Ngay khi Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện đợt giãn cách xã hội lần thứ 3 kéo dài 1 tháng, các sở, ngành, đoàn thể Thành phố Hồ Chí Minh cùng lúc đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý các gói chính sách an sinh xã hội; chăm lo từ vật chất, tinh thần và cả chỗ ăn, chỗ nghỉ của người dân, nhất là người dân nghèo, người lao động tự do, công nhân ngoại tỉnh, sinh viên, học sinh đang ở trọ, học tập, sinh sống trên địa bàn Thành phố, để đảm bảo việc thực hiện "ai ở đâu ở yên đó," nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố/ấp cách ly khu phố/ấp, phường, xã, thị trấn cách ly phường, xã, thị trấn.
Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội với nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt hơn 1 tháng qua thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg và tiếp tục triển khai đến ngày 15/9 để kiểm soát dịch COVID-19, khiến cuộc sống, việc làm của người dân ngày càng trở nên khó khăn, nhất là các các đối tượng yếu thế, sinh viên và những người đến thành phố mưu sinh, lập nghiệp.
Khó khăn kéo dài
Anh Dương Trọng Huỳnh quê ở Đắk Lắk cùng gia đình vào ở trọ tại ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, lập nghiệp gần 3 năm nay bằng nghề chạy xe công nghệ.
Trước đây, trung bình mỗi ngày, anh Trọng kiếm được khoảng 250.000 đồng để lo cho vợ cùng hai con nhỏ.
Từ khi dịch bùng phát đến lúc thành phố thực hiện giãn cách xã hội, công việc hằng ngày của anh đi dần vào ngõ cụt và kết thúc bằng thời gian phong tỏa 21 ngày khi nơi ở của anh có ca mắc COVID-19.
[Những đơn hàng 'đi chợ hộ' đầu tiên đã đến với người dân TP.HCM]
Tắt ứng dụng, ở nhà trong thời gian phong tỏa, anh được "mạnh thường quân," chính quyền địa phương hỗ trợ. Đến khi kết thúc phong tỏa cũng là lúc kết thúc hỗ trợ, cả nhà chẳng biết làm gì dù có sức lao động, có xe, khiến cuộc sống càng thêm khó khăn.
Do chạy kiếm bữa ăn hằng ngày, gia đình không có tiền tích lũy, đã thế vợ vừa mới sinh nên cuộc sống rơi vào cảnh túng thiếu.
Trong hoàn cảnh về quê không được, ở cũng không xong, anh đành chấp nhận mượn 5 triệu đồng với lãi suất 10% tháng để giải quyết tình trạng trước mắt với hy vọng dịch bệnh sớm kết thúc đi làm trả nợ.
Cùng cảnh ngộ, hai vợ chồng chị Trương Hồng Ngọc, quê ở tỉnh Bạc Liêu hiện ở trọ tại khu vực kênh 19/5 (quận Tân Phú), làm công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo gần 6 năm nay cũng ở nhà suốt gần hai tháng nay do nhà máy đóng cửa.
Khoản dành dụm ít ỏi lâu nay của gia đình chị Ngọc cạn dần theo thời gian giãn cách bởi tiền ăn uống, tiền nhà trọ, điện, nước, sinh hoạt.
“Nếu tiếp tục ở lại, không biết khi nào dịch bệnh kết thúc. Ngược lại, nếu về quê trong lúc này, thủ tục cũng nhiều khó khăn cùng với khoản chi phí tiền xe, xét nghiệm COVID-19, cách ly tập trung ở quê, tốn kém gấp bội phần,” chị Ngọc chần chừ tính những khoản chi phí cho phải lo cho tương lại phía trước.
Em Đoàn Ngọc Phương Thảo, quê ở Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, lên Thành phố Hồ Chí Minh ở trọ gần 4 năm nay để vừa đi làm, vừa đi học tìm tấm bằng cử nhân với hy vọng cuộc sống ổn định hơn.
Năm học cuối vừa kết thúc, chưa kịp nhận bằng, dịch COVID-19 lần 4 bùng phát trở lại. Thảo đành chấp nhận “bó gối” ở nhà hơn 3 tháng nay.
“Công việc tập sự tạm dừng, nhưng em may vẫn được hỗ trợ 50% tiền thuê trọ. Còn ăn uống, sinh hoạt phí, gia đình ở quê, bà con lối xóm ở xóm trọ hỗ trợ nên tạm ổn. Trong thời điểm dịch bệnh khó khăn này, có gì dùng đấy, ai ở đâu ở yên nơi ấy có lẽ là tốt nhất,” Thảo chia sẻ.
Thực tế trên khiến cho nhiều người dân vô cùng lo lắng, nhất là công nhân, người lao động đã không có việc làm từ nhiều tháng qua. Những gánh nặng về chi phí sinh hoạt hàng ngày, tiền trọ, tiền nước, tiền điện đến những lo lắng về tương lai.
Đặc biệt, khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội với nhiều mức độ khác nhau để kiểm soát dịch COVID-19, chắc chắc đời sống của người dân sẽ còn nhiều khó khăn.
Không để sót, lọt đối tượng khó khăn
Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm bảo an sinh xã hội, cuộc sống người dân, nhất là những đối tượng khó khăn, yếu thế trong xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn những “vùng lõm,” nhiều người dân khó khăn vẫn chưa được hỗ trợ kịp thời.
Ghi nhận ở khu nhà trọ 3C/9 tổ 2, ấp 3, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh có nhiều trường hợp thật sự khó khăn, nhưng rất ít nhận được sự hỗ trợ, trong đó có gói hỗ trợ nhóm ngành nghề lao động tự do theo Nghị quyết 09 của Hội đồng Nhân dân thành phố.
Khu vực Phường 9, Quận 8 nhiều người buôn bán tự do đã phản ánh về việc không nhận được tiền hỗ trợ mà cũng không nhận được bất cứ sự giải thích rõ ràng nào từ Tổ dân phố, khu phố vì sao những trường hợp này lại không được xét duyệt như lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố đã công bố.
Nhiều người cho biết đa phần cư dân ở đây là người nhập cư, lao động tự do, có đăng ký tạm trú tạm vắng nhưng không thấy Tổ trưởng tổ dân phố thông báo, khảo sát hoàn cảnh hay công khai lập danh sách mà chỉ thông báo riêng từng cá nhân.
“Chúng tôi có gọi lên Ủy ban Nhân dân phường để trình bày. Đại diện Ủy ban Nhân dân phường nói Tổ trưởng tổ dân phố sẽ giải quyết, làm hồ sơ giấy tờ nộp cho Tổ trưởng rồi nhưng tới nay không thấy phản hồi gì,” đại diện người dân ở khu vực Phường 9, Quận 8 chia sẻ.
Tương tự, tại nhiều nơi có các khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, lao động tự do hoặc mất việc từ nhiều tháng nay bởi cửa hàng phải đóng cửa thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg nhưng vẫn không nhận được hỗ trợ.
Ghi nhận tại một số tổ dân phố ở phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức, sau khi phản ánh, họ được Tổ trưởng lập danh sách nhưng rồi sau đó cũng “bặt vô âm tín.”
Chị Huỳnh Thị Gọi, thuê trọ tại 74 đường 3, phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức, cho biết từ lúc dịch tới giờ không lao động để kiếm tiền được. Lúc đầu, chị tự lên khu phố để hỏi, sau đó Tổ trưởng khu phố có đến hỏi thông tin cá nhân, nhưng rồi cũng không thấy tiền hỗ trợ.
Hiện chỉ mong được nhận hỗ trợ để đóng trọ vì chị đã nợ tiền trọ hơn 2 tháng qua, còn ăn uống hằng ngày cùng mọi người chia qua, sớt lại.
Tương tự, trường hợp ông Nguyễn Văn Bảy, nhà ở khu phố 2, phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức, đã được một phóng viên hỗ trợ 3 lần khai báo điền vào mẫu để xin được hỗ trợ nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa được nhận.
Ông Bảy cho biết ông làm nghề chạy xe ôm đã mất việc nhiều tháng nay, có cung cấp thông tin với khu phố nhưng chờ mãi không thấy kêu đi nhận tiền hỗ trợ, trong khi các nơi khác đã chi cho dân xong rồi.
Vợ ông làm nghề phụ quán cơm ở mặt tiền Quốc lộ 13 nhưng quán đóng cửa. Vợ ông mất việc, hỏi phường được trả lời công việc của vợ ông không thuộc diện nhận hỗ trợ của thành phố quy định.
Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã liên tục đưa ra các gói cứu trợ, cắt giảm bớt các quy trình thủ tục để người dân được nhận nhanh hơn. Nhưng thực tiễn, vẫn còn khá nhiều người chưa tiếp cận được gói hỗ trợ.
Nhiều người cho rằng việc giao cho các Trưởng khu phố, Tổ trưởng tổ dân phố lập danh sách là một phương án tốt vì được xem là nắm rõ tình trạng cư, giúp người nghèo kê khai hoàn thành các thủ tục hỗ trợ.
Tuy nhiên, vẫn có những bất cập xảy ra như Ban điều hành khu phố, Tổ dân phố đang bị cách ly, phong tỏa. Phương pháp làm việc chưa minh bạch, công khai, tính hiệu quả chưa cao.
Nhiều tổ trưởng tổ dân phố chưa nắm rõ các tiêu chí chính sách nên thông tin cho dân bị sai lệch, không rõ ràng hoặc áp lực quá tải ở địa phương nên thiếu sót cả việc cung cấp, hỗ trợ lương thực, thực phẩm hộ nghèo, khu vực phong tỏa, cách ly.
Trước tình hình trên, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các địa phương thống kê đầy đủ danh sách, rà soát từng tổ dân phố để không bỏ sót một trường hợp nào, để kịp thời hỗ trợ, không được bỏ sót ai.
Giãn cách xã hội thời gian dài, nhiều người sẽ gặp khó khăn, thành phố sẽ có gói hỗ trợ tiền nhà trọ cho người dân, đồng thời, giúp đỡ cả lương thực, thực phẩm và tiêm vaccine.
Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng Công an tham gia việc rà soát, tiếp nhận thông tin của các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cần hỗ trợ.
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và xã hội thành phố, thống kê bước đầu từ các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, toàn thành phố hiện có hơn 2,5 triệu người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Với nỗ lực không bỏ sót, không để người dân cơ cực, thành phố sẽ hỗ trợ tất cả những trường hợp này./.