Ngày 5/5, Thông tấn xã Việt Nam và Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức hội thảo khoa học về đề tài cấp quốc gia do Thông tấn xã Việt Nam thực hiện là "Thông tin báo chí với công tác lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế-lý luận và phương pháp nghiên cứu."
Tham gia thực hiện đề tài và hội thảo là các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học và hoạt động thực tiễn báo chí đến từ Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Ngoại giao…
Thông tin báo chí chính là sức mạnh mềm
Hầu hết các ý kiến trong hội thảo đều khẳng định đề tài đã “chạm” đến một chủ đề hay, rộng lớn, tầm vóc và có ý nghĩa quan trọng không chỉ về mặt lý luận mà còn mang giá trị thực tiễn cao.
Đề tài một mặt khẳng định vị trí, vai trò của thông tin trong công tác lãnh đạo, quản lý, mà hơn thế nữa còn làm rõ cơ sở lý luận, kinh nghiệm thực tiễn và đánh giá đúng vai trò của thông tin báo chí phục vụ công tác lãnh đạo quản lý ở Việt Nam.
Đồng thời, đề tài cũng dự báo sự phát triển và gia tăng vai trò của thông tin báo chí, từ đó đề xuất những phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thông tin báo chí, chất lượng khai thác thông tin báo chí phục vụ lãnh đạo và quản lý của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ mới, thời kỳ đổi mới toàn diện và hội nhập sâu vào quá trình toàn cầu hóa.
Với hơn 30 tham luận cùng ý kiến của các nhà quản lý, các nhà khoa học nghiên cứu và quan tâm đến lĩnh vực này, đã giúp hội thảo trở nên sôi nổi, vượt ra ngoài ranh giới của một vấn đề khoa học khô cứng.
Các ý kiến không chỉ đánh giá được tầm quan trọng, tính cấp thiết của đề tài này trong bối cảnh hiện nay, mà còn đưa ra rất nhiều góp ý nhằm kiện toàn và đẩy nhanh tiến trình hiện thực hóa đề tài trong thực tiễn hoạt động báo chí cũng như trong hoạt động lãnh đạo, quản lý.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho rằng: Đây là một đề tài có ý nghĩa rất là quan trọng, vừa có tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn. Nếu giải quyết tốt những vấn đề đặt ra trong đề tài này sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển báo chí, định hướng phát triển báo chí cũng như xác định những nội dung, công việc mà báo chí cần thực hiện trong thời gian sắp tới.
Mặt khác, đề tài cũng xác định được vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý, lãnh đạo đối với vấn đề cung cấp thông tin cho báo chí.
Đặc biệt là mối quan hệ tác động qua lại giữa báo chí với các cấp lãnh đạo, quản lý và các cấp lãnh đạo, quản lý đối với báo chí. Đây là một trong những đề tài có nội dung đáp ứng những yêu cầu thiết thực trong việc phát triển thông tin báo chí, cũng như những vấn đề đặt ra trong công tác lãnh đạo quản lý ở Việt Nam.
Xoay quanh mối quan hệ giữa báo chí và nhà lãnh đạo, tìm kiếm tiếng nói chung cũng như tạo sợi dây liên kết bền chặt hơn giữa hai lực lượng quan trọng này, trong báo cáo đề dẫn hội thảo, giáo sư-tiến sỹ Dương Xuân Ngọc, nguyên Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: Trong hoạt động lãnh đạo, quản lý không thể thiếu thông tin, trong đó có thông tin truyền thông, thông tin báo chí truyền thông. Sẽ không thể có quyết định lãnh đạo, quản lý đúng, trúng khi không đủ thông tin và càng không thể nói không có thông tin.
Thông tin không chỉ là điều kiện cần mà từ lâu đã trở thành nội dung của các quyết định đúng... Thông tin chính là sức mạnh mềm, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Sức mạnh mềm này càng khai thác, càng vận dụng thì càng phát huy sức mạnh.
Khả thi và có giá trị thực tiễn cao
Với các hướng triển khai khoa học và hợp lý như đánh giá thực trạng vai trò thông tin báo chí đối với hoạt động lãnh đạo, quản lý; giải pháp nâng cao hiệu quả thông tin báo chí đối với hoạt động lãnh đạo, quản lý… đề tài được các nhà quản lý và các nhà khoa học đánh giá có tính khả thi cao và giá trị thực tiễn.
Phó giáo sư-tiến sỹ Ngô Đình Xây trong tham luận nhấn mạnh: Đề tài này thực chất là nói đến mối quan hệ giữa chính trị và báo chí. Có 2 hướng tiếp cận: một là chính trị và báo chí có quan hệ độc lập; hai là chính trị và báo chí có quan hệ tương hỗ, độc lập tương đối.
Thực tế cho thấy 2 hiện tượng xã hội này có quan hệ mật thiết và bởi vậy chúng phải có trách nhiệm với nhau. Chính trị nên chủ động đi trước cung cấp thông tin kịp thời, định hướng thông tin. Với sự bùng nổ của mạng xã hội, chúng ta không thể ngăn được thông tin, cần chủ động định hướng thông tin. Chính trị phải tôn trọng tự do báo chí. Báo chí và chính trị cần đồng hành.
Mặt khác, báo chí đồng trách nhiệm với chính trị. Báo chí phải mang hơi thở của cuộc sống, mang mạch đập của xã hội, giúp cho chính trị có cơ sở để thực hiện đúng đắn. Báo chí phải tham gia đấu tranh xã hội. Báo chí phải giữ vững tôn chỉ mục đích để giúp chính trị có định hướng xã hội tốt hơn.
Các đại biểu tham dự hội thảo nhấn mạnh báo chí Việt Nam đang có vai trò rất quan trọng trong đời sống chính trị xã hội; đồng thời cũng ở vào giai đoạn nhạy cảm, vừa có những cơ hội lớn, vừa đứng trước nhiều thách thức lớn, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và đang tiếp tục hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.
Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí cần được thực hiện thông qua hệ thống pháp luật về báo chí và công tác quản lý Nhà nước về báo chí. Đó cũng chính là đòi hỏi khách quan của việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về báo chí để đáp ứng yêu cầu phát huy bản chất cách mạng của báo chí Việt Nam trong tình hình mới.
Tình hình thế giới đang có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những bất ổn khó lường. Những thuận lợi, khó khăn của tình hình trong nước cùng xu thế toàn cầu hóa thông tin và sự bùng nổ của truyền thông xã hội tác động trực tiếp đến hoạt động báo chí và công tác quản lý báo chí.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan chủ quản, nỗ lực của các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo, báo chí Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của mình, góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới đất nước.
Trong tình hình đó, đề tài khoa học này càng mang tính cấp thiết hơn bao giờ hết. Các nhà quản lý và các nhà khoa học cũng trao đổi sôi nổi về việc đưa ra những góp ý bổ sung vào hệ thống lý luận cũng như phương pháp nghiên cứu đối với đề tài này.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thành Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng: Đề tài từ cách tiếp cận tới cách triển khai rất tốt. Tuy nhiên để đề tài sâu và toàn diện hơn thì cần kết hợp truyền thống với hiện đại, bổ sung thêm một số những học thuyết, lý thuyết về truyền thông trước kia.
Ví dụ như lý thuyết về mũi kim tiêm hay là dòng chảy hai bước, quan điểm về thế giới phẳng. Từ việc xây dựng một hệ thống lý thuyết vững chắc thì việc triển khai các chương, các nội dung bên trong sẽ tốt hơn…
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khác cũng đặt ra vấn đề, báo chí cần làm gì để khai thác thông tin từ những nhà lãnh đạo và ngược lại lãnh đạo cần làm gì để nhận được những thông tin thiết thực từ báo chí?
Nhiều ý kiến còn chỉ rõ, nên bổ sung thêm một số vấn đề lý luận: trong môi trường truyền thông hiện nay, thông tin báo chí có tác động như thế nào, các mối quan hệ xung quanh, đánh giá thỏa đáng thực trạng thông tin báo chí phục vụ hoạt động lãnh đạo, quản lý… Khái niệm lãnh đạo, nội dung lãnh đạo báo chí, giới hạn phạm vi đề tài nên cụ thể hơn nữa…
Hội thảo đã đem lại rất nhiều ý kiến quý báu cho hội đồng thực hiện đề tài khoa học. Những đóng góp này sẽ được tiếp thu, bổ sung giúp đề tài ngày càng thiết thực và toàn diện.
Các nhà khoa học đều nhất trí cao với tính khả thi và giá trị to lớn của đề tài khi nghiên cứu thành công. Đề tài được đưa vào thực tiễn sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng đối với các cấp lãnh đạo, quản lý và thực tiễn hoạt động báo chí ở Việt Nam hiện nay./.