Báo động công tác đảm bảo an toàn cho học sinh trong năm học mới

Báo động công tác an toàn cho học sinh trong năm học mới

Sau hàng loạt vụ việc sập cổng trường, tường rào, ngộ độc thực phẩm trong các trường học thời gian qua, lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành đã vào cuộc để đưa ra giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh.
Hiện trường vụ việc thương tâm tại phân hiệu Bản Phung, Trường tiểu học Khánh Yên Thượng. (Ảnh: TTXVN)
Hiện trường vụ việc thương tâm tại phân hiệu Bản Phung, Trường tiểu học Khánh Yên Thượng. (Ảnh: TTXVN)

Dù năm học mới chỉ bắt đầu được hai tuần, nhưng hàng loạt các vụ việc như ngộ độc thực phẩm, sập cổng trường… dẫn đến hàng trăm học sinh phải nhập viện, thậm chí tử vong đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác đảm an toàn trong trường học.

Ẩn họa ngay trong trường

Háo hức trong ngày đầu tiên trong đời được cắp sách đến trường, 7/9, nhưng không ai có thể ngờ đó cũng là ngày cuối cùng của em Vàng Thị Hồng T. khi chiếc cổng trường đổ sập, cướp đi mạng sống của em cùng hai học sinh khác. Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại phân hiệu Bản Phung, Trường tiểu học Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn, Lào Cai) ngay trong buổi học đầu tiên của năm học mới 2020-2021 khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng và lo ngại về an toàn trong trường học.

Cũng tại Lào Cai, ngày 10/9, trong buổi học chiều tại  Trường Tiểu học Kim Đồng, chiếc quạt trần trong lớp rơi xuống khiến một học sinh lớp 3 bị thương, phải cấp cứu tại bệnh viện.

Ngay sau đó, ngày 11/9, một học sinh lớp 5 của Trường tiểu học Nam Lộc (xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) cũng tử vong do bị tường rào trước cổng trường đổ sập đè vào người. Điều đáng buồn hơn nữa là lãnh đạo nhà trường cho hay đã biết bức tường hư hỏng nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chưa kịp sửa chữa.

[Các địa phương cần tổng kiểm tra sau sự cố sập cổng trường ở Lào Cai]

Không chỉ có các mối đe dọa từ cơ sở vật chất, học sinh còn phải chịu rủi ro từ các bữa ăn học đường. Dù mới mở lại trường được hai tuần nhưng đã có liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở bếp ăn bán trú.

Ngày 9/9, 22 học sinh Trường Tiểu học Tiên Dương (xã Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội) bị nghi ngờ nhiễm khuẩn đường ruột sau bữa ăn trưa ở trường, trong đó có 4 em phải nằm viện điều trị. Ngày 10/9, cũng ở huyện Đông Anh (Hà Nội), 11 học sinh Trường Tiểu học Lê Hữu Tựu (xã Nguyên Khê) có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm trong bữa ăn ở trường.

Ngày 11/9, bữa phụ với bánh su kem của Trường tiểu học Bình Trưng Đông (Thành phố Hồ Chí Minh) đã khiến cho 52 học sinh phải nhập viện với biểu hiện sốt, nôn ói, tiêu chảy; trong đó có 29 em phải truyền dịch. Theo thống kê của phụ huynh trường này, số học sinh có biểu hiện bất thường về sức khỏe sau bữa ăn bán trú lên đến 98 em.

Báo động công tác an toàn cho học sinh trong năm học mới ảnh 1Học sinh Trường Tiểu học Tiên Dương bị ngộ độc thực phẩm được theo dõi sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh. (Ảnh: Tuyết Mai/TTXVN)

Siết công tác bảo đảm an toàn trường học

Trước các vụ việc trên, ngành giáo dục các địa phương đã khẩn trương vào cuộc để có các biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ra công văn yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo tập trung kiểm tra công tác bảo đảm an toàn trong các nhà trường.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết với Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh kế hoạch liên tịch về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2022. Theo đó, Sở yêu cầu 100% các bếp ăn tập thể, căng-tin, đơn vị cung cấp bữa ăn học đường trong trường học thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm, có cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm. Sở cũng triển khai tập huấn cho các nhà trường vận hành hệ thống tự kiểm tra an toàn thực phẩm. Người quản lý, nhân viên trực tiếp chế biến thức ăn được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, không bị mắc các bệnh lý liên quan (tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp) khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu mỗi trường tổ chức một cuộc diễn tập điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm quy mô lớn. Nhà trường phải kiểm soát, đảm bảo thực phẩm cung cấp cho bếp ăn, học sinh có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Ban Quản lý An toàn thực phẩm sẽ kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong trường học theo quy định của pháp luật, kiểm tra đột xuất trong các đợt cao điểm.

Về vấn đề cơ sở vật chất, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường quản lý an toàn kết cấu công trình trên cả nước, đặc biệt là các công trình trường học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng xây dựng các trường học; kiểm tra việc cải tạo các công trình trường học đã xuống cấp. "Đặc biệt, Bộ đề nghị các địa phương kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn theo quy định khi chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp," ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục