Báo chí Mỹ: Vai trò lãnh đạo của ông Trump yếu hơn 2 người tiền nhiệm

Báo The Wall Street dẫn một cuộc khảo sát mới của Gallup cho thấy rằng hình ảnh vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trên toàn thế giới hiện yếu hơn so với dưới thời hai người tiền nhiệm của ông Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Washington DC. ngày 10/1. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong bài diễn văn nhậm chức tổng thống Mỹ cách đây 1 năm, ông Donald Trump đã nhấn mạnh đến thông điệp "Nước Mỹ trước tiên," trong đó khẳng định mọi quyết định về mậu dịch, thuế quan, nhập cư, các vấn đề đối ngoại sẽ được dựa trên lợi ích của người lao động Mỹ, khiến cho những người theo chủ nghĩa quốc tế trong và ngoài nước Mỹ khi đó lo sợ rằng tổng thống mới sẽ bắt đầu rút khỏi những vai trò truyền thống và các cam kết của Washington ở nước ngoài.

Tuy nhiên, theo The Wall Street Journal số ra ngày 22/1, kết quả thực tế không hoàn toàn như những tuyên bố đó.

Trong bài phân tích, xét ở nhiều phương diện, những mối lo sợ về việc Mỹ rút lui khỏi các cam kết quốc tế hóa ra đã được cường điệu, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Bất chấp những lời phàn nàn của ông Trump rằng nước Mỹ đang gánh vác quá nhiều an ninh toàn cầu và rằng những nước khác cần phải san sẻ, các số liệu của Lầu Năm Góc cho thấy việc triển khai binh sỹ Mỹ tại nước ngoài trên thực tế đã gia tăng, chứ không hề giảm. Trong năm qua, số binh sỹ tại Afghanistan, Iraq và Nhật Bản, cùng một số nơi khác đều tăng.

Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Trump đã triển khai ba nhóm tàu sân bay tới Thái Bình Dương. Ông cũng đã nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với Điều 5 trong Hiến chương Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, theo đó Mỹ cam kết bảo vệ các đồng minh châu Âu nếu họ bị tấn công.

Trong vấn đề Iran, một mặt Tổng thống Trump từ chối xác nhận rằng quốc gia Hồi giáo này tuân thủ thỏa thuận quốc tế buộc nước này phải hạn chế chương trình hạt nhân, song ông cũng chưa rút khỏi thỏa thuận này.

Về các vấn đề kinh tế, chính quyền Trump liên tục phàn nàn về những hiệp định thương mại hiện hành, song trong hầu hết các trường hợp đã không giải tán hệ thống mà họ được thừa hưởng. Đáng chú ý là chính quyền Trump đã quyết định đàm phán lại, thay vì rút khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA, gồm Mỹ, Canada và Mexico).

Tuy nhiên, Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ này đã có những quyết định khiến một số người hy vọng nước Mỹ đóng vai trò mạnh mẽ trên trường thế giới đang lo ngại trước những dấu hiệu mà họ cho là sự thoái lui của Mỹ.

[Nước Mỹ chứng kiến cuộc khủng hoảng niềm tin của dân chúng]

Ông Nicholas Burn, nhà ngoại giao kỳ cựu dưới thời Tổng thống George W. Bush, nói: "Trên thực tế, ông Trump đang làm đảo lộn sự thống nhất lưỡng đảng được duy trì dưới mọi đời tổng thống kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 xung quanh việc nước Mỹ nên lãnh đạo thế giới như thế nào."

Theo ông, chính quyền Trump đã "không khôn ngoan" khi rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và tránh ký kết thỏa thuận tự do mậu dịch với Liên minh châu Âu.

Theo ông Burns, việc Tổng thống Trump "liên lục chỉ trích" các thành viên NATO, sự rạn nứt giữa hai bờ Đại Tây Dương xung quanh việc tiếp nhận người tị nạn và quyết định của Mỹ tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel đều làm xấu đi hình ảnh nước Mỹ tại châu Âu và gây chia rẽ với các đồng minh của mình.

Báo The Wall Street dẫn một cuộc khảo sát mới của Gallup cho thấy rằng hình ảnh vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trên toàn thế giới hiện yếu hơn so với dưới thời hai người tiền nhiệm của ông Trump.

Báo này nhận định chắc chắn rằng trong thời gian tới, ông Trump tiếp tục phát đi những tín hiệu rằng các cam kết quốc tế sẽ phải nhường chỗ cho các vấn đề đối nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục