Trong những ngày qua, dư luận cả nước xôn xao vì tình trạng các đối tượng chống người thi hành công vụ liên tiếp xảy ra. Cụ thể, ngày 17/7, Công an quận Tây Hồ đã bắt 4 đối tượng đấm vào mặt một Trung tá Công an. Cũng trong ngày, trong khi làm nhiệm vụ, Thượng úy Nguyễn Hồng Quân thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 4 đã bị một số đối tượng hành hung khi đang làm nhiệm vụ. Theo Thượng tá Trần Sơn, Phó Phòng hướng dẫn tuyên truyền luật giao thông, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt Việt Nam, cần phải có một chế tài đủ mạnh để hạn chế tình trạng này. Tăng cả số vụ và mức độ Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ-Đường sắt Việt Nam, chỉ trong vòng 6 tháng, tính từ 16/11 đến 15/5 trên địa bàn cả nước đã xảy ra 27 vụ chống đối Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. “Trong số này có 10 vụ xảy ra tại Hà Nội, 3 vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, 2 vụ tại Tuyên Quang và 2 vụ tại Ninh Bình. So với thời điểm cùng kỳ năm trước, đã tăng thêm 3 vụ,” Thượng tá Sơn cho hay. Trong toàn năm 2011, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 56 vụ, làm 18 đồng chí bị thương, cơ quan chức năng đã tiến hành bắt giữ 63 đối tượng bàn giao cho cơ quan điều tra xử lý. Riêng trên địa bàn Hà Nội xảy ra 27 vụ (chiếm 48,2%). Không chỉ tăng về số lượng, đáng lưu ý, tính chất của các vụ chống đối cũng ngày càng nghiêm trọng. Tính đến giữa tháng 5/2012, đã có 1 chiến sỹ hy sinh và 4 đồng chí khác đã bị thương. Thượng tá Trần Sơn, Phó Phòng hướng dẫn tuyên truyền luật giao thông, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt Việt Nam cho hay, đối tượng vi phạm luôn có suy nghĩ trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát cũng như việc xử lý của cơ quan chức năng. Khi vi phạm, họ dùng mọi biện pháp như xin xỏ, gọi điện cầu cứu nhằm tắc động, hối lộ công an để bỏ qua hành vi phạm lỗi. Khi không được đáp ứng, họ bắt đầu cản trở, hành hung đối với người thi hành công vụ. Vụ việc khiến dư luận bức xúc nhất phải kể đến trường hợp của đối tượng Phùng Hồng Phương. Ngày 9/4, Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Ba Vì - Hà Nội phát hiện xe khách loại 39 chỗ do Phương (37 tuổi, ngụ huyện Ba Vì) điều khiển vi phạm luật giao thông nên ra hiệu lệnh dừng xe.
Tính mạng của các chiến sỹ công an luôn bị đe dọa (Ảnh cắt từ clip ngày 9/4 tại Ba Vì)
Sau khi dừng xe, Phương đã lớn tiếng thách thức rồi nhảy lên buồng lái lao thẳng tới buộc trung úy Nguyễn Mạnh Phan phải bám vào cần gạt nước để tránh cú tông trực diện. Chưa dừng lại, Phương tiếp tục tăng tốc mặc cho trung úy Phan lơ lửng trước đầu xe trong suốt quãng đường hơn 1km. Với hành vi này, Phương đã bị khởi tố và tạm giam 2 tháng về tội “Chống người thi hành công vụ.” Không chỉ có lực lượng Cảnh sát giao thông mới gặp phải tình trạng chống người thi hành công vụ. Ngay cả lực lượng Cảnh sát cơ động có vũ trang, lực lượng cảnh sát liên ngành điển hình là các tổ công tác 141 cũng liên tiếp vấp phải sự phản ứng của các đối tượng.
Lực lượng 141 cũng vấp phải sự chống đối (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Điển hình là vào rạng sáng ngày 6/3/2011, tổ công tác thuộc Đại đội 1, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Hà Nội đang tuần tra trên đường Minh Khai thì bị ba thanh niên đi xe máy từ phía sau ập đến dùng dao chém thẳng vào người chiến sĩ Cao Thanh Tuấn. Tuy nhiên nhát chém này bị trượt, nhóm này không dừng lại mà tiếp tục nhảy vào chém các chiến sĩ khác, buộc một người trong tổ công tác phải nổ súng cảnh cáo chúng mới bỏ chạy. Hay như mới đây nhất, đêm ngày 17/7, tại thành phố Bắc Ninh, trong lúc truy đuổi xe vi phạm, Thượng sỹ Cảnh sát cơ động Trần Đăng Vỹ, sinh năm 1985 đã bị chính chiếc xe này tông tử vong. “Những đối tượng chống người thi hành công vụ thể hiện ý thức giao thông rất kém. Nhiều người còn tỏ ra vô cùng manh động, có hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng của các chiến sỹ đang thực hiện nhiệm vụ,” Thượng tá Sơn bình luận. Cần một chế tài đủ mạnh Điều khiến những người có trách nhiệm đau đầu nhất là độ tuổi của các đối tượng chống lại người thi hành công vụ ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Thống kê từ Cục Cảnh sát Đường bộ-Đường sắt Việt Nam cho hay, độ tuổi trung bình của nhóm đối tượng này hiện nay rơi vào khoảng từ 17-30. Đáng chú ý, nhóm đối tượng 17-25 chiếm phần lớn trong số này. “Đây cũng là một điểm đáng báo động khi có một bộ phận không nhỏ thanh niên xuống cấp đạo đức, không tôn trọng pháp luật,” Thượng tá Sơn bức xúc. Điều đáng nói, trong nhóm các đối tượng đang ngày càng trẻ hóa này, không ít người là học sinh, sinh viên, thậm chí viên chức Nhà nước. Nổi tiếng” nhất là vụ nhân viên hợp đồng của Bộ Ngoại giao tông trọng thương một sĩ quan Cảnh sát giao thông. Cụ thể, ngày 7/3, tại ngã tư Vọng (quận Thanh Xuân – Hà Nội), Vũ Lê Hoàng (sinh năm 1983, nhân viên hợp đồng của Bộ Ngoại giao) điều khiển xe máy chạy tốc độ cao và không đội mũ bảo hiểm.
Trung tá Nguyễn Đức Chung bị đối tượng đâm xe vào người (Ảnh cắt từ clip)
Khi Tổ Công tác đặc biệt Y1/141 ra tín hiệu dừng xe để xử lý thì Hoàng rú ga bỏ chạy. Thấy vậy, Trung tá Nguyễn Đức Chung ra ngăn lại và bị Hoàng lao thẳng xe vào người gây trọng thương. Một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng chống đối thậm chí hành hung cảnh sát, theo Thượng tá Sơn là do chúng ta chưa có một chế tài đủ mạnh để xử phạt. Thực tế, nhiều vụ việc, đối tượng mới chỉ bị khởi tố vì hành vi chống người thi hành công vụ mặc dù hành vi vi phạm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn và tính mạng của các cán bộ, chiến sỹ công an. Thậm chí, trong một số trường hợp, người vi phạm thậm chí chỉ bị phạt hành chính. Điển hình nhất phải kể đến vụ Nguyễn Thanh Sơn, sinh năm 1985 làm việc tại Cục Đăng kiểm - Bộ Giao thông vận tải tông thẳng vào Tổ Công tác đặc biệt Y1/141 và lạng lách, đánh võng trên một quãng đường dài. Đến phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, xe do Sơn điều khiển tông vào 2 mô tô của cảnh sát giao thông khiến 2 chiến sĩ bị thương. Tuy nhiên, Nguyễn Thanh Sơn chỉ bị xử phạt hành chính vì Công an quận Hoàn Kiếm cho rằng đối tượng này mới chỉ cản trở lực lượng công tác chứ chưa đến mức chống người thi hành công vụ.
Đâm xe khiến 2 CSGT bị thương, Sơn chỉ bị xử phạt hành chính (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
“Mức xử phạt chưa cao khiến cho trong nhiều trường hợp vẫn bị ‘nhờn’ thuốc,” Thượng tá Sơn phân tích. Để khắc phục điểm hạn chế này, vị Phó Phòng của Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ-Đường sắt Việt Nam cho hay, thời gian tới, Cục đã được giao nhiệm vụ lấy ý kiến các địa phương và xây dựng lại chế tài xử phạt trong Nghị định 34 sao cho mức xử phạt phù hợp và đủ sức răn đe. “Chúng tôi sẽ đề xuất những chế tài đặc thù ở những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chính Minh hay Bà Rịa Vũng Tàu… Bên cạnh đó, Cục cũng đề xuất xem xét tịch thu phương tiện các đối tượng vi phạm,” Thượng tá Sơn khẳng định. Dưới góc độ người thi hành công vụ, đưa ra các cách ứng xử phù hợp với từng đối tượng, Thượng tá Sơn cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt tổ chức tập huấn cho lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc nắm vững được chức năng, nhiệm vụ quyền hạn.” Cụ thể, đối với các đối tượng vi phạm hành vi hành chính nhẹ như không đội mũ bảo hiểm ở các tuyến đường đông người cố tình quay xe bỏ chạylạng lách đánh võng, lực lượng cảnh sát giao thông ghi nhận biển số xe phối hợp cảnh sát phía trước để xử lý đối tượng. Với các đối tượng hình sự đang bị truy nã, lực lượng kiên quyết tấn công, truy đuổi để bắt đối tượng vi phạm. Đồng thời, trong quá trình tuần tra, kiểm soát phải thực hiện đúng quy định của bộ công an, khi truy đuổi đối tượng vi phạm cảnh sát giao thông phải đảm bảo được đội hình. “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lưu ý nhắc nhở lực lượng công an thi hành công vụ phải điều chỉnh cách thức giao tiếp, ứng xử để có những kỹ năng giải quyết mâu thuẫn giữa người thực thi pháp luật và người vi phạm,” Thượng tá Sơn cho biết./.
Sơn Bách (Vietnam+)