Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với lãnh đạo và các tác giả, nhóm tác giả đạt giải của Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Báo Điện tử VietnamPlus được xướng tên tại Giải thưởng về thông tin đối ngoại

Với loạt bài về chiến lược đào tạo cán bộ, nhóm tác giả Báo Điện tử VietnamPlus đã giành Giải Nhì tại Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ X.

Tại Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ X, Báo Điện tử VietnamPlus đã giành Giải Nhì với loạt bài “70 năm Hiệp định Geneva: Giá trị thời đại từ bài học chiến lược đào tạo cán bộ” của nhóm tác giả Trần Long, Minh Thu, Minh Anh.

Lễ trao giải đã diễn ra long trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tối 3/12. Đến dự có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Nguyễn Trọng Nghĩa; các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản cùng các tác giả đoạt giải.

Trải qua 10 năm, Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin đối ngoại nhận về hơn 10.000 tác phẩm ở 18 ngữ, tiếp tục khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc có ngày có càng nhiều sự tham gia của tác giả quốc tế cho thấy giá trị lan tỏa mạnh mẽ và uy tín của quốc gia cũng như giải thưởng.

Với gần 1.300 tác phẩm dự thi ở 10 hạng mục, Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X tiếp tục thu hút được sự quan tâm, tham gia từ các tác giả trong và ngoài nước.

Qua hai vòng chấm Sơ khảo và Chung khảo, Hội đồng Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ X đã quyết định trao giải cho 109 tác phẩm, sản phẩm xuất sắc gồm: 10 Giải Nhất, 20 Giải Nhì, 30 Giải Ba và 49 Giải Khuyến khích.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại phát biểu tại lễ trao giải. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Phát biểu tại lễ trao giải, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại khẳng định vai trò quan trọng của nhiệm vụ thông tin đối ngoại, đặc biệt trong giai đoạn mới - Kỷ nguyên Vươn mình của dân tộc.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo 3 nội dung để giải thưởng tiếp tục làm thật tốt trong tương lai, bao gồm: Nhiệm vụ thông tin đối ngoại phải giữ vững vị trí đi đầu, gắn chặt với chỉ đạo của Đảng và chính phủ một cách hiệu quả, nhanh nhạy và mới mẻ, không chỉ phản ánh mà còn mang tính dự báo, đẩy mạnh quan hệ với các nước và đối tác, tạo thuận lợi cao nhất cho sự phát triển của đất nước.

Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo là đẩy mạnh sáng tạo trong quảng bá Việt Nam, nắm rõ sức mạnh dân tộc; đẩy mạnh sáng tạo trong quảng bá Việt Nam ra thế giới, viết lên câu chuyện Việt Nam trong thời đại mới. Quan trọng không kém là sự tham gia của các bạn trẻ trong công cuộc quảng bá đất nước ra quốc tế, khẳng định những giá trị đẹp đẽ của dân tộc.

Báo Điện tử VietnamPlus giành Giải Nhì

Báo Điện tử VietnamPlus đã giành Giải Nhì với tác phẩm “70 năm Hiệp định Geneva: Giá trị thời đại từ bài học chiến lược đào tạo cán bộ” của nhóm tác giả Trần Long, Minh Thu, Minh Anh.

Tác phẩm gồm 4 bài: Cuộc dịch chuyển lịch sử của 32.000 học sinh miền Nam ra đất Bắc; Những cánh chim phương Nam trưởng thành trong tổ ấm đất Bắc; Từ ‘vườn ươm’ của Bác, những ‘hạt giống đỏ’ vươn mình phụng sự Tổ quốc; Bài học về công tác đào tạo cán bộ nhìn từ chiến lược giáo dục thời đại Hồ Chí Minh.

Tất cả được trình bày dưới dạng long-form dày dặn về mặt thông tin, sinh động về hình thức trình bày, kết hợp nội dung văn bản, đồ họa, video clip.

Tập thể tác giả đoạt giải Nhì, nhà báo Đỗ Minh Thu (thứ tư từ trái sang) đại diện nhóm tác giả của Báo Điện tử VietnamPlus nhận giải thưởng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Đại diện nhóm tác giả, nhà báo Minh Thu cho hay loạt bài được thực hiện dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo tòa soạn về tuyến thông tin kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva (21/7/1954-21/7/2024), 70 năm trường học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ chủ trương đưa học sinh là con em cán bộ, chiến sỹ, đồng bào miền Nam ra miền Bắc học tập với tầm nhìn chiến lược là xây dựng lực lượng cán bộ kế cận cho cách mạng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhận định rằng việc đưa con em cán bộ, chiến sỹ và đồng bào miền Nam ra Bắc học tập không chỉ thể hiện tầm nhìn sáng suốt mà còn thể hiện tình cảm hết sức sâu nặng của Trung ương Đảng, của Bác Hồ và nhân dân miền Bắc đối với đồng bào miền Nam. Hơn thế, việc làm này có ý nghĩa: Nước Việt Nam là một thể thống nhất, trong lòng miền Bắc có con em miền Nam.

Trong suốt 21 năm (1954-1975), hơn 32.000 học sinh miền Nam đã lần lượt theo xe bộ đội, đi tàu thủy, máy bay, đi bộ vượt dãy Trường Sơn… ra miền Bắc học tập. Bộ Giáo dục và các bộ ngành liên quan được giao nhiệm vụ xây dựng những trường nội trú "thuận tiện giao thông, gần Hà Nội, gần Hồ Chủ tịch, gần Chính phủ" dành riêng cho học sinh miền Nam ăn học.

Chùm bài của nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus giành Giải Nhì.

Các bài viết nhìn lại bối cảnh lịch sử, tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng về việc thành lập hệ thống trường miền Nam trên đất Bắc; quá trình nuôi dạy, chăm sóc các em học sinh; những tâm tư tình cảm tuổi học trò của thiếu nhi miền Nam lớn lên trong vòng tay thầy cô giáo và đồng bào miền Bắc; khi trưởng thành học sinh miền Nam nhiều người trở lại quê hương, đấu tranh cách mạng, một số ở lại miền Bắc làm việc hoặc ra nước ngoài học tiếp.

Cuối cùng, loạt bài nhìn nhận giá trị, ý nghĩa chiến lược của trường miền Nam trên đất Bắc, tầm nhìn xa trông rộng của Bác Hồ và Trung ương Đảng, từ đó soi chiếu đến công tác đào tạo cán bộ ngày nay.

“Bài học từ chiến lược giáo dục đào tạo năm 1954 vẫn đầy tính thiết thực trong bối cảnh hội nhập hiện nay: Theo Quy định số 144 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, Đảng viên trong giai đoạn mới, chính đạo đức cách mạng sẽ là vũ khí sắc bén, giúp cán bộ vượt qua mọi thách thức, cám dỗ, đẩy lùi mọi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,” nhà báo Minh Thu chia sẻ.

Dấu ấn TTXVN tại giải thưởng đối ngoại

Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực quốc gia với 18 giải thưởng ở tất cả các loại hình, bao gồm 2 Giải Nhất, 4 Giải Nhì, 6 Giải Ba và 6 Giải Khuyến khích.

Ở hạng mục Báo điện tử tiếng nước ngoài, tác phẩm “Việt Nam hướng tới khuôn khổ hợp tác kinh tế mới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng và lợi ích của người dân” của nhóm tác giả Trịnh Linh Hà-Phan Hồng Nhung, Ban biên tập tin Đối ngoại giành Giải Nhất.

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện tác phẩm, nhà báo Trịnh Linh Hà cho hay loạt bài phân tích cơ hội và thách thức của Việt Nam khi tham gia quá trình thảo luận Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF), một cơ chế hợp tác đa phương hoàn toàn mới do Hoa Kỳ khởi xướng vào tháng 5/2022, tập trung vào bốn trụ cột hợp tác chính: Thương mại, chuỗi cung ứng, kinh tế sạch, và kinh tế công bằng.

Tập thể tác giả đoạt giải Nhất, trong đó Thông tấn xã Việt Nam vinh dự giành 2 giải. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Loạt bài làm rõ những nội dung trên thông qua phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong lễ công bố khởi động thảo luận về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF) được tổ chức vào tháng 5/2022 tại Tokyo (Nhật Bản) cũng như phỏng vấn nhiều chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế.

“Ngay sau khi được đăng tải trên Báo Điện tử VietnamPlus và chia sẻ trên trang thông tin của Tố chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA), tác phẩm đã được đăng tải lại trên nhiều báo, trang thông tin điện tử và mạng xã hội, góp phần lan tỏa đến cộng đồng quốc tế về đất nước Việt Nam hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc thúc đẩy các hợp tác kinh tế khu vực và thế giới nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân,” nhà báo Linh Hà cho hay.

Thay mặt nhóm tác giả Báo Le Courrier du Vietnam nhận Giải Nhất cho tác phẩm “Điện Biên Phủ: 70 năm lịch sử hào hùng và một Điện Biên anh hùng, đổi mới,” nhà báo Bùi Phương bày tỏ sự xúc động và tự hào.

Đại diện nhóm tác giả Báo Le Courrier du Vietnam (Thông tấn xã Việt Nam) nhận giải. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

“Đây là chuyên đề gồm 10 bài viết đa dạng về thể loại, từ bình luận, phản ánh, phóng sự, phỏng vấn, phóng sự ảnh, megastory, đến thông tin đồ họa… với nội dung thông tin đắt giá chắt lọc từ một khối lượng tư liệu đồ sộ, các buổi gặp gỡ, phỏng vấn chuyên gia Pháp và Việt Nam, và đặc biệt là từ hai chuyến đi công tác của nhóm tác giả tại hai tỉnh Bắc Giang và Điện Biên,” nhà báo Bùi Phương chia sẻ.

Tác phẩm nêu bật ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần đại đoàn kết dân tộc là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng thời thông tin, phân tích những thành tựu kinh tế-xã hội của tỉnh Điện Biên.

Một tờ báo tiếng nước ngoài khác của Thông tấn xã Việt Nam là Việt Nam News cũng đạt thành tích cao tại Giải thưởng năm nay với 4 tác phẩm đoạt giải, trong đó, chùm video “Tinh hoa làng nghề Việt” giành Giải Nhì.

Đại diện nhóm tác giả Ban Biên tập Tin Đối ngoại (Thông tấn xã Việt Nam) nhận giải Nhất. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Tác phẩm không chỉ ghi lại những kỹ thuật thủ công tinh xảo mà còn truyền tải những câu chuyện về sự kiên trì, nỗ lực vượt khó, lòng đam mê và tình yêu nghề cháy bỏng của các nghệ nhân. Mỗi sản phẩm thủ công là một phần của di sản văn hóa Việt, chứa đựng tinh hoa và trí tuệ của nhiều thế hệ.

“Tác phẩm góp phần mang đến với thế giới hình ảnh một Việt Nam giàu truyền thống với các làng nghề và các nghệ nhân tài năng, sáng tạo; góp phần phát triển du lịch, tăng cường giao lưu văn hóa, quảng bá và nâng cao hình ảnh đất nước với bạn bè quốc tế, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước,” đại diện nhóm tác giả - nhà báo Kiều Trinh cho biết.

Đánh giá về vai trò của Thông tấn xã Việt Nam tại giải thưởng, ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Trưởng Ban Chuyên trách Ban Chỉ đạo công tác Thông tin đối ngoại Trung ương khẳng định: “Trong số các tác phẩm tham gia Giải thưởng ở hạng mục báo in, báo điện tử tiếng nước ngoài thì Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục là cơ quan có nhiều tác phẩm gửi tham dự nhất. Điều này khẳng định vị thế đi đầu của Thông tấn xã Việt Nam trong vai trò là một cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực.”

“Với các ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, Thông tấn xã Việt Nam có số lượng bài vượt trội, đặc biệt chất lượng. Hai giải cao ở hạng mục báo in, báo điện tử tiếng nước ngoài năm nay thuộc về Thông tấn xã Việt Nam chính là sự ghi nhận cho những nỗ lực cống hiến, sáng tạo của lực lượng phóng viên báo chí Thông tấn xã Việt Nam trong thực hiện công tác thông tin đối ngoại năm qua,” ông Nguyễn Quế Lâm chia sẻ./.

Tác phẩm “Vì Việt Nam, Cuba nguyện hiến dâng cả máu của mình – Mối quan hệ thủy chung, trong sáng Việt Nam-Cuba cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai” của nhóm tác giả Ban biên tập Ảnh.

Các tác phẩm giành Giải Nhất tại Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ X

“Một năm 2023 thành công rực rỡ của ngoại giao Việt Nam” của tác giả Nguyễn Đăng Khoa; Báo Nhân Dân

“Giải mã văn hóa Đông Sơn” của Giáo sư-Tiến sỹ Trịnh Sinh, kỹ sư Nguyễn Văn Kính; Nhà xuất bản Thế Giới

MV “Kenny G-Going Home” của Báo Nhân Dân, IB Group Việt Nam

Giới thiệu một số cuốn sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng tiếng nước ngoài; Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

“Sứ mệnh hòa bình mang tên Việt Nam” của nhóm tác giả Trần Thị Loan, Nguyễn Ngọc Trung; Phòng tiếng Pháp, Ban Đối ngoại, Đài Tiếng nói Việt Nam

“Điện Biên Phủ-Nhìn từ nước Pháp” của nhóm tác giả Ban Truyền hình Đối ngoại (VTV4), Đài Truyền hình Việt Nam

Loạt bài “Điểm hẹn Việt Nam” của nhóm tác giả Nguyễn Hải Đường, Lê Tuấn Anh, Ngô Hương Sen (Khánh Lam), Nguyễn Thị Thơ (Anh Thơ), Hồ Cúc Phương (Huyền Nga); Báo Nhân Dân

“Dấu chân công nghệ Việt đi ra biển lớn” của nhóm tác giả Lê Thị Hồng Vân (Thảo Lê), Trương Thị Bích Ngọc (Thiên Lam), Nguyễn Thị Uyên (Thi Uyên); Báo Nhân Dân

“Điện Biên Phủ: 70 năm lịch sử hào hùng và một Điện Biên anh hùng, đổi mới” của nhóm tác giả Bùi Phương (Bùi Phương), Cao Thị Hoàng Hoa (Hoàng Hoa, Hoàng Lan, Xuân Lộc), Phan Thị Vân Anh (Vân Anh); Báo Le Courrier du Vietnam, Thông tấn xã Việt Nam

“Việt Nam hướng tới khuôn khổ hợp tác kinh tế mới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng và lợi ích của người dân” của nhóm tác giả Trịnh Linh Hà, Phan Hồng Nhung; Ban biên tập tin Đối ngoại, Thông tấn xã Việt Nam

Các tác phẩm của Thông tấn xã Việt Nam đoạt giải:

Giải Nhất

“Điện Biên Phủ: 70 năm lịch sử hào hùng và một Điện Biên anh hùng, đổi mới” của nhóm tác giả Bùi Phương (Bùi Phương), Cao Thị Hoàng Hoa (Hoàng Hoa, Hoàng Lan, Xuân Lộc), Phan Thị Vân Anh (Vân Anh); Báo Le Courrier du Vietnam

“Việt Nam hướng tới khuôn khổ hợp tác kinh tế mới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng và lợi ích của người dân” của nhóm tác giả Trịnh Linh Hà, Phan Hồng Nhung; Ban biên tập tin Đối ngoại

Giải Nhì

“70 năm Hiệp định Geneva: Giá trị thời đại từ bài học chiến lược đào tạo cán bộ” của nhóm tác giả Trần Ngọc Long, Đỗ Minh Thu, Đoàn Minh Anh; Báo Điện tử VietnamPlus

“Âm hưởng bản hùng ca” của nhóm tác giả Trần Phương Hà (Phương Hà), Đào Diệu Hương (Diệu Hương), Trương Phi Hùng (Phi Hùng); Ban biên tập tin Đối ngoại

Chùm video “Tinh hoa làng nghề Việt” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Kiều Trinh, Nguyễn Thị Minh Phương, Cao Thị Ly Ly, Ngô Hà Hải Anh, Trần Khánh An, Paul Kennedy, Nguyễn Thị Thanh Nga, Ngô Đức Mạnh, Trịnh Trần Huyền Trang; Báo Việt Nam News

“Vì Việt Nam, Cuba nguyện hiến dâng cả máu của mình – Mối quan hệ thủy chung, trong sáng Việt Nam-Cuba cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai” của nhóm tác giả Bùi Cương Quyết, Phan Nhật Anh, Lê Thanh Tùng; Ban biên tập Ảnh

Giải Ba

“Triển vọng và động lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam” của nhóm tác giả Trịnh Linh Hà, Nguyễn Thị Ngọc Thúy; Ban biên tập tin Đối ngoại

“Tự do tôn giáo ở Việt Nam-Sự thật không thể phủ nhận” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Lê Hương, Nguyễn Thị Minh Phương, Đinh Vũ Nhật Hồng, Nguyễn Việt Dũng, Nguyễn Xuân Đăng, Paul Kennedy, Nguyễn Minh Dũng; Báo Việt Nam News

“Bài hát Bonjour Vietnam vang lên giữa đồi A1-Điện Biên Phủ” của tác giả Bùi Lâm Khánh, Ban biên tập Ảnh

“Theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước Anh” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Minh Hợp, Hà Tuấn Phong, Nguyễn Hải Vân, Hoàng Lan Anh; Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Vương quốc Anh

“Việt Nam-Khát vọng hòa bình” của nhóm tác giả Lê Thị Bảo Ngọc, Amiad Horowitz, Nguyễn Văn Bình, Phạm Phương Anh, Trần Vũ Quang, Đào Kiên Trung; Truyền hình Thông tấn

"70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - vang mãi bản hùng ca" của tác giả Nguyễn Á; Nhà xuất bản Thông tấn

Giải Khuyến khích

“Nghề truyền thống Việt” của tác giả Trần Thế Phong; Nhà xuất bản Thông tấn

“Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: Khép lại quá khứ, hướng đến tương lai” của nhóm tác giả Trần Trọng Kiên, Vũ Khánh Linh; Báo Việt Nam News

“ESG: Biến cam kết thành hành động” của nhóm tác giả Lê Thị Mai Hương, Cao Thị Ly Ly, Đinh Thị Mai Linh, Đỗ Lê Ngọc Bích; Báo Việt Nam News

“Dấu ấn phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền Việt Nam” của nhóm tác giả Trần Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Tươi, Trịnh Thông Thiện, Trần Công Đạt, Nguyễn Bá Luân; Báo ảnh Việt Nam

“Huế - Di sản Cố đô trong dòng chảy hiện đại” của nhóm tác giả Kiều Hà Phương Thảo, Vũ Thị Dung, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Đặng Thanh Hòa, Nguyễn Đăng Tiến; Báo ảnh Việt Nam

“Ngoại giao cây tre nâng tầm vị thế Việt Nam” của nhóm tác giả Đào Diệu Hương, Lý Hồng Hoa, Cù Bảo Trung, Hà Thị Thanh Hà, Lương Mai Phương; Ban biên tập tin Đối ngoại

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục