 2011.

“Các hành vi, vụ việc này chủ yếu diễn ra trên tuyến tàu chạy phía Tây, phía Bắc và trên các tuyến tàu Thống Nhất,” ông Cường tiết lộ.

Chứng minh vấn đề này, ông Cường đưa ra dẫn chứng cụ thể, trong ngày 22/10, trên đoàn tàu Thống Nhất TN1, tổ công tác trên tàu kiểm tra phát hiện 61 cây thuốc lá Jet không rõ nguồn gốc. Ngay lập tức, tổ tàu đã lâp biên bản  thu giữ và bàn giao tang vật cho ga giải quyết.

Một trường hợp khác là vào ngày 23/10, thấy nghi vấn từ một lô hàng, tổ trực tàu đã phối hợp với Đội 2 Cục cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt kiểm tra tàu SE19 thu giữ và đưa 1.920kg hàng hóa chưa rõ nguồn gốc về ga Đà Nẵng xác minh làm rõ.

Theo đánh giá của ông Phạm Công Trịnh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, diễn biến của việc buôn lậu còn khá phức tạp, nhất là vào dịp cuối năm.

“Nếu lực lượng chức năng không tăng cường tuần tra, kiểm soát thì đây sẽ là kẽ hở cho buôn lậu gia tăng,” ông Trịnh khẳng định.

Vẫn bó tay trước nạn ném đá
 
Theo báo cáo thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trong năm 2012, trên toàn quốc đã xảy ra 949 vụ ném đất đá lên tàu, làm vỡ 1.106 cửa kính các loại (tăng 227 vụ so với 2011).

Thực trạng này chủ yếu diễn ra ở các địa phương như Lào Cai, Phú Thọ, Nghê An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Tri, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Đồng Nai.

Phân tích, điều tra cho thấy, thời gian ném đá lên tàu thường tập trung vào các tháng cao điểm của chiến dịch vận tải Tết (tháng 1-2), và dịp hè (tháng 5-8).

“Đối tượng vi phạm thường là thanh thiếu niên. Có một thực tế là càng vào dịp học sinh được nghỉ lễ, nghỉ hè thì nạn ném đất đá và chất bẩn lên tàu lại gia tăng,” báo cáo Tổng Công ty Đường sắt nêu rõ.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của ngành đường sắt, an toàn chạy tàu còn đứng trước nguy cơ báo động khi kẻ gian vẫn trộm cắp vật tư thiết bị toa xe hay cố tình xâm hại kết cấu hạ tầng đường sắt như: Phụ kiện liên kết ray với tà vẹt và vật tư phụ kiện thông tin tín hiệu đường sắt…

Đại diện lãnh đạo Công ty vận tải toa xe khách Sài Gòn cho rằng, các tổ chạy tàu chưa có cơ chế báo cáo kip thời nên các đơn vị quản lý không nhận được thông tin để phản hồi.

“Ngoài ra, một phần lỗi để nạn ném đất đá diễn ra liên tục là do địa phương chưa coi trọng việc giáo dục và xử lý người dân, trong đó chủ yếu là trẻ em coi việc ném đất đá như trò chơi mà không ý thức được hậu quả để lại,” đại diện Công ty vận tải toa xe khách Sài Gòn nhìn nhận.

Nhằm đảm bảo an ninh trật tự trong dịp Tết sắp tới, ông Trịnh đặt ra yêu cầu, ngành đường sắt phải phối hợp chặt chẽ với các Tổng Cục chức năng liên quan của Bộ Công an, chính quyền địa phương có đường sắt đi qua tổ chức tốt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm trên địa bàn.

Ngoài ra, để phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại… ngành đường sắt cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương như công an, kiểm lâm, quản lý thị trường, thuế, hải quan./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục