Báo chí Nga quan tâm thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam

Bài báo trên tờ Vedomosti đưa ra những thông tin kinh tế lạc quan của Việt Nam trước thềm tham gia khu vực thương mại tự do với năm nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).
Báo chí Nga quan tâm thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam ảnh 1Ảnh chụp màn hình bài báo.

Ngày 28/5, tờ Vedomosti, một trong những tờ báo hàng đầu của Nga chuyên về tài chính và kinh tế, có bài viết “Liên minh kinh tế Âu-Á sẽ ký thỏa thuận thành lập khu vực thương mại tự do đầu tiên trong lịch sử của khối” với Việt Nam.

Bài báo đưa ra những thông tin kinh tế lạc quan của Việt Nam trước thềm tham gia khu vực thương mại tự do với năm nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan. Toàn văn bài báo như sau:

Ngày 29/5, Liên minh kinh tế Âu-Á (EAEC) sẽ ký thỏa thuận thành lập khu vực thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đến Kazakhstan từ ngày 28/5 để tham gia cuộc họp của Hội đồng người đứng đầu chính phủ các nước SNG và Hội đồng liên chính phủ Âu-Á.

Trong chương trình làm việc, ông Medvedev còn có cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Người đứng đầu chính phủ các nước thuộc EAEC cũng có các cuộc làm việc với người đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trước khi diễn ra lễ ký chính thức Thỏa thuận thành lập FTA giữa EAEC với Việt Nam.

Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn luật ngày 27/5, Thủ tướng Medvedev cho biết Thỏa thuận thành lập FTA giữa EAEC với Việt Nam đã được chuẩn bị sẵn sàng. Đây sẽ là thỏa thuận đầu tiên mà EAEC ký với quốc gia ngoài khối.

Về phía Việt Nam, trước thềm chuyến thăm Nga tham dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phátxít, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Russia 24, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhấn mạnh cả ông lẫn Tổng thống Putin đều thống nhất rằng sẽ thúc đẩy việc ký kết Thỏa thuận thành lập FTA, đã giao cho các bộ ngành liên quan kết thúc đàm phán trong thời gian sớm nhất.

Chính phủ Nga ngày 21/5 đã quyết định thông qua Dự thảo quy định về việc ký kết Thỏa thuận thành lập FTA. Quy định này nêu rõ các điều kiện tự do hóa thuế quan trong trao đổi thương mại giữa các thành viên EAEC và Việt Nam bằng cách giảm hoặc đưa về bằng không các loại thuế hải quan đối với phần lớn các danh mục hàng hóa trao đổi giữa hai bên. Các bên chỉ giữ lại biểu thuế đối với các danh mục hàng hóa thuộc phạm vi nhạy cảm cao. Thỏa thuận cũng xem xét các quy định bổ sung liên quan quy định về vệ sinh và an toàn kiểm dịch, quản lý hải quan, áp dụng các biện pháp bảo hộ, các tiêu chí quy định tái chế hàng hóa, nguyên tắc minh bạch và cạnh tranh, công nghệ điện tử trong thương mại.

Quá trình chuẩn bị thành lập FTA đầu tiên là giữa Nga với Việt Nam và sau này là giữa EAEC với Việt nam kéo dài sáu năm. Năm 2009 trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên thỏa thuận nghiên cứu khả năng thành lập FTA. Năm 2010, Nga, Belarus và Kazakhstan thành lập Liên minh hải quan, vì vậy quá trình đàm phán về việc thành lập FTA với Việt Nam có sự thay đổi hình thức, trở thành đàm phán thành lập FTA giữa Liên minh hải quan với Việt Nam. Năm 2014, Liên minh hải quan quyết định thành lập EAEC (có hiệu lực từ 1/1/2015), do đó tiến trình đàm phán một lần nữa chuyển thành giữa EAEC và Việt Nam.

Mặc dù hiện Ai Cập, Israel và một số quốc gia khác cũng đang xem xét thành lập FTA với EAEC, song Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà liên kết kinh tế này ký thỏa thuận thành lập khu vực mậu dịch tự do. Bên cạnh đó đối với Nga, Việt Nam là quốc gia đầu tiên bên ngoài Cộng đồng các quốc gia độc lập mà Nga thành lập FTA.

Việt Nam là nền kinh tế định hướng xuất khẩu, vì vậy việc nền kinh tế EU và Mỹ (các thị trường tiêu thụ hàng hóa chủ yếu của Việt Nam) phục hồi đã góp phần đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam, và qua đó đưa tăng trưởng kinh tế đi lên. Năm 2014, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6%, mức cao nhất kể từ năm 2011.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong quý một tốc độ tăng trưởng GDP của nước này đạt hơn 6%, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong ba tháng đầu năm nay Việt Nam đã xuất khẩu gần 36 tỷ USD, cao hơn cùng kỳ năm ngoái gần 7%. Trong khi đó, lạm phát chỉ đạt mức 0,74% tính theo năm. Mức tăng trưởng tín dụng của Việt Nam trong các tháng gần đây cũng đạt mức cao nhất trong ba năm trở lại đây, tương đương gần 2,8%. Sản xuất công nghiệp trong quý 1 đạt mức tăng trưởng hơn 9% và khối lượng đầu tư nước ngoài được giải ngân tăng 5%, đạt hơn 4 tỷ USD.

Hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực dịch vụ trong 4 tháng đầu năm cũng cho thấy tiến triển tích cực. Theo đánh giá của Ngân hàng HSBC, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong các lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam tăng từ 50,7 điểm hồi tháng 3 lên 53,5 điểm trong tháng 4, đạt mức cao nhất trong suốt lịch sử thống kê chỉ số này.

Việt Nam đang tiến hành chính sách tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xóa bỏ các tổ chức tài chính yếu kém. Các cơ chế hội nhập cũng được đẩy mạnh, cụ thể là việc thành lập FTA (tổng cộng Việt Nam tham gia tám khu vực mậu dịch tự do) như FTA trong khuôn khổ 10 quốc gia ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc. Việt Nam cũng đang đàm phán tham gia Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương.

Các cuộc cải cách kinh tế thành công và tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới của Việt Nam cho phép các tổ chức quốc tế đưa ra cái nhìn lạc quan về nền kinh tế nước này. Theo dự báo của Ngân hàng thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2015 đạt 6% và năm 2016 đạt hơn 6%. Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng tưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6% trong năm nay và 5,8% trong năm tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục