Bảo đảm phân bổ ngân sách cân bằng giữa các địa phương

Chiều 1/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu ý kiến. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, chiều 1/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận.

Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với một thời gian ngắn điều hành, lãnh đạo, nhưng đã thể hiện được sự quyết tâm cao. Những giải pháp của Chính phủ rất quyết liệt và bước đầu cho thấy hiệu quả trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; thể hiện một Chính phủ rất sâu sát, giải quyết kịp thời những vấn đề khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, cơ sở.

Chính phủ rất lắng nghe tiếng nói của người dân, doanh nghiệp, lãnh đạo các địa phương; đồng thời đã trực tiếp đi cơ sở và cùng với các địa phương giải quyết những vấn đề khó khăn của địa phương; tạo một hiệu ứng, động lực tốt cho sự phát triển không chỉ về kinh tế, tài chính, mà còn là chính sách, niềm tin.

Cần có giải pháp hữu hiệu để tăng thu ngân sách

Thảo luận về tình hình thu ngân sách nhà nước chín tháng đầu năm 2016, các ý kiến cho rằng thu ngân sách chín tháng đầu năm 2016 đạt thấp cả về tiến độ, dự toán và tăng thu so với cùng kỳ năm trước.

Các khoản thu nội địa đều thấp, hụt thu từ dầu khí do giá dầu thô được tính toán ở mức 60 USD/thùng khi lập dự toán ngân sách và thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước do sức tăng trưởng chậm...

Đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) nhấn mạnh đây là những yếu tố hoàn toàn có thể nhìn thấy trước và một lần nữa cho thấy công tác dự báo thị trường, đánh giá tình hình khi lập dự toán ngân sách còn yếu; dẫn đến ngân sách nhà nước luôn bị động, mất cân đối...

Cũng theo đại biểu Tiến, báo cáo của Chính phủ chưa giải trình chi tiết về tình trạng một số khoản thu mà cử tri và báo chí quan tâm trong thời gian vừa qua như tiền cổ tức được chia của các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước; các doanh nghiệp nhà nước tiền thu từ tịch thu xử lý tài sản; từ các vụ án tham nhũng; tiền thu được từ xử lý các khoản nợ xấu mà nhà nước đã mua lại... Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ các vấn đề này.

Vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Quang (đoàn Đà Nẵng) cho rằng thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước, nguồn thu năm sau thường cao hơn năm trước. Tuy nhiên từ thực tế cuộc sống hiện nay cho thấy, thu ngân sách nhà nước vẫn chưa quyết liệt, thiếu giải pháp mới, phù hợp với sự phát triển xã hội dẫn tới thu chưa đủ, thất thoát lớn. Từ đó làm cho ngân sách nhà nước thường xuyên thâm hụt, bội chi, thiếu nguồn lực đầu tư cho phát triển đất nước.

Đại biểu đề nghị cần có giải pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi người dân được bảo đảm khi giao dịch có hóa đơn. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt trong việc khai thác nguồn tài nguyên để khai đúng, đủ; đồng thời xử lý mạnh tay khi giao dịch mà không cấp hóa đơn. Như vậy, nguồn thu ngân sách nhà nước chắc chắn sẽ tăng lên.


Cơ cấu lại các khoản chi ngân sách nhà nước

Góp ý về bội chi, đại biểu Tiến (đoàn Hà Nam) cho rằng bội chi ngân sách ở mức dự kiến là con số quá lớn với quy mô nền kinh tế hiện nay, dẫn đến phải vay để chi tiêu và trả nợ.

Báo cáo của Chính phủ đề ra giải pháp giảm chi, đặc biệt là chi thường xuyên, nhưng lại chưa đề cập cụ thể cắt giảm chi thường xuyên ở hạng mục nào, lĩnh vực nào để cử tri có thể kiểm soát được. Đại biểu đề nghị trong giải pháp của Chính phủ phải nhấn mạnh và làm rõ việc hạn chế đi vay để cho ngân sách chi tiêu; đồng thời cần có những giải pháp cụ để tăng cường truy thu thuế và các nguồn thu cho ngân sách nhằm cải thiện tình trạng mất cân đối.

Đại biểu Tâm (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ cần quyết liệt và cụ thể hơn để đảm bảo cơ cấu lại các khoản chi ngân sách khả thi và đi vào thực tiễn được. Cụ thể, Chính phủ cần xem lại tổ chức bộ máy hiện nay mà vẫn đánh giá là cồng kềnh, chức năng chồng chéo, nhiệm vụ và quyền hạn không rõ; việc phân cấp, phân quyền được nêu trong các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là của Hiến pháp vẫn chưa đi vào thực tiễn.

Đại biểu Tâm cũng cho rằng, ngân sách trung ương cần tập trung đầu tư cho các công trình lớn mang tính chất chiến lược, đột phá, để tạo ra bước phát triển mới; đồng thời hỗ trợ các địa phương những công trình có tính lan tỏa, liên kết vùng. Tuy nhiên cần có ngân sách trung ương cho các dự án cấp bách đối với các địa phương, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, để làm nhiệm vụ chính trị. Nhưng cần phải phát huy khả năng của các vùng kinh tế mà có năng lực nhưng sự điều hành chưa có hiệu quả.

Cũng theo đại biểu Tâm phải thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" trong giai đoạn hiện nay khi mà việc thu ngân sách khó khăn và lãng phí ngân sách vẫn diễn ra phổ biến như hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu ý kiến. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Bảo đảm phân bổ ngân sách cân bằng giữa các địa phương

Góp ý về dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2017, đại biểu Tiến (đoàn Hà Nam) đồng tình với Chính phủ là phải nhấn mạnh mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nhà nước, bao gồm cả cơ cấu lại nguồn thu lẫn các khoản chi ngân sách nhà nước. Coi đây là nhiệm vụ cấp bách để làm lành mạnh hóa hệ thống ngân sách nhà nước, tuy nhiên cần nỗ lực tối đa để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thu và chi ngân sách nhà nước, đồng thời hạn chế việc phải cân đối ngân sách nhà nước từ các nguồn khác.

Đại biểu Tiến cũng cho rằng trong khi nguồn thu ngân sách nhà nước chưa được cải thiện đáng kể thì giải pháp giảm chi ngân sách vẫn cần được ưu tiên. Các khoản chi thường xuyên, nhất là chi quản lý hành chính ở cả trung ương và địa phương phải được kiểm soát chặt chẽ và giảm dần.

Chính phủ cần quyết liệt giảm biên chế đội ngũ công chức, viên chức; giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Bằng cách đó vừa giảm chi tiêu ngân sách, vừa tạo nguồn kinh phí để thực hiện việc tăng lương cơ sở cho cán bộ công chức... Tuy nhiên, bảo đảm đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khoa học công nghệ và môi trường.

Đại biểu Ngàn Phương Loan (đoàn Lạng Sơn) cho rằng năm 2017 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020; là năm phân chia lại "cái bánh" ngân sách sao cho công bằng và hợp lý nhất.

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, thu giảm do các yếu tố khách quan như giá dầu thô và các cam kết làm giảm thu từ các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Vì vậy, ngân sách nhà nước phụ thuộc chủ yếu vào thu nội địa. Nên dự toán thu nội địa năm 2017 trình Quốc hội ở mức rất cao so với dự kiến tăng trưởng kinh tế. Do vậy, việc xác định tỷ lệ thu rất khó khăn và áp lực. Bởi vừa phải bảo đảm cân đối phát triển kinh tế, vừa phải giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm cân đối giữa các vùng; vừa chăm lo phát triển, hỗ trợ các địa phương còn khó khăn, do kinh tế chưa phát triển, thu không đủ chi.

Đại biểu Loan cũng cho rằng các địa phương trọng điểm thu đã nỗ lực rất lớn trong việc khai thác và phát triển nguồn thu. Vì vậy, xứng đáng được đầu tư ở mức lớn hơn để tiếp tục phát triển. Tính chung trong sáu năm ổn định ngân sách vừa qua, các địa phương trọng điểm thu tăng khá và ổn định tỷ lệ điều tiết. Nên thu cân đối ngân sách của các địa phương này tăng từ 1,5-2 lần so với năm đầu kỳ ổn định ngân sách.

Tạo sự dãn cách lớn và tăng nhanh giữa các tỉnh, vùng, miền. Đây chính là một xu hướng cần phải được điều chỉnh bằng công cụ điều tiết, bảo đảm sự hài hòa giữa các địa phương và vùng, miền. Đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm tới vấn đề này, nhất là các địa bàn kinh tế trọng điểm có nguồn lực bứt phá và phát triển, Quốc hội và Chính phủ tạo điều kiện thêm nguồn ODA và cần có cơ chế đặc thù để tăng tổng mức đầu tư toàn xã hội tại những địa phương này.

Phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng năm 2017 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 dự toán chi cân đối ngân sách địa phương được xác định theo nguyên tắc tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi đầu tư phát triển do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định vào tháng 9/2015. Định mức chi thường xuyên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trong năm 2016 này. Đây là dịp để phân bổ điều tiết lại những bất hợp lý phát sinh trong thời kỳ ổn định ngân sách vừa qua 2011-2016.

Hơn ai hết, Bộ Tài chính hiểu rõ vấn đề này quan trọng thế nào với các địa phương nói chung, kể cả các địa phương nhận bổ sung cân đối và các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương. Bởi nó ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực của địa phương không chỉ trong năm 2017 mà cả thời kỳ ổn định ngân sách đến năm 2020. Vì vậy, trong quá trình xây dựng dự toán năm 2017, Bộ Tài chính đã cố gắng xử lý tối đa vấn đề này, xây dựng phương án để tạo sự công bằng nhất định đối với các địa phương. Theo đó, đối với định mức phân bổ chi thường xuyên, Bộ Tài chính xây dựng để trình Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đối với các địa phương trọng điểm thu có điều tiết thu về ngân sách trung ương đã ưu tiên cao nhất như định mức phân bổ chi theo tiêu chí dân số, tăng từ 30-70% so với các địa phương khác.

Ngoài ra, riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt còn được phân bổ tăng thêm 70% định mức chi cho hoạt động kinh tế để xử lý các vấn đề về môi trường, thị chính, đảm bảo an ninh trật tự cho dân số tại chỗ và dân số vãng lai.

Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, mặc dù đã có ưu tiên cao như trên, nhưng sau khi tính toán chi theo định mức phân bổ và dự kiến giao dự toán thu nội địa đang trình Quốc hội. Năm 2017 có 10/13 địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương của giai đoạn 2011-2016 giảm lớn. Có địa phương giảm từ 20-30% so với tỷ lệ của giai đoạn 2011-2016, áp định mức vào thì nó như vậy.

Việc tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia phần ngân sách địa phương được hưởng sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách giảm là phù hợp với quy định của Luật ngân sách nhà nước, nhưng nếu giảm quá lớn cũng ảnh hưởng đến nguồn lực đảm bảo các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương này.

Theo chương trình, ngày mai (2/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. Phiên thảo luận được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và đồng bào tiện theo dõi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục