Báo chí cần tuân thủ các tiêu chuẩn về đạo đức, vì lợi ích cộng đồng

Trước sự phát triển nhanh chóng của môi trường số khiến cách làm báo hoàn toàn thay đổi, các chuyên gia nhận định rằng báo chí cần tuân thủ quy tắc đạo đức để đảm bảo lợi ích cộng đồng.
Hội thảo lần này nhằm chia sẻ kinh nghiệm của các nước thành viên UNESCO trong việc xây dựng và triển khai Bộ quy tắc đạo đức báo chí để thích ứng trong môi trường số. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Bà Sasion Kamon, chuyên gia dự án Phát triển truyền thông của UNESCO tại Bangkok, cho rằng báo chí là một hoạt động tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức, truyền tải những thông tin đã được kiểm chứng vì lợi ích cộng đồng.

Vì vậy, nguyên tắc cốt lõi của báo chí là đảm bảo tính chính xác, sự độc lập, công bằng, bảo mật, tính nhân đạo, trách nhiệm xã hội và sự minh bạch.

Đây cũng chính là nội dung được đưa ra thảo luận tại “Hội thảo về Quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số: thách thức và thích nghi của Việt Nam” khai mạc chiều ngày 24/6. Hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức.

Phân tích về vấn đề này, chuyên gia Sasion Kamon cho rằng sự phát triển của môi trường số đã thay đổi hoàn toàn cách sản xuất và truyền đạt thông tin, từ đó khái niệm “nhà báo” và “báo chí” cũng được mở rộng.

"Ngoài những người làm báo chuyên nghiệp, còn có các nhà báo không chuyên, những người làm truyền thông, các blogger và những "nhà báo công dân" khi họ tham gia vào các hình thức tự xuất bản trên Internet. Trước sự thay đổi đó, các tiêu chuẩn đạo đức báo chí cũng cần cải tiến để phù hợp với xu thế," bà Sasion Kamon nói.

[Bộ quy tắc ứng xử: Điều tiết hành vi của người tham gia mạng xã hội]

Cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới với sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến hiện nay, Việt Nam và các nước ASEAN cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên môi trường số, đặc biệt là thời gian gần đây vấn nạn tin giả, thông tin sai lệch… trên mạng Internet ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Không chỉ là những công dân “nhấn nút chia sẻ” một cách vô thức mà ngay cả các nhà báo, chuyên gia truyền thông cũng chia sẻ hoặc đăng một bài báo dựa trên thông tin chưa được xác minh, chưa được biên tập.

Bà Phạm Thị Phương Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (thứ ba từ trái sang). (Ảnh chụp màn hình)

Nhìn nhận về môi trường báo chí tại Việt Nam, bà Lucila Carrasco, chuyên gia Thông tin và Truyền thông của UNESCO Việt Nam, khẳng định sự phát triển của kỷ nguyên số và truyền thông đa phương tiện kéo theo nhiều sai phạm trên mạng. Đây là một vấn đề phức tạp và UNESCO luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ cách ứng phó cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

“Chúng tôi có những công cụ hướng dẫn thực hiện đạo đức báo chí, cũng đã triển khai những chiến dịch nhằm kêu gọi mọi người hoạt động truyền thông có trách nhiệm, ‘nghĩ trước khi chia sẻ’, kiểm chứng thông tin, tránh đưa tin giả, tránh gây hoang mang trong xã hội,” bà Carrasco nói.

Theo bà Phạm Thị Phương Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, với các bài học được chia sẻ cũng như những kinh nghiệm quý từ các chuyên giá nước ngoài, hội thảo sẽ góp phần nâng cao năng lực và tăng cường nhận thức cho các nhà báo, các nhà quản lý, những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, báo chí của Việt Nam để đối phó với những thách thức trong kỷ nguyên số.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, trong đó các chuyên gia và nhà báo sẽ cùng nhau tập trung thảo luận và làm rõ các vấn đề như: Khái niệm đạo đức báo chí và hệ quả; Kỷ nguyên số, truyền thông đa phương tiện mới và sai phạm thường gặp khi đưa tin trên mạng; Chia sẻ kinh nghiệm thực thi Quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số tại châu Âu và một số nước thành viên UNESCO; Thực tiễn triển khai các quy định liên quan đến đạo đức báo chí trong môi trường số tại Việt Nam.

Trong phiên thảo luận ngày 25/6, các chuyên gia sẽ đưa ra báo cáo khuyến nghị về việc xây dựng và ban hành các nguyên tắc đạo đức báo chí trên môi trường số của Việt Nam. Từ kinh nghiệm của các nước khác, các chuyên gia cũng sẽ chia sẻ cách thức xây dựng mạng lưới và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đạo đức báo chí trên môi trường số hướng tới mục tiêu chung của UNESCO về bảo vệ và xây dựng năng lực cho các nhà báo.

Được biết, hội thảo lần này có sự góp mặt của các chuyên gia truyền thông đến từ UNESCO và Liên minh châu Âu, đại diện Hội Nhà báo Việt Nam, tiến sỹ Nguyễn Thị Trường Giang (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) và nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục