Bảo đảm tối đa lợi ích khi giải quyết tranh chấp theo Hiệp định EVIPA

Các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định EVIPA nhằm đảm bảo tối đa lợi ích của Việt Nam.
461/462 Đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 8/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU).

Thể hiện thiện chí và quyết tâm chính trị của Việt Nam

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, pháp luật Việt Nam đã quy định đầy đủ, cụ thể về cơ chế công nhận, cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, nhưng chưa có quy định về thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết theo quy định của Hiệp định EVIPA.

Do vậy, việc trình Quốc hội ban hành văn bản để hướng dẫn áp dụng Điều 3.57 của Hiệp định (mỗi Bên sẽ công nhận phán quyết chung thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp (Phán quyết EVIPA) và cho thi hành các nghĩa vụ tài chính theo Phán quyết đó trên lãnh thổ của mình) là phù hợp với Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và cần thiết cho việc thi hành kịp thời Hiệp định ngay sau khi có hiệu lực, đồng thời bảo đảm tính khả thi, thống nhất, ổn định của hệ thống pháp luật.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết này bảo đảm tối đa lợi ích của Việt Nam, tránh mở rộng cam kết cho các đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định; bảo đảm tính khả thi, ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam về công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết riêng để bảo đảm công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.

Việc ban hành Nghị quyết là phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Điều ước quốc tế. Đồng thời, việc Quốc hội Việt Nam xem xét thông qua Nghị quyết thể hiện thiện chí và quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc thực hiện Hiệp định EVIPA, tăng cường sự tin cậy, thúc đẩy các nước thành viên Liên minh châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp định.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ủy ban Tư pháp cho rằng, nội dung dự thảo Nghị quyết cơ bản đáp ứng mục tiêu, quan điểm xây dựng Nghị quyết như trong Tờ trình của Chính phủ, bảo đảm tính khả thi, ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Dự thảo Nghị quyết đã xác định về nguyên tắc thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong việc áp dụng pháp luật để công nhận và cho thi hành phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA tại Việt Nam trong các trường hợp: Bị đơn là Nhà nước Việt Nam và nguyên đơn là nhà đầu tư của Liên minh châu Âu hoặc nhà đầu tư của các nước thành viên Liên minh châu Âu; bị đơn là Liên minh châu Âu hoặc các nước thành viên Liên minh châu Âu có tài sản ở Việt Nam và nguyên đơn là nhà đầu tư của Việt Nam.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp đề nghị cân nhắc quy định: "Trong trường hợp người được thi hành phán quyết có yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết tại Việt Nam, Tòa án Việt Nam ra quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết tại Việt Nam theo thủ tục do Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết" (khoản 2, khoản 3 Điều 2 dự thảo Nghị quyết).

Theo cơ quan thẩm tra, Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam chỉ làm thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam trong trường hợp bị đơn là EU hoặc các nước thành viên của EU có tài sản ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, quy định tại Điều 3.57 của Hiệp định đã đủ rõ, cụ thể để có thể áp dụng các quy định có liên quan của pháp luật trong nước. Khoản 2 Điều 3.57 Hiệp định quy định: "Mỗi bên sẽ công nhận phán quyết chung thẩm được ban hành phù hợp với Mục này là ràng buộc và cho thi hành các nghĩa vụ về tài chính trên lãnh thổ của mình tương tự như phán quyết chung thẩm của Tòa án bên đó."

"Như vậy, việc công nhận và cho thi hành phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp theo EVIPA sẽ được áp dụng có tính chất tương tự như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam và việc thi hành phán quyết được thực hiện theo thủ tục thi hành án dân sự. Do đó, dự thảo Nghị quyết cần quy định rõ để tránh hiểu là Tòa án nhân dân tối cao phải ban hành thủ tục riêng để công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo EVIPA. Hơn nữa, việc quy định trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết này tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết cũng đã bao hàm nội dung này," Chủ nhiệm Lê Thị Nga nêu rõ.

Cân nhắc việc không bị kháng nghị

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí với tên gọi và phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết đồng thời phân tích, cho ý kiến cụ thể về một số vấn đề cụ thể.

Đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) nêu vấn đề, theo khoản 4, điều 2 dự thảo Nghị quyết, quyết định của tòa án Việt Nam về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định thì sẽ không bị kháng cáo, kháng nghị.

[Phê chuẩn EVFTA, EVIPA: Bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập]

Đại biểu cho rằng, không bị kháng cáo có thể được nhưng cần cân nhắc việc không bị kháng nghị; việc này liệu có vi phạm về thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam không?

Theo đại biểu, không thể tước đi quyền kháng nghị của Viện Kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trong trường hợp tòa án Việt Nam không công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.

Đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ rõ, phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA về bản chất không phải phán quyết của trọng tài nước ngoài, mà chỉ là phán quyết của cơ quan thường trực trọng tài nước ngoài.

Nếu xử sự không khéo thì sẽ có tác động mạnh mẽ tới hiệp định bảo hộ đầu tư. Do đó, đại biểu đề nghị, Tòa án nhân dân Tối cao cần phối hợp với các cơ quan liên quan tổng kết việc thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài theo Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài. Qua đó, rút ra những điểm cần thiết đối với dự thảo Nghị quyết này.

Đại biểu cũng đề nghị, Tòa án nhân dân Tối cao thành lập bộ phận chuyên trách, phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài ngành tòa án, nhằm nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, các đại biểu Quốc hội nhất trí với việc Nghị quyết sẽ có hiệu lực kể từ ngày Hiệp định EVIPA có hiệu lực.

Đối với một số vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận sáng nay, Ủy ban Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan nhằm tiếp thu, nghiên cứu, báo cáo Quốc hội khi trình dự thảo Nghị quyết ra Quốc hội xem xét phê chuẩn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục