Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở và từ cơ sở

Ngày 3/2, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên-Lý luận và thực tiễn.”
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo hội thảo. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Ngày 3/2, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên-Lý luận và thực tiễn.”

Chủ trì điều hành Hội thảo có Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo đảm và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Tổ chức cơ sở Đảng là tổ chức cơ bản của Đảng, nơi trực tiếp tiến hành các hoạt động tuyên truyền, vận động, tổ chức, giáo dục đảng viên và quần chúng, nơi rèn luyện, phân công công việc, quản lý và sàng lọc đảng viên; là cầu nối gắn bó máu thịt giữa Ðảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở và từ cơ sở.

[‘Vĩnh Phúc là điển hình trong phòng chống dịch, phát triển KT-XH’]

Khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, tổ chức cơ sở Đảng là hạt nhân chính trị ở tất cả các địa bàn, các lĩnh vực của đời sống xã hội, trực tiếp lãnh đạo quần chúng thi đua, xây dựng phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tổ chức cơ sở Đảng tiến hành các hoạt động xây dựng Đảng từ cơ sở; kiểm nghiệm, khẳng định sự đúng đắn của đường lối, chủ trương của Đảng, đóng góp những kinh nghiệm thực tiễn sinh động để Đảng điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện và đề ra những chủ trương, đường lối, chính sách mới sát hợp với thực tiễn.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị luôn được Tỉnh ủy Vĩnh Phúc chú trọng và thực hiện toàn diện, Đảng bộ tỉnh không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hệ thống chính trị. Các chủ trương của tỉnh đều được nghiên cứu, lấy ý kiến, bàn bạc dân chủ, thảo luận kỹ, thống nhất cao trước khi ban hành và tổ chức thực hiện, đảm bảo phù hợp, sát thực tiễn.

Nhiều cách làm mới, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh được triển khai thực hiện có hiệu quả như ban hành Quy định, hướng dẫn và thực hiện giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị; thực hiện luân chuyển cán bộ trẻ, cán bộ nữ là cấp phó sở, ban, ngành, đoàn thể; trưởng, phó các phòng chuyên môn các ban xây dựng Đảng tỉnh chỉ định tham gia Ban chấp hành, Ban thường vụ, cấp ủy cấp huyện và bố trí làm bị thư cấp ủy một số xã, phường, thị trấn nhằm khắc phục tính cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ; đồng thời phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thực hiện gắn công tác điều động luân chuyển cán bộ với thực hiện chủ trương bố trí Bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương; tổ chức thực hiện thí điểm việc bố trí Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã.

Vĩnh Phúc thành lập các tổ công tác và phân công các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các ban Đảng tỉnh và lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy định kỳ dự sinh hoạt chi bộ tại cơ sở. Thí điểm một số cách làm mới như triển khai xây dựng chi bộ “bốn tốt;” sổ tay đảng viên điện tử; sinh hoạt trực tuyến tại một số tổ chức cơ sở đảng... Qua đó, nhiều điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội được tháo gỡ; nhiều nhiệm vụ khó, phức tạp, tồn tại nhiều năm được giải quyết một cách hiệu quả, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Chuyên gia của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho hay việc nâng cao chất lượng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức cơ sở Đảng thực chất là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Để nâng cao chất lượng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức cơ sở Đảng, trước tiên cần tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, tạo chuyển biến thực sự mạnh mẽ, sâu sắc về nhận thức tư tưởng trong các loại hình tổ chức cơ sở đảng, trước hết là các cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở.

Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức Đảng trong các loại hình cho đồng bộ, thống nhất với các tổ chức trong hệ thống chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở; tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, trước hết là Bí thư Đảng ủy cơ sở, Bí thư các chi bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, thực sự gương mẫu và thành thạo nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tổ chức cơ sở Đảng không chỉ có vai trò lãnh đạo nhiệm vụ xây dựng Đảng mà còn là nơi tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng góp phần tạo lập vững chắc “nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị ở cơ sở,” bảo đảm thực hiện thành công đường lối của Đảng, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Việc hoàn thiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng về xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh sẽ tạo điều kiện pháp lý để tổ chức đảng, đảng viên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần giữ gìn đoàn kết trong Đảng. Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng có tác động trực tiếp đến vị thế của Đảng đối với hệ thống chính trị và đối với nhân dân ở cơ sở. Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng là một nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng.

Phó Bí thư Thường trực thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến tham luận "Thực trạng giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ." (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Là Đảng bộ lớn nhất cả nước, với 50 đảng bộ cấp trên cơ sở, hơn 474.000 đảng viên, chiếm khoảng 9% đảng viên của cả nước, bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chia sẻ Hà Nội luôn coi trọng, đề cao, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy nhằm xây dựng Đảng bộ Thủ đô gương mẫu, đi đầu thực hiện các nhiệm vụ.

Hà Nội luôn thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt chi bộ, đã thảo luận, bàn bạc có trọng tâm, trọng điểm những nội dung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng chi bộ, các tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vững mạnh. Đặc biệt, thường xuyên nghiêm túc quán triệt, cụ thể hóa, triển khai bài bản, sáng tạo, đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết về nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ của Đảng bằng các chương trình, kế hoạch, đề án.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến về việc nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới; công tác phát triển đảng viên để tạo nguồn kế cận cho Đảng; công tác giáo dục, rèn luyện đọ đức cách mạng cho đảng viên; vai trò của công đoàn và thanh niên trong công tác kết nạp đảng viên trong các loại hình doanh nghiệp; phát huy vai trò của tổ chức cơ sở đảng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới...

Phát biểu kết luận hội thảo, Giáo sư-Tiến sỹ Lê Văn Lợi nhấn mạnh hội thảo đã nhận được sự đóng góp tích cực của gần 30 nhà khoa học, các đại biểu từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các đại biểu tập trung trình bày về 3 nhóm vấn đề chính gồm: những vấn đề chung về nâng cao chất lượng của tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên; thực trạng chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên trong tình hình hiện nay; đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên trong tình hình mới.

Việc tổ chức hội thảo không chỉ góp phần làm sáng rõ hơn những những vấn đề lý luận và thực tiễn về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên, mà còn tạo ra xung lực mới cho Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nói riêng và các Tỉnh ủy, Thành ủy trong cả nước tìm ra giải pháp khả thi cho việc nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục