Bảo đảm tính khả thi đối với dự án Luật Thi hành án hình sự sửa đổi

Nhiều đại biểu Quốc hội chia sẻ với những khó khăn của ban soạn thảo trong việc xây dựng các quy định về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 19/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Bảo đảm chất lượng và tính khả thi

Các đại biểu nhấn mạnh đây là dự án Luật rất quan trọng nhằm bảo đảm thực thi Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các đạo luật khác về tư pháp; bảo đảm thực thi các phán quyết của Tòa án trên thực tế.

Bên cạnh đó, dự án Luật Thi hành hình sự (sửa đổi) có tính chất phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, tác động trực tiếp đến đời sống, an ninh xã hội. Vì vậy, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng), Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An)... đề nghị xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình 3 kỳ họp, nhằm bảo đảm chất lượng và tính khả thi.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) nêu rõ nếu theo quy trình 3 kỳ họp thì đến năm 2019 dự án Luật mới được thông qua và sớm nhất là đến tháng 12/2019 mới có hiệu lực.

Trong khi đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, tức là trong vòng 2 năm sẽ không có cơ sở pháp lý để tổ chức thi hành các nội dung mới của Bộ luật Hình sự như thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại…

Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, có giải pháp xử lý phù hợp, tránh tình trạng thiếu cơ sở pháp lý để thi hành các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

Dự thảo Luật bổ sung quy định: “Căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.”

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định này. Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) cho rằng việc tổ chức lao động cho phạm nhân là nhằm giáo dục, cải tạo cho phạm nhân, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình quản lý, giam giữ và lao động cải tạo. Do đó, việc lao động của phạm nhân chỉ nên tổ chức trong trại giam, khu sản xuất, điểm lao động khu vực quản lý trại giam và thực tế việc này đã được thực hiện ổn định từ trước đến nay. Đại biểu đề nghị cho giữ như quy định của Luật Thi hành án hình sự hiện hành.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu rõ quy định như dự thảo Luật sẽ không phù hợp với mục đích của công tác tổ chức lao động cho phạm nhân và quy trình này tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ phạm nhân trốn trại rất cao, không đảm bảo an toàn, có thể phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự trong khu vực.

Đại biểu đề nghị cần đánh giá đầy đủ về tác động, làm rõ điều kiện cụ thể, tính khả thi để trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề cho phạm nhân bên ngoài trại giam.

Tuy nhiên, có ý kiến tán thành với quy định như trong dự thảo Luật và cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi hơn cho giải quyết việc làm, tiếp xúc xã hội cho phạm nhân, qua đó nâng cao hiệu quả lao động, ý nghĩa giáo dục thiết thực đối với phạm nhân.

[Biểu quyết 5 Luật và thảo luận dự án Luật Thi hành án hình sự sửa đổi]

Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), việc tổ chức cho phạm nhân lao động sản xuất bên ngoài trại giam trong thời điểm hiện nay là cần thiết. Bởi khi phạm nhân có điều kiện làm quen với công việc lao động sản xuất gần với môi trường ngoài xã hội thì sau khi ra tù, họ sẽ nhanh chóng tiếp cận việc làm. Đó là điều kiện rất quan trọng để phạm nhân có thể sớm tái hòa nhập cộng đồng, giảm bớt sự mặc cảm, tự ti.

Bên cạnh đó, mức chi chế độ giam giữ, ăn ở, lao động, học tập cho người chấp hành án phạt tù hiện nay chỉ mới ở mức tối thiểu, bảo đảm nhu cầu cơ bản nhất cho phạm nhân. Vì vậy, việc phạm nhân được lao động, sản xuất, nhất là sản xuất ở bên ngoài trại giam thì sẽ sản xuất được những mặt hàng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện cuộc sống cho chính phạm nhân, giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các trại giam.

Đặc biệt, việc tổ chức cho phạm nhân lao động và sản xuất bên ngoài trại giam trong một số trường hợp phạm nhân có thể có việc làm ngay tại chính doanh nghiệp đó sau khi mãn hạn tù.

Để thực hiện tốt chế định mới này, đại biểu lưu ý, không áp dụng đại trà mà chỉ áp dụng đối với những phạm nhân sắp được mãn hạn tù, có ý thức cải tạo tốt, còn trong độ tuổi lao động, có sức khỏe; không áp dụng đối với những phạm nhân phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, thuộc những loại tội như buôn bán ma túy, giết người, cướp tài sản và những phạm nhân có ý thức cải tạo kém.

Cơ sở giam giữ phải chịu trách nhiệm trong việc tổ chức phối hợp với doanh nghiệp khi đưa phạm nhân ra lao động bên ngoài, nếu không bảo đảm các điều kiện và không đủ khả năng kiểm soát phạm nhân thì không được tổ chức cho phạm nhân ra ngoài lao động.

Ngoài ra, phạm nhân phải được trả thù lao, được ký hợp đồng lao động, được bảo đảm an toàn, có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các quản giáo theo quy định của Công ước quốc tế về lao động mà Việt Nam là thành viên; làm việc ở khu lao động tập trung và dành riêng cho phạm nhân.

Nhiều quy định còn chung chung, khó áp dụng

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội chia sẻ với những khó khăn của ban soạn thảo trong việc xây dựng các quy định về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại.

Theo đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An), thi hành án hình sự với pháp nhân thương mại là nội dung mới, thiếu cơ sở tổng kết, đánh giá tác động; việc xây dựng các quy định rất khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay các quy định trong dự thảo Luật về vấn đề này còn chung chung, chủ yếu dừng lại ở phân công mà chưa lường hết tình huống sẽ xảy ra trong thực tiễn.

Đại biểu dẫn chứng, dự thảo Luật quy định Cơ quan thi hành án hình sự phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước triệu tập người đại diện của pháp nhân thương mại để thông báo Quyết định thi hành án; tuy nhiên chưa quy định trong trường hợp người đại diện pháp nhân thương mại không đến, cố tình trốn tránh thì xử lý thế nào? Bên cạnh đó, tại các Điều 173, 177, 180, 184, 189 dự thảo Luật quy định trường hợp pháp nhân thương mại không chấp hành án thì sẽ xem xét ra quyết định cưỡng chế hoặc báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế; nhưng chưa đề cập thời gian để pháp nhân thương mại tự nguyện thi hành án là bao lâu? Ai là người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế trong trường hợp này?

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang cũng cho rằng ban soạn thảo cần có sự đánh giá bản chất của các hình phạt đình chỉ vĩnh viễn, đình chỉ có thời hạn, cấm kinh doanh. Theo đại biểu, đối với hình phạt đình chỉ có thời hạn và hình phạt cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015, về bản chất là như nhau, đều là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một số hoạt động, một số lĩnh vực. Chỉ khác nhau về thời hạn tạm dừng hoạt động, từ 6 tháng đến 3 năm đối với đình chỉ có thời hạn và cấm kinh doanh hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, thời hạn từ 1-3 năm.

Từ thực tiễn đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu cụ thể về quy trình thủ tục việc giải quyết hậu quả của hai hình phạt này.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng hầu hết quy định với pháp nhân thương mại trong dự thảo Luật còn chung chung, khó áp dụng trong thực tế, nhiều vấn đề còn bỏ trống.

"Việc thi hành án với pháp nhân thương mại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các đối tượng liên quan như việc đảm bảo quyền lợi của người lao động, thanh toán các khoản nợ sẽ được giải quyết như thế nào? Thủ tục và trình tự cưỡng chế thi hành các hình phạt được thực hiện ra sao?…" đại biểu phân tích và đề nghị ban soạn thảo cần đưa ra các quy định cụ thể và rõ ràng hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục