Báo chí góp phần triển khai Nghị quyết về cơ chế đặc thù ở TP.HCM

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng báo chí-xuất bản đóng vai trò quan trọng, là phương tiện hữu hiệu đưa các Nghị quyết của Trung ương và thành phố đến với người dân.
Báo chí góp phần triển khai Nghị quyết về cơ chế đặc thù ở TP.HCM ảnh 1Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Ngày 19/6, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức tọa đàm "Báo chí-Xuất bản sáng tạo, đồng hành cùng thành phố, vì cả nước” trong việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trân trọng ghi nhận sự đóng góp của lực lượng báo chí và xuất bản thành phố tích cực trong tuyên truyền, làm cho người dân hiểu hơn Nghị quyết 54 - nghị quyết tạo điều kiện để thành phố phát triển mạnh hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước, vì cả nước.

Bí thư Thành ủy mong muốn trong thời gian tới, các cơ quan báo chí, xuất bản tiếp tục đồng hành cùng lãnh đạo thành phố trong việc nắm bắt nhanh, chính xác nhất mọi thông tin về các mặt đời sống xã hội của thành phố; kịp thời có những góp ý, hiến kế để việc triển khai thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả.

Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện để các cơ quan báo chí, xuất bản thực hiện nhiệm vụ của mình một cách thuận lợi.

Bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc tuyên truyền rộng rãi, toàn diện những nội dung và các vấn đề liên quan đến Nghị quyết 54 là rất quan trọng.

[Cơ chế đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh: Gỡ nhiều 'nút thắt']

Báo chí-xuất bản đóng vai trò quan trọng, là phương tiện hữu hiệu đưa các Nghị quyết của Trung ương và thành phố đến với người dân; phản ánh thực tiễn khi các Nghị quyết đi vào cuộc sống, hướng dẫn dư luận, lắng nghe ý kiến phản hồi, lan tỏa những điển hình, sáng tạo trong việc triển khai thực hiện cơ chế đặc thù.

Thông qua nhiều loại hình báo chí, các cơ quan báo chí cần tiếp tục phản ánh sinh động các nội dung của Nghị quyết, góp phần xây dựng niềm tin của nhân dân với Nghị quyết 54, bởi đây là yếu tố quyết định cho sự vận hành, thành công của Nghị quyết trong thực tiễn.

Từ những ý kiến kiến nghị của các cơ quan báo chí về việc tăng cường phối hợp cung cấp thông tin giữa các đơn vị, sở, ngành thành phố với cơ quan báo chí, bà Thân Thị Thư cho rằng Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cần nhanh chóng trình đề án thành lập một Trung tâm báo chí hoạt động thường xuyên. Đây sẽ là nơi cung cấp dữ liệu cho báo chí và cũng là nơi để thành phố chủ động cung cấp thông tin tới báo chí.

Chia sẻ tại tọa đàm, đại diện các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố cho rằng báo chí là bộ phận không tách rời trong triển khai thực hiện Nghị quyết 54, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết này, nhiều cơ quan báo chí đã đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú.

Báo chí góp phần triển khai Nghị quyết về cơ chế đặc thù ở TP.HCM ảnh 2Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Thông qua các nội dung phản ánh ở các loại hình thông tin, báo chí thực hiện được vai trò định hướng, dẫn dắt người dân. Tuy nhiên, để phát huy tốt vai trò của mình góp phần thực hiện Nghị quyết 54, các cơ quan báo chí rất cần sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan của thành phố trong việc chia sẻ, cung cấp thông tin về quá trình triển khai cơ chế chính sách đặc thù.

Mặt khác, với các thông tin trên báo chí, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng phản hồi để người dân hiểu, như vậy mới tạo sự đồng thuận của xã hội.

Góp phần tuyên truyền về Nghị quyết 54, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các cơ quan báo chí, xuất bản cần mở các chuyên trang, chuyên mục, diễn đàn, đối thoại góp phần khơi gợi những ý tưởng sáng tạo, những ý kiến tâm huyết của người dân góp sức đưa thành phố đi lên, qua đó, tạo sự đồng thuận, phát huy tiềm năng sáng tạo và nguồn lực trong nhân dân tham gia thực hiện Nghị quyết 54.

Theo bà Phạm Phương Thảo, thực tế, người dân luôn mong muốn báo chí phát triển xứng tầm, có những thông tin nhanh, có chiều sâu, giúp lý giải những vấn đề đặt ra của thời cuộc, của cuộc sống. Vì vậy, báo chí không chỉ dừng lại ở việc phản ánh những bức xúc của người dân mà cần hướng đến tìm kiếm giải pháp; trong đó, chú trọng đến việc ghi nhận ý kiến, phát huy vai trò của người dân hiến kế xây dựng thành phố./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục