"Báo chí phản ánh về gỗ lậu xuyên biên giới còn rất mờ nhạt"

Mặc dù đã có rất nhiều bài viết về vẫn đề gỗ lậu, nhưng dường như mới chỉ phản ánh qua một phần hiện trạng và dựa theo số liệu cung cấp từ các cơ quan quản lý nhà nước, nên còn rất mờ nhạt.
Tọa đàm gỗ lậu qua góc nhìn báo chí. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
 

“Những năm gần đây, mặc dù đã có rất nhiều bài viết về vẫn đề gỗ lậu, nhưng dường như mới dừng lại một phần của hiện trạng. Bởi, đã nói gỗ lậu thì phải ‘xuyên biên giới’ mới là lậu. Vì thế, theo tôi hiểu thì Việt Nam cũng chưa có những bài báo viết về gỗ lậu “xuyên biên giới,” mà nếu có thì quốc tế họ nhìn vào cũng đang rất mờ nhạt.”

Trên đây là một trong những “góc nhìn” về vấn đề gỗ lậu vừa được ông Trần Lê Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ - Lâm sản Bình Định đưa ra tại buổi Tọa đàm “Gỗ lậu qua góc nhìn báo chí” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Tổ chức Forest Trends tổ chức ngày 16/12, tại Hà Nội.

Hình hài “bức tranh gỗ lậu”

Chỉ đơn thuần là vị khách vào “họp lậu,” nhưng ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh lại rất “hứng thú” với chủ đề của buổi Tọa đàm “Gỗ lậu qua góc nhìn báo chí.” Tại buổi Tọa đàm, ông bảo là người kinh doanh gỗ nhưng luôn “dị ứng” với thông tin gỗ lậu mỗi khi báo chí phản ánh.

Dẫn giải câu chuyện về một bài báo quốc tế khi viết về gỗ lậu từ Lào qua địa phận Việt Nam để đưa đi tiêu thụ tại các nước châu Âu với nội dung cho rằng người Việt Nam khai thác gỗ lậu để xuất khẩu, ông Hạnh cho rằng điều này là không đúng. Theo ông, trong việc xuất khẩu gỗ này, Việt Nam chỉ là nơi có biển, được các doanh nghiệp nước ngoài vận chuyển đến để đưa đi tiêu thụ.

Trong khi đó, báo cáo về gỗ lậu tại Việt Nam qua góc nhìn báo chí của nhóm nghiên cứu PanNature và Tổ chức Forest Trends cũng khẳng định, nhiều bài báo viết về gỗ lậu chưa đi sâu vào “ruột” vấn đề, mà chỉ phản ánh qua một phần hiện trạng và số liệu cung cấp từ các cơ quan quản lý nhà nước.

Cụ thể, qua phân tích thông tin từ hơn 1.300 bài báo đăng tải trên 4 tờ báo điện tử và trang điện tử của các báo lớn ở Việt Nam trong giai đoạn 2011-2013, cho thấy, các tác giả không trực tiếp thực hiện nghiên cứu thực địa về chủ đề gỗ lậu mà chỉ nghiên cứu gỗ lậu thông qua các bài báo và tham vấn các bên liên quan trực tiếp.

Báo cáo cũng chỉ rõ, phần lớn các bài viết về gỗ lậu thường xảy ra ở những địa phương nơi còn nhiều diện tích rừng tự nhiên, đặc biệt là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, với các loại gỗ khai thác thuộc các loài gỗ quý, có giá trị thị trường cao. Các bài báo về gỗ lậu cũng tập trung chủ yếu vào các khâu như khai thác, vận chuyển mà ít phản ánh các khâu sai phạm ở các khâu khác như chế biến, thương mại.

Với tư cách là thành viên nhóm nghiên cứu báo cáo về gỗ lậu tại Việt Nam, ông Tô Xuân Phúc - đại diện Tổ chức Forest Trends, cho biết, khi được hỏi các nhà báo viết về gỗ lậu thì có tớ 80% lượng thông tin về gỗ lậu được phản ánh từ các sự kiện, hội thảo. Và, nó dường như chưa thoát khỏi không gian của "một căn nhà.”

Ngoài ra, ông Phúc cũng bày tỏ mối lo ngại trước vấn đề gỗ lậu có thể bị “méo mó” khi một phần nhỏ lực lượng kiểm lâm khu vực có thể “bắt tay” với lâm tặc, hoặc thả lỏng cho lâm tặc khai thác gỗ lậu, nhưng người viết lại không đề cập, hoặc có thể bị “đánh lừa” bởi những gì chỉ qua mắt thấy.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Không thể “vơ đúa cả nắm”

Là một trong những doanh nghiệp gỗ hàng đầu của Việt Nam hiện nay, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện trạng khai thác gỗ lậu không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế, tác động xấu đến môi trường, mà nó còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành gỗ của Việt Nam. Vì thế, khi viết về gỗ lậu, báo chí cũng cần phản ánh khách quan.

“Gỗ lậu là vấn đề rất nhạy cảm, vì nếu các anh/chị viết về những vấn đề như gỗ lậu thì cần phải có bằng chứng, và nếu không khách quan thì các anh/chị có thể bị đổ máu đầu đấy,” ông Hạnh góp ý.

Vị khách này cũng lưu ý, khi đọc các bài báo viết về gỗ lậu hay phá rừng, người ta thường cho rằng kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc, hay buông lỏng quản lý, điều này cũng cần phải lưu ý.

“Chúng ta đừng bao giờ ‘vơ đũa cả nắm’ về lực lượng kiểm lâm, bởi suy cho cùng thì có những người kiểm lâm xấu, nhưng cũng có những cán bộ kiểm lâm luôn đau đáu về nạn phá rừng, họ cũng ‘đứt ruột gan’ khi thấy rừng bị đổ máu. Vì thế, khi viết về môi trường hay gỗ lậu cần phải phản ánh thông tin khách quan,” ông Hạnh khuyến nghị.

Có chung quan điểm, ông Trần Lê Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ -Lâm sản Bình Định cũng cho hay, trong những năm qua, báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát ánh về gỗ lậu, qua đó kiến nghị các cơ quản lý có những giải pháp ngăn chặn, góp phần tạo ra những hình ảnh đẹp cho thị trường gỗ Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ-Lâm sản Bình Định cũng lưu ý, mặc dù đã có rất nhiều bài viết về vẫn đề gỗ lậu, nhưng dường như mới dừng lại một phần của hiện trạng. Bởi, đã nói gỗ lậu thì phải ‘xuyên biên giới’ mới là lậu. Vì thế, ông kiến nghị, nhà báo viết về gỗ lậu cần tìm hiểu sâu sát hơn, với tinh thần phản ánh khách quan hơn.

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia cũng chia sẻ, không chỉ riêng vấn đề gỗ lậu, mà có những sự kiện, vấn đề họ chưa thoát khỏi "không gian nhỏ hẹp," bởi ngẫm cho cùng, có những nhà báo đi rất nhiều, biết nhiều về hiện trang thực tế, nhưng khi nhìn vào báo cáo thì có chăng cũng chỉ là những thay đổi một chút về con số, nhưng vì họ yêu nghề nên mới gắn bó.

Vì thế, để có những bài báo viết về gỗ lậu chất lượng, góp phần thúc giục các cơ quan chức năng liên quan có thẩm quyền lưu ý và sớm đưa ra cách giải quyết, thì các cơ quan báo chí cần phải có sự hợp tác về nguồn tin, và cần có sự quan tâm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức đoàn thể.

Từ góc độ báo chí, đại diện Báo điện tử VietnamPlus cho rằng, bản nghiên cứu có những tổng hợp thú vị và hữu ích cho giới báo chí, nhưng nếu chỉ đánh giá qua những trang báo nhắm vào độc giả toàn quốc thì chưa phản ánh đầy đủ thực tế, bởi các báo này không thể tập trung vào những lĩnh vực cụ thể. "Về nguyên tắc thì các vấn đề này sẽ được đăng tải kỹ hơn trên các báo chuyên ngành hoặc báo tại các địa phương xảy ra tình trạng gỗ lậu," ông nói thêm. 

Ông cũng đồng ý với ý kiến của các nhà nghiên cứu rằng có quá nhiều tin tức mà thiếu đi những bài phóng sự, phân tích về vấn đề gỗ lậu, và điều này cần phải cải thiện trong tương lai. "Các nhà báo cần đeo đuổi sự kiện, ngay cả khi không bình luận mà chỉ đăng tin về một vấn đề, sự việc nào đó."

Đại diện VietnamPlus cũng đề xuất về việc lập một mạng lưới chuyên gia tư vấn để có thể hỗ trợ các nhà báo chuyên về lĩnh vực môi trường nói chung và vẫn đề rừng-gỗ lậu nói riêng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục