Ngày 19/6 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020) và tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho 1 tập thể, 134 cá nhân thuộc các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan truyền thông-báo chí đã có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.
Tập thể được tặng Bằng khen là Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) - đơn vị đã thực hiện bộ phim truyền hình “Những ngày không quên” dài 50 tập với nội dung tuyên truyền về đề tài phòng, dịch COVID-19 xen lẫn yếu tố giải trí.
Trong số 134 cá nhân được tặng bằng khen, ngoài lãnh đạo các cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên còn có đạo diễn phim “Những ngày không quên”; tác giả ca khúc “Việt Nam ơi đánh bay COVID” Bùi Quang Minh (Minh Beta)...
Thông tấn xã Việt Nam là một trong số các cơ quan báo chí uy tín hàng đầu đã góp phần tích cực vào công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 của cả nước bằng nhiều loại hình báo chí. Có 5 cá nhân là lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo đơn vị và phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế trong dịp này.
[Truyền thông chính thống có vai trò lớn trong phòng, chống COVID-19]
Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, cho biết có thể nói rằng đến nay, đã có 5 tháng mà ngành y tế và toàn xã hội, trong đó có các cơ quan báo chí, truyền thông đồng hành trên chặng đường đầy cam go, thử thách, thu được kết quả thắng lợi ban đầu, kiểm soát tốt dịch COVID-19.
Qua đó, ngành y tế càng nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng, mức độ ảnh hưởng, tác động của các cơ quan truyền thông tới người dân. Ý thức của người dân tăng lên, người dân chủ động hơn, phối hợp hơn, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Người dân cũng tin tưởng vào các biện pháp chỉ đạo của Chính phủ. Đó là do đội ngũ những người cầm bút đã truyền tải thông tin, cập nhật kiến thức để người dân hiểu biết, hợp tác, tự giác hơn.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, hình ảnh những người cầm bút, nhà báo xung phong vào tuyến đầu chống dịch, phản ánh thực tiễn, công việc của người chiến sỹ áo trắng trong vùng dịch là hình ảnh hết sức cao quý, cảm động…
Đặc biệt, thông tin trên báo chí chính thống và thông tin trên mạng xã hội đều cùng một tư tưởng, qua đó gó phần tác động mạnh mẽ đến mọi đối tượng trong xã hội. Có thể thấy rằng báo chí chính thống đã tạo sức mạnh, dòng chảy chính, chủ động thông tin chính xác, tin cậy, làm cho thông tin thất thiệt, sai sự thật không có “đất sống”; việc kịp thời thông tin cũng rất quan trọng...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19, Việt Nam có cách đi riêng, cách làm riêng. Ban đầu, cách làm của Việt Nam có thể gây ra phản ứng, cách hiểu khác nhau nhưng đến nay, phải khẳng định là chúng ta đã làm đúng, làm trúng, kịp thời và tất cả các thời điểm đều áp dụng mọi biện pháp phòng, chống dịch rất chính xác.
Tất cả các thông tin về diễn biến, cách thức phòng, chống dịch của Việt Nam đều được các cơ quan báo chí truyền tải kịp thời đến người dân cả nước, góp phần tích cực vào thành công của đất nước trong công cuộc kiểm soát dịch COVID-19.../.