Sự phát triển của công nghệ và truyền thông mạng xã hội đã đặt các cơ quan báo chí vào một bối cảnh chung nhiều cơ hội cũng tràn đầy thử thách. Do đó, các nhà báo trong khu vực ASEAN đã cùng ngồi lại, tìm giải pháp để “tuyên chiến” với tin giả và những thách thức khác đang hiện diện trong "Thế giới Số."
Đó là nội dung Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị toà soạn Báo chí Số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 7/12, tại Hà Nội, nhằm tạo một cơ chế trao đổi cởi mở giữa các cơ quan báo chí trong khu vực.
Hợp tác chia sẻ kiến thức và nguồn lực
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, trong tình hình mới, các phương tiện truyền thông nói chung và các cơ quan thông tấn, báo chí nói riêng cần phải ghi nhớ sứ mệnh cao cả của mình - thông tin phải được cung cấp chính xác và phân tích có ý nghĩa, bảo vệ người dân khỏi các tin giả và thông tin sai lệch.
Ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh Chuyển đổi Số trong truyền thông thực chất là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm phong phú thêm hệ sinh thái truyền thông số với những tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông tới người tiêu dùng thông tin.
Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhận định rằng việc các nước ASEAN cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết về chiến lược, cách làm hay trong việc thúc đẩy và định hướng các cơ quan báo chí truyền thông trong nước Chuyển đổi Số một cách bền vững là rất cần thiết.
Ông Atal S Depari, Chủ tịch Liên đoàn Báo chí ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chia sẻ và đoàn kết giữa các cơ quan báo chí trong khu vực, đặc biệt là khi đối mặt với những thách thức nảy sinh trong thời đại công nghệ số.
Chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong Chuyển đổi Số báo chí, truyền thông
Hội thảo Báo chí Quốc tế "Quản trị Tòa soạn Báo chí Số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN" nhằm kết nối, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong Chuyển đổi Số báo chí.
Theo ông Atal S Depari, công nghệ số đã cách mạng hóa việc phổ biến và tiêu thụ thông tin. Ngày nay, điều quan trọng hơn bao giờ hết là những nhà báo phải hợp nhất lại. Sự đoàn kết và hợp tác sẽ giúp các cơ quan báo chí trao đổi ý kiến, chiến lược và thực hành các phương pháp.
“Tôi không chỉ đề cập đến việc đưa tin mà còn muốn nhắc đến đạo đức báo chí, sự thật và tính chính trực trong mỗi bài báo. Sự đoàn kết này giúp báo chí đối mặt với tình trạng tin giả, thao túng thông tin và những thách thức khác đang hiện diện rộng rãi trong Thế giới Số,” ông Atal S Depari nói.
Lấy ví dụ về cuộc chiến chống tin giả, ông Atal S Depari cho rằng các nhà báo từ các quốc gia ASEAN có thể chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp kiểm chứng thông tin hiệu quả và chiến lược để đối phó với thông tin sai lệch. Những nỗ lực chung này sẽ mang lại thông tin chính xác và đáng tin cậy hơn cho độc giả, góp phần tạo ra sự ổn định chung trong khu vực.
Chủ tịch Liên đoàn Báo chí ASEAN cho rằng quá trình hợp tác cũng giúp cơ quan báo chí chia sẻ kiến thức và nguồn lực, mở rộng kỹ năng tác nghiệp, đặc biệt là trong việc khai thác công nghệ thông tin để trình bày tin tức một cách lôi cuốn và giàu nội dung hơn cho công chúng.
Cùng chung quan điểm, ông Agus Sudibyo, Chủ tịch Hội đồng Giám sát Cơ quan phát thanh truyền hình công cộng TVRI, Hội Nhà báo Indonesia đề xuất thành lập mạng lưới truyền thông ASEAN để hướng tới truyền thông bền vững; trong đó nhấn mạnh sự hợp tác giữa các quốc gia để giải quyết vấn đề chung.
Theo ông Agus Sudibyo, tại Indonesia, các nền tảng như Google và Facebook đang chiếm 80% thị phần tin tức, 70% doanh thu quảng cáo đồng thời thu thập dữ liệu người dùng, bán dữ liệu này cho các nhà quảng cáo.
Ông Agus Sudibyo khẳng định đó là tình trạng tại nhiều quốc gia Đông Nam Á. Các cơ quan báo chí và truyền thông mạng xã hội vừa là bạn, vừa là đối thủ cạnh tranh. Chính phủ và Hội Nhà báo Indonesia đã cố gắng xây dựng những điều luật mới về quyền xuất bản trên nền tảng số để hỗ trợ báo chí lành mạnh.
Nâng cấp nguồn nhân lực
Tham luận tại hội thảo, ông Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus cũng đưa ra 3 giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất để xây dựng Tòa soạn Số.
Cụ thể, muốn thúc đẩy nhanh quá trình Chuyển đổi Số, các tòa soạn cần thay đổi cơ cấu tổ chức, nhất là về nhân sự. Khi đó, tòa soạn sẽ không chỉ gồm các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đơn thuần mà còn cần thêm các vị trí cho người phụ trách sản phẩm, chuyên viên dữ liệu...
“Chính vì thế, công tác đào tạo phải được thực hiện thường xuyên và liên tục, cập nhật kiến thức mới cho toàn bộ các cấp, từ cán bộ quản lý tới nhân viên. Việc đào tạo phải gắn với thực hành, tập làm quen với văn hóa A/B testing (thử nghiệm sản phẩm), văn hóa sử dụng dữ liệu để đưa ra quyết định,” ông Duẩn nói.
Giải pháp thứ hai là đầu tư cho công nghệ. Theo đó, các tòa soạn cần dành khoản kinh phí nhất định cho việc phát triển, hoặc tìm hướng liên kết với các công ty công nghệ theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi.
Hiện nay, Báo Điện tử VietnamPlus đã và đang sử dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong việc sản xuất, sáng tạo sản phẩm báo chí như Infogram, Flourish (sản xuất infographics), Wochit (sản xuất video), Vbee (biến văn bản thành giọng nói), công cụ xác thực thông tin (fact-check), Podcast… và mới đây là các thiết bị loa thông minh ra lệnh bằng giọng nói.
“Khi độc giả quá bận rộn không có nhiều thời gian xem TV, lướt mạng, họ có thể ra lệnh bằng thiết bị loa thông minh để nghe tin tức thời sự, hoặc nội dung yêu thích bằng điện thoại,” ông Duẩn cho biết.
Giải pháp thứ ba là phát triển mô hình kinh tế báo chí bền vững, đa dạng hóa nguồn thu cho các cơ quan báo chí.
“WAN-IFRA cho rằng Chuyển đổi Số thực chất là giúp các cơ quan báo chí tìm ra những mô hình tăng nguồn thu mới cho kinh tế báo chí, bù đắp cho những nguồn thu truyền thống ngày càng ‘teo tóp’. Do đó, để có chi phí đầu tư vào công nghệ, các tòa soạn cần đa dạng hóa nguồn thu, mở hướng kinh doanh dựa trên sản phẩm thế mạnh của mình,” ông Duẩn chia sẻ.
Chia sẻ về từ mô hình tòa soạn truyền thống đến mô hình hội tụ và mô hình Tòa soạn Số, nhà báo Wu Rui Ming, Báo Shin Min Daily News, thuộc Hiệp hội Truyền thông và Xuất bản Sáng tạo của Singapore cho hay việc làm báo kỹ thuật số đã thay đổi hoàn toàn so với cách làm báo in.
Ông đưa ra một ví dụ rằng “trước đây khi có một thông tin thời sự diễn ra vào tối muộn thì rất khó để các tờ báo in có thể kịp cập nhật thông tin, nhưng trong thời đại ngày nay thì hoàn toàn có thể làm được.”
Ông nhấn mạnh đây chính là yếu tố then chốt trong tác nghiệp, xuất bản báo chí kỹ thuật số. Nếu các tòa báo nắm bắt được những sự kiện nóng hổi và đưa tin kịp thời, thì sẽ giành được sự quan tâm lớn của độc giả, qua đó sẽ tăng lượng truy cập, đồng nghĩa sẽ tăng được nguồn thu.
Một lưu ý khác mà nhà báo Wu Rui Ming đưa ra trong hội thảo là các phóng viên, biên tập viên… trong thời đại kỹ thuật số là phải không ngừng nâng cấp bản thân, khi không chỉ trau dồi kỹ năng viết mà còn phải tìm hiểu công nghệ mới có thể đáp ứng được yêu cầu của công cuộc Chuyển đổi Số của báo chí.
“Chúng tôi luôn được yêu cầu nâng cấp bản thân. Trước đây, phóng viên thường chỉ viết tin text nhưng bây giờ họ đã học cách quay và dựng video. Trong một số trường hợp, video sẽ thu hút độc giả tốt hơn là tin text, đặc biệt là khi được đăng tải trên các nền tảng như TikTok, YouTube hay Facebook,” nhà báo Wu Rui Ming nhấn mạnh.
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Aditta Kittikhoun, Hội Nhà báo Lào đưa ra 3 nhóm giải pháp.
Đối với Chính phủ, ông Aditta Kittikhoun kiến nghị việc xây dựng một môi trường ủng hộ sự phát triển và đổi mới truyền thông; xây dựng hành lang pháp lý để quản lý các công ty truyền thông xã hội (doanh thu quảng cáo, thuế).
Đối với các cơ quan báo chí, ông cho rằng cần chủ động đầu tư vào công nghệ AI, đào tạo về truyền thông xã hội và đào tạo kỹ năng báo chí sáng tạo, xem xét thử nghiệm các mô hình kinh doanh khác nhau, đa dạng hóa kênh phân phối sản phẩm.
Đối với công chúng, ông Aditta Kittikhoun kêu gọi sự tương tác một cách nghiêm túc và mang tính xây dựng đối với báo chí, đóng góp thông tin và chia sẻ nội dung có trách nhiệm./.