Báo chí Mỹ đi về đâu?

Báo chí Mỹ đang tìm kiếm mô hình kinh doanh mới

Sau vụ Jeff Bezos thâu tóm Washington Post, nhiều người đặt câu hỏi: Đâu là mô hình mới để khôi phục ngành công nghiệp báo chí?
Sau vụ tỷ phú Jeff Bezos thâu tóm tờ Bưu điện Washington (Washington Post), nhiều người đặt câu hỏi phải chăng thời của các ông trùm báo chí đã qua và đâu là mô hình và cách thức kinh doanh mới nhằm khôi phục ngành công nghiệp báo chí? Báo Le Monde (Thế giới) số ra ngày 7/8 giới thiệu đôi nét về đại gia đã đem lại niềm tin cho báo giới, đồng thời điểm lại các vụ chuyển đổi của một vài tờ báo có tên tuổi ở Mỹ và cho thấy không phải thương vụ nào cũng dẫn đến thành công. Ở Mỹ, báo chí vốn có truyền thống được các gia đình tư sản nắm giữ. Trải qua nhiều thập kỷ phát triển, các tờ báo lớn không chỉ cung cấp những thông tin đáng tin cậy làm nên uy tín và thương hiệu của tờ báo, mà còn tạo ra lợi nhuận nhờ doanh số bán ra cũng như doanh thu từ quảng cáo. Tuy nhiên, cùng với sự lớn mạnh của báo mạng, báo giấy rơi vào khủng hoảng và bị buộc phải đổi chủ nhiều lần. Các chủ cũ đã không thể trụ lại trong một lĩnh vực đang biến động mạnh trước làn sóng kỹ thuật số.
[Washington Post giữa khó khăn chung của làng báo]
Việc nhà sáng lập trang bán lẻ trực tuyến Amazon.com quyết định mua lại tờ nhật báo có ảnh hưởng lớn tại Mỹ với giá 250 triệu USD không phải là sự nổi hứng bất thường của một tỷ phú, mà nó phản ánh rõ nét cuộc chuyển giao nền công nghiệp già cỗi vào tay các doanh nhân cừ khôi và xuất chúng, nhạy bén với các cơ hội đầu tư và luôn tìm kiếm những nguồn lợi mới, điều mà các ông chủ cũ đã không làm được. Trên thực tế, Jeff Bezos là người mới vào nghề trong lĩnh vực kinh doanh báo chí. Nhưng ông hiểu rất rõ là cần phải làm gì để mọi người yêu thích đọc sách báo trên máy tính bảng bởi năm 2011, ông đã rất thành công khi tung ra dịch vụ sách điện tử Kindle cho phép tất cả mọi người trở thành khách hàng của dịch vụ này thông qua bất cứ nền tảng nào, từ máy tính cá nhân cho đến smartphone (iOS, Android, BlackBerry và Windows Phone 7). Jeff Bezos, năm nay 49 tuổi, hiện được xếp thứ 19 trong danh sách những người giàu nhất thế giới với tài sản trên 25 tỷ USD. Năm 1994, ở tuổi 30, Jeff Bezos đã thành lập Amazon nhờ khoản tiền 300.000 USD vay của cha mẹ. Trong gần 20 năm, ông đã biến một thư viện nhỏ trên mạng thành tập đoàn hàng đầu thế giới về thương mại điện tử. Ở Mỹ, Amazon lúc đầu bán các sản phẩm văn hóa, rồi dần mở rộng kinh doanh ra các lĩnh vực khác như máy tính, điện tử gia dụng, thiết bị làm vườn và xe hơi. Khi đã có đủ tiềm lực tài chính, Amazon lấn sân sang các ngành nghề khác và trở thành "quán quân" của công nghệ điện toán đám mây với doanh số 61 tỷ USD vào năm 2012. Trong công cuộc chinh phục các thị trường, Jeff Bezos không tiếc tiền đầu tư và không nóng vội thu lời. Năm ngoái, Amazon thậm chí còn thua lỗ một chút. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư tiếp tục đặt niềm tin nơi ông. Trong 5 năm, giá trị vốn hóa của Amazon trên thị trường chứng khoán đã tăng gấp ba lần, đạt 137 tỷ USD. Bên cạnh đó, dịch vụ sách điện tử Kindle của Amazon đã làm các thư viện vô cùng e ngại.

Washington Post đưa tin về việc "bán mình" (Nguồn
: AFP)

Jeff Bezos được ca ngợi là hiện thân cho một tinh thần làm việc sáng tạo kết hợp với sự năng động gây ngạc nhiên vốn đã trở thành tư tưởng thống trị tại thung lũng Silicon. Trong bài phát biểu ngày 5/8, Jeff Bezos khẳng định những "giá trị" của tờ Washington Post sẽ không thay đổi, song sẽ có những thay đổi đối với tờ báo, vì "chúng tôi cần sáng tạo, điều đó có nghĩa là chúng tôi phải thử nghiệm." Chính vì vậy, gia đình Graham, những người sở hữu tờ báo từ 80 năm, qua bốn thế hệ, đã vô cùng hạnh phúc khi tìm được người xứng đáng để "chọn mặt gửi vàng," được kỳ vọng sẽ thổi luồng gió mới vào tờ báo. Các thương vụ rao bán và chuyển nhượng Nếu 20 năm trước, các thương vụ chuyển nhượng các tờ báo lớn thường có giá tiền tỷ thì ngày nay, chúng được rao bán với giá thấp hơn rất nhiều. Mặc dù vậy, không phải thương vụ nào cũng dẫn đến thành công. Nhật báo phố Wall (Wall Street Journal-WSJ): Được thành lập năm 1889 và thuộc sở hữu của gia đình Brancroft vào năm 1902, tờ WSJ và cùng với nó là công ty thông tin tài chính Dow Jones đã được ông vua truyền thông Murdoch mua lại vào tháng 8/2007 với giá kỷ lục 5,6 tỷ USD. Vào thời điểm đó, việc thâu tóm của người khai sinh ra Tập đoàn News Corp được ví như chiến tích vĩ đại, vì WSJ là một tờ báo luôn thu hút được sự chú ý của những độc giả thạo tin kinh tế và chính trị. Song đã có lúc, ông trùm truyền thông đã phải chấp nhận sự sụt giá của các cổ phiếu xuống mức xấp xỉ 2,8 tỷ USD trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, trong bối cảnh u ám của báo chí hiện nay, số lượng phát hành của WSJ vẫn tiếp tục ổn định, thậm chí tăng lên đôi chút. Với 2,4 triệu độc giả trong đó hơn 1/3 là thuê bao điện tử, tờ báo giữ vững vị trí dẫn đầu tại Mỹ, trên cả New York Times với 1,9 triệu người đọc/ngày (trong đó hơn một nửa là thuê bao điện tử). Điều đặc biệt là, WSJ là một trong số rất ít tờ báo đã tận dụng được khủng hoảng tài chính để nâng số lượng độc giả (+12,3% trong thời gian giữa 2012 và 2013). Thời báo Los Angeles (Los Angeles Times): Ra đời năm 1881, Los Angeles Times được gia đình Chandler mua vào năm 1917. Bị chê là không chuyên nghiệp và thiếu nghiêm túc trong một thời gian dài, Los Angeles Times chỉ thực sự khởi sắc vào những năm 1960 sau khi giành liên tiếp bốn giải Pulitzer. Vào đầu thập niên 1990, Los Angeles Times đạt số phát hành kỷ lục với 1,5 triệu bản cho số cuối tuần, cao hơn rất nhiều so với New York Times. Tuy nhiên, sự vượt trội của tờ báo giảm dần sau khi Otis Chandler, người có công dẫn dắt tờ báo ra đi. Los Angeles Times gặp khó khăn trong việc tìm nguồn thu và phải để lại rất nhiều trang báo cho các nhà quảng cáo. Năm 1999, tờ báo dính vào vụ bê bối sân vận động Staples Center do bị cáo buộc thông đồng với các chủ sân vận động để chia chác các khoản thu từ quảng cáo. Bị tác động mạnh bởi vụ bê bối, vào năm 2000, gia đình Chandler đã bán tờ báo với giá cao ngất ngưởng (6,4 tỷ USD trong đó có 1,8 tỷ tiền vay nợ) cho tập đoàn The Tribune đang quản lý nhiều cơ quan báo đài, truyền hình địa phương có trụ sở tại Chicago. [Báo chí và cuộc "di dân" từ báo in sang báo điện tử] Sau khi được mua lại, tờ báo đã không bao giờ tìm lại được thời vàng son trước đây của mình. Do quản lý tài chính yếu kém cộng với sự phát triển của Internet, tập đoàn đã phải đệ đơn xin phá sản vào năm 2008 và chỉ thoát ra khỏi khủng hoảng vào năm 2012. Giờ đây, mặc dù các khả năng tài chính được củng cố, Los Angeles Times không còn làm cho các ông chủ quan tâm nữa. Một sự chuyển nhượng đã được nhắc đến sau khi Washington Post và Boston Globe được mua lại. Tuy nhiên, một vài nhà đầu tư đã từng có ý định tìm hiểu nay lại không ưu tiên dự án này. Tờ Boston Globe: Từng là trụ cột báo chí của bang New England, cho đến những năm 1990, tờ Boston Globe vẫn được coi như là một trong những tờ nhật báo tốt nhất của nước Mỹ. Được thành lập năm 1872 bởi một nhóm doanh nhân Boston, tờ báo đã lên sàn chứng khoán vào năm 1973 và được tập đoàn New York Times mua với giá 1,1 tỷ USD vào năm 1993. Mặc dù gia nhập làng báo điện tử từ rất sớm từ năm 1995 cũng như đã có sự điều chỉnh về thông tin địa phương và thông tin mang tính toàn quốc, song tờ báo đã không thể giữ chân được độc giả của họ. Tập đoàn New York Times đã dọa bán Boston Globe từ năm 2009 nếu như việc cắt giảm chi phí nhân công không được giới công đoàn chấp nhận. Vào đầu tháng Tám vừa qua, tập đoàn New York Times đã đạt được thỏa thuận bán tờ Boston Globe cho John W. Henry, ông chủ đội bóng bầu dục Boston Red Sox với giá 70 triệu USD, rẻ hơn 25 lần so với giá ở thời điểm mua vào. Mặc dù vậy, vẫn có những lời xì xào xung quanh thương vụ chuyển nhượng khi ba hồ sơ đăng ký với giá hời hơn đã bị các cổ đông từ chối. Chính vì vậy, dù hợp pháp trên giấy tờ, thương vụ vẫn được cho là không minh bạch đối với những người đăng ký nhưng không mua được, nhất là khi New York Times đã không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào cho sự lựa chọn của mình. Một vài người còn cho rằng New York Times cố tình lựa chọn ứng viên cấp tiến để mua lại Boston Globe, dù phải bỏ lại nhiều triệu USD trên bàn đàm phán. Có thể nói tương lai của Boston Globe là hết sức không chắc chắn, không phải chỉ do bối cảnh chung mà còn do sự cạnh tranh gay gắt từ những tờ báo địa phương, đặc biệt là từ tờ báo khổ nhỏ Globe Herald mà trớ trêu thay lại được in ngay trong xưởng in của Boston Globe. Tạp chí Newsweek: Được một cựu Tổng biên tập của tạp chí Time thành lập vào năm 1933, tờ tạp chí hàng đầu nước Mỹ Newsweek luôn theo sát mọi sự kiện thời sự nổi bật trên toàn thế giới và cập nhật đủ loại tin tức cho người dân, từ cuộc Chiến tranh Việt Nam cho tới việc đánh giá các bộ phim hay ở Mỹ. Năm 1961, Newsweek được Washington Post, hãng sở hữu tờ báo nổi tiếng cùng tên mua lại. Newsweek có thời kỳ phát triển đỉnh cao vào những năm 1990 mà kỷ lục là phát hành 4 triệu bản mỗi số vào thời kỳ đầu năm 2000, nhưng ngay sau đó số lượng phát hành đã sụt giảm nhanh chóng. Tờ tuần báo với bốn phiên bản bằng các ngữ khác nhau và 12 ấn bản địa phương bắt đầu vật lộn với việc thua lỗ nghiêm trọng từ năm 2005. Vào tháng 8/2010, Washington Post đã bán lại tờ tạp chí với giá tượng trưng 1 USD cho Sidney Harman, nhà tỷ phú âm thanh người California. Ông chủ mới đã hợp nhất tờ báo với trang web Daily Beast của công ty IAC (InterActive Corps) để phát triển thành tờ báo trực tuyến. Sau khi ông Harman qua đời vào năm ngoái, để giảm bớt khó khăn tài chính cho công ty IAC, ban lãnh đạo đã quyết định ngừng xuất bản ấn phẩm in của tờ tạp chí danh tiếng để ưu tiên phát triển phiên bản kỹ thuật số. Vào thời điểm đó, việc ngừng ra báo in của tờ Newsweek được ví như sự sụp đổ của một tượng đài, đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí thế giới và để lại bao nuối tiếc cho hàng triệu độc giả. Tuy nhiên, chưa đầy sáu tháng sau cú bẻ quẹo hoàn toàn sang phiên bản kỹ thuật số, các lãnh đạo IAC đã quyết định rao bán tờ báo. Theo thông báo ngày 3/8 vừa qua, IBT - hãng truyền thông đang sở hữu tờ International Business Times đã tuyên bố mua lại Newsweek.

Newsweek dừng bản in để tập trung cho bản điện tử The Daily Beast (Nguồn: AFP)
IBT do hai nhà đầu tư Etienne Uzac (người Pháp ) và Jonathan Davis (người Mỹ) thành lập năm 2006 tại New York, đang sở hữu các trụ sở cũ của Newsweek tại Wall Street. IBT quản lý nhiều cổng thông tin thời sự quốc tế, chuyên đưa tin về giới doanh nhân quốc tế và các vấn đề kinh tế. Do IBT là công ty 100% kỹ thuật số nên chắc chắn sẽ tập trung phát triển tạp chí trực tuyến. Mặc dù vậy, IBT tuyên bố vẫn có ý định ra ấn phẩm in ở ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Nếu như giá trị của thương vụ chuyển nhượng này không được tiết lộ, thì cũng có rất ít khả năng giá bán cao hơn giá mang tính biểu tượng 1 USD, do nhà đầu tư sẽ phải gánh vác các trách nhiệm pháp lý nặng nề đi kèm. Trước những lời bàn tán xôn xao đó, IBT đã không che giấu ý đồ và tuyên bố điều hấp dẫn hai nhà đầu tư là thương hiệu Newsweek và các thu nhập quảng cáo và kinh doanh trên địa chỉ trang web của tờ báo vốn đang có sức hút rất mạnh./.
Phạm Bích Hà/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục