Báo cáo triển vọng kinh tế ảm đạm ở các quốc gia châu Âu

Chính phủ Đức dự báo nền kinh tế nước này năm 2020 sẽ giảm ít nhất 5%, trong khi đó nền kinh tế Pháp có thể suy giảm mạnh hơn cả thời kỳ đại suy thoái năm 1929.
Báo cáo triển vọng kinh tế ảm đạm ở các quốc gia châu Âu ảnh 1Người dân xếp hàng bên ngoài một siêu thị ở Berlin, Đức ngày 23/2/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Nguồn: THX/TTXVN)

Niềm tin tiêu dùng tại Đức tháng 4/2020 giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009, trong bối cảnh nền kinh tế hàng đầu châu Âu đang chịu tác động mạnh của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo báo cáo dự báo hằng tháng được Viện nghiên cứu GfK cập nhật ngày 25/3, chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 4/2020 tại Đức tụt xuống mức 2,7 điểm, giảm sâu so với mức 8,3 điểm của tháng 3/2020.

Đây là chỉ số thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 5/2009.

GfK cho rằng những yếu tố như các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Đức tăng mạng và các biện pháp hạn chế dịch bệnh lây lan cùng các biện pháp liên quan đã khiến niềm tin tiêu dùng sụt giảm.

[Đại dịch COVID-19 khiến các nước G20 đối mặt với suy thoái kinh tế]

Kết quả khảo sát 2.000 người cho thấy người tiêu dùng đặc biệt bi quan về triển vọng phát triển kinh tế Đức khi chính phủ buộc phải thực hiện các biện pháp đóng cửa các nhà hàng, cửa hàng và các doanh nghiệp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng cũng tác động không nhỏ tới nền kinh tế thiên về xuất khẩu này.

Trong tuần, chính phủ Đức dự báo nền kinh tế nước này năm 2020 sẽ giảm ít nhất 5% trong khi quốc hội nước này đã bỏ phiếu thông qua gói cứu trợ trị giá 1.100 tỷ euro (1.200 tỷ USD) để ứng phó với tác động của dịch bệnh.

Khi nhiều nhân viên buộc phải rút ngắn giờ làm hoặc đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, khảo sát chỉ ra người dân ước tính thu nhập giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm.

Báo cáo của GfK cảnh báo các nhà bán lẻ sẽ gặp khó khăn trong trung và dài hạn dù hiện tại doanh số bán ra đang rất cao vì người dân lo ngại tác động của dịch bệnh và đổ xô đi mua sắm, nhưng nhiều hộ gia đình sẽ rơi vào cảnh bấp bênh và cần hỗ trợ từ chính phủ và ngành bán lẻ cần phải chuẩn bị cho kịch bản này.

Tương tự, một nghiên cứu của Viện Ifo ngày 25/3 chỉ ra các nhà xuất khẩu của Đức cũng trong trạng thái bi quan nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, chỉ số dự báo xuất khẩu Đức trong tháng 3 tụt xuống mức -19,8 điểm, từ mức -1,1 điểm trong tháng 2/2020. Giám đốc Ifo Clemens Fuest cho rằng đại dịch COVID-19 đang kìm hãm thương mại toàn cầu, và là một quốc gia xuất khẩu, Đức chịu tác động nghiêm trọng.

Hôm 24/3, Ifo dự báo kinh tế Đức có thể suy giảm 20% trong năm nay. Khảo sát chỉ ra triển vọng ảm đạm trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt trong ngành sản xuất ôtô, một trong những ngành sản xuất chủ lực của Đức.

Theo thống kê ngày 25/3 của Cơ quan nghiên cứu INSEE thuộc Bộ Tái chính Pháp, hoạt động kinh tế và tiêu dùng hộ gia đình ở nước này đang ở mức 65% so với thông thường.

Báo cáo chỉ số niềm tin kinh doanh hàng tháng tại Pháp do INSEE thực hiện cho thấy mức giảm trong một tháng cao nhất từ năm 1980, từ 105 điểm trong tháng 2/2020 xuống chỉ còn 95 điểm trong tháng 3/2020.

Đặc biệt, các lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ giảm mạnh nhất.

INSEE cũng cho biết hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán nền kinh tế Pháp sẽ suy giảm tới mức nào, nhưng ước tính mỗi một tháng phong tỏa sẽ khiến các hoạt động kinh tế trong một quý giảm khoảng 12 điểm % và trong một năm sẽ giảm 3 điểm %.

Trong bản cập nhật luật ngân sách khẩn cấp mới công bố hồi tuần trước, Chính phủ Pháp ước tính nền kinh tế nước này sẽ suy giảm khoảng 1% , thay vì tăng trưởng 1,3% như dự báo được đưa ra trước khi dịch bệnh xảy ra.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo nền kinh tế Pháp có thể suy giảm mạnh hơn cả thời kỳ đại suy thoái năm 1929.

Ngày 26/3, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Christos Staikouras ước tính nền kinh tế nước này sẽ suy giảm từ 1-3% trong năm 2020 do tác động của dịch bệnh khiến các hoạt động kinh tế ngừng trệ.

Ông Christos Staikouras hy vọng tác động sẽ nhẹ nhàng hơn so với các quốc gia khác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, nhưng mọi ước tính đều phụ thuộc vào thời gian dịch bệnh hoành hành.

Ông dự báo tốc độ phục hồi hoạt động kinh tế nước này trong năm 2021 sẽ cao.

Năm 2020, nền kinh tế Hà Lan được dự báo sẽ bước vào thời kỳ suy giảm đầu tiên kể từ năm 2013 khi dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất và nhu cầu sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng và bào mòn ngân sách chính phủ.

Đây là nhận định của công ty tư vấn chính sách hàng đầu cho chính phủ Hà lan CPB đưa ra ngày 25/3.

CPB dự báo kinh tế Hà Lan có thể suy giảm trong biên độ 1,2-7,7% trong năm 2020, tùy thuộc và khoảng thời gian phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Theo CPB, cả 4 kịch bản mà công ty này phân tích đều cho kết quả cuối cùng là kinh tế suy giảm.

Chính phủ Hà Lan đã yêu cầu đóng cửa tất cả các trường học, nhà hàng, quán bar và bảo tàng, cấm tụ tập nơi công cộng và kêu gọi người dân ở yên trong nhà để hạn chế dịch bệnh lây lan./.

Đại dịch COVID-19 18h ngày 26/3 (Giờ Hà Nội) đã lây lan ra 198 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới 486.948 người trong đó 22.025 người đã tử vong.

Hiện Italy là nước có số ca COVID-19 tử vong cao nhất thế giới với số ca tử vong là  7.503 trên tổng số ca nhiễm  74.386 ca.

Tại Tây Ban Nha, số ca tử vong cũng đã vượt Trung Quốc đại lục và hiện ở mức 4.089 trong số  56.188  người mắc bệnh.

Đức là nước châu Âu có số ca nhiễm đứng thứ 5 thế giới (sau Trung Quốc, Italy, Mỹ và TBN) tuy nhiên tỷ lệ ca tử vong thấp, 222 người.

Pháp là nước có ca nhiễm bệnh thứ 4 châu Âu với 25.233 ca mắc trong đó có 1.331 ca tử vong.

Trong khi đó Hà Lan có 6.412 ca nhiễm bệnh, 356 người tử vong.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục